Dự án bảo tồn, trùng tu các nhóm tháp Mỹ Sơn: Tổ chức thiếu chuyên nghiệp

VĨNH LỘC 14/06/2018 14:18

Không kiến trúc sư, không nhà khảo cổ, không nhà bảo tồn, bảo tàng có bằng cấp đạt yêu cầu; không có sự trao đổi, giám sát từ những nhà chuyên môn đại diện các cơ quan liên quan trung ương Việt Nam… là thực trạng đã và đang diễn ra tại dự án bảo tồn trùng tu các nhóm tháp K,H Mỹ Sơn. Dự án do các chuyên gia Ấn Độ thực hiện.

“Bóc tách, không phải khảo cổ”

Đây là quả quyết của ông Varadaraj Suresh - Kỹ sư bảo tồn (thuộc nhóm chuyên gia Ấn Độ đang thực hiện dