Dư âm bản hùng ca

HỒNG VÂN 20/07/2014 08:37

40 năm sau chiến thắng Nông Sơn - Trung Phước (18.7.1974), những người lính Quân khu 5 có dịp về lại Quảng Nam thăm chiến trường xưa. Các cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 31, thuộc Sư đoàn 2 trước đây, lặn lội tìm đến mỏm đồi đã từng cắm cờ chiến thắng, nghe đâu đó dư âm bản anh hùng ca viết từ 40 năm trước.

Cựu chiến binh Trung đoàn 31 dựa vào sơ đồ trận đánh Nông Sơn năm xưa để xác định các vị trí đã từng chiến đấu.  Ảnh: HỒNG VÂN
Cựu chiến binh Trung đoàn 31 dựa vào sơ đồ trận đánh Nông Sơn năm xưa để xác định các vị trí đã từng chiến đấu. Ảnh: HỒNG VÂN

Ông Nguyễn Đình Trấc - nguyên Chính trị viên Đại đội 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 31 và CCB Nguyễn Chí Phong - nguyên Trung đội trưởng Trung đội 1, thuộc Đại đội 7 vẫn nhớ như in chiến thắng Nông Sơn - Trung Phước, bản hùng ca 40 năm trước. Tiêu diệt cứ điểm Nông Sơn - Trung Phước là một mục tiêu trong kế hoạch tiến công quân sự Thu đông năm 1974 do Thường vụ Khu ủy 5 đề ra. Lực lượng của địch lúc bấy giờ có Tiểu đoàn 78 biệt động biên phòng và khoảng hơn 1.500 tên bảo an, dân vệ, quân địa phương. Chúng tập trung quân chốt giữ cứ điểm Nông Sơn và đỉnh núi Cà Tang, một điểm cao khống chế toàn bộ khu vực và huênh hoang tuyên bố: “Bao giờ nước Thu Bồn chảy ngược thì Việt cộng mới lấy được Nông Sơn”. Trước ngày ta khai hỏa, có tình huống ngoài dự kiến. Địch tăng thêm một tiểu đoàn để đổi quân. Sư đoàn 2 quyết định, đây là thời điểm thuận lợi nhất để ta tiêu diệt gọn lực lượng địch. Bởi vì địch càng dồn đông trong công sự, chúng càng khó xoay xở, hơn nữa chúng có tâm lý chủ quan do giao ca. Vậy là kế hoạch đánh vào ngày 18.7 vẫn giữ nguyên.

CCB Nguyễn Đình Trấc hào hứng kể lại quá trình chuẩn bị đánh Nông Sơn. “Xác định đây là trận quyết chiến, chúng tôi là đơn vị chủ công có thời gian dài huấn luyện ở Núi Lớn, Sơn Bình. Đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5 và Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn đã đến thăm động viên. Anh em phấn khởi lắm”. CCB Nguyễn Chí Phong nhớ từng chi tiết cuộc gặp gỡ: “Thủ trưởng Chơn xắn quần, mặc áo mưa đến thăm chúng tôi, dáng vẻ như nông dân, đến nỗi vệ binh phải bắt dừng lại truy hỏi. Tôi đến kịp, mới biết. Ông hỏi toàn trung đội 1 chủ công đánh thọc sâu: “Bây giờ súng ống đầy đủ rồi, gạo cơm cũng hơn trước nhiều. Các cậu phải đánh cho thắng. Ai có ý kiến gì không?’ Không ngờ, cậu Hiền một chiến sĩ rất lém lỉnh của đơn vị đứng lên nói: “Thủ trưởng cho chúng em ăn 7 lạng thì đánh kiểu 7 lạng, 8 lạng đánh kiểu 8 lạng. Còn hơn nữa thì đánh tới số luôn”. Chúng tôi nghe tái mặt, nhưng thủ trưởng thì cười khà. Sau đó toàn đơn vị được bổ sung đường sữa và ăn 8 lạng một ngày thay vì 7 lạng như trước”.

Hai CCB dựa vào sơ đồ trận đánh năm xưa, men theo sườn núi lên các vị trí đã từng chiến đấu. 0 giờ ngày 18.7, các Đại đội 5, 6, 7 của Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 31, nhận hiệu lệnh đánh Nông Sơn. Trước đó, các đơn vị trực thuộc của Sư đoàn 2, Trung đoàn 1 và bộ đội địa phương Quảng Nam đã đồng loạt tiêu diệt các cứ điểm nhỏ, khống chế các ấp có dân vệ, hỗ trợ hỏa lực mở đường cho Trung đoàn 31 chiếm lĩnh trận địa. Giải quyết xong các mục tiêu, các trung đội tiến lên mỏm cứ điểm thì lại có tình huống. Một tiếng nổ rền dưới lòng đất, hất tung đơn vị. Thêm nhiều cán bộ chiến sĩ bị thương và hy sinh. Sau này khi bắt tù binh, tên tham mưu phó của tiểu đoàn biệt động quân nói rằng, đó chính là những thùng phuy được nhồi thuốc TNT chôn sâu dưới đất dùng để ngăn cản Việt Cộng. Tuy nhiên chúng không thể nào ngăn cản được bước tiến của quân giải phóng. Đến 17 giờ cùng ngày ta đã hoàn toàn làm chủ Nông Sơn. Cùng với các đòn tiến công của ta, bọn địch bị sức ép dữ dội của thuốc nổ TNT từ các hầm hào lần lượt chui ra hàng. Không đủ lực lượng để giải tù binh, chính trị viên Trấc yêu cầu bọn chúng tự cởi quần áo rằn ri, bỏ vũ khí, rút giây giày cột vào nhau và đi xuống chân đồi, nay là khu vực xây dựng Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn.

Có một chi tiết thú vị, khác với lịch sử đã ghi chép đó là người cắm lá cờ đầu tiên lên sở chỉ huy địch chính là Trung đội trưởng Trung đội 1 - Nguyễn Chí Phong. Tuy nhiên do lá cờ của Trung đội 1 mang theo bị khối thuốc TNT hất tung gãy cán, chỉ còn một đoạn ngắn, nên khi cắm vào lô cốt chỉ huy của địch đã bị khuất lấp. Vài phút sau, lá cờ của Trung đội trưởng Phạm Văn Chiến (Đại đội 5) cán dài 2m hiên ngang tung bay trên cứ điểm Nông Sơn. Trong trận đánh này, Trung đội trưởng Phong được kết nạp Đảng ngay tại chiến trường vào tối 18.7. Đại đội 7 sau đó đã được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Chiến thắng Nông Sơn - Trung Phước đã đập tan cánh cửa thép tuyến phòng thủ phía tây nam của địch. Đây là chiến thắng cùng với Thượng Đức làm cơ sở để Bộ Chính trị có chủ trương giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975.

Sâu nặng tình quân - dân

Trung tướng Lê Chiêm - Tư lệnh Quân khu 5 luôn đau đáu trong lòng khi thăm Nông Sơn. Dù huyện đã thay da đổi thịt rất nhiều sau 40 năm giải phóng và hơn 5 năm tách từ huyện Quế Sơn nhưng vẫn còn nhiều đối tượng chính sách khó khăn về nhà ở. Tri ân với Nông Sơn đã là mệnh lệnh của cán bộ, chiến sĩ Quân khu 5 và các đơn vị quân đội trên địa bàn. Hơn 3 tháng nay, từ sự chỉ đạo của Quân khu, Sư đoàn 2, Bộ Chỉ huy Quân sự Quảng Nam, Lữ đoàn Công binh 270, Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 574, Công ty Xây lắp Thành An 96 và 4 cơ quan Quân khu 5 đã cử lực lượng về Nông Sơn trực tiếp xây dựng hoặc giám sát xây dựng 10 nhà tình nghĩa (kinh phí 70 triệu đồng/nhà); tặng 160 suất quà (500 nghìn đồng/suất) cho các gia đình chính sách. Bộ Tư lệnh Quân khu cũng đã tặng 7 sổ tiết kiệm, mỗi sổ 10 triệu đồng cho 7 Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn huyện. Ngoài ra, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư xây dựng Vạn Tường, Trung tâm Xử lý bom mìn và môi trường tặng 30 suất học bổng (5 triệu đồng/suất) cho học sinh nghèo học giỏi. Bệnh viện Quân y 17 phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Nông Sơn, Trạm Y tế xã Quế Lâm tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho  người dân trong huyện.

Chứng kiến hàng loạt hoạt động tình nghĩa của bộ đội Quân khu 5, ông Phạm Phú Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn nói: “Trong chiến tranh và thời bình, bộ đội Quân khu 5 luôn sát cánh cùng Nông Sơn. Tình cảm quân dân sâu nặng ấy, chúng tôi luôn lưu giữ, làm động lực để xây dựng huyện nhà phát triển hơn nữa”. Còn CCB Nguyễn Hồng Hai, xã Quế Phước, người được tặng nhà tình nghĩa, chia sẻ: “Nghĩa tình của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 càng làm tôi thêm tự hào mình từng là Bộ đội Cụ Hồ”.

HỒNG VÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dư âm bản hùng ca
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO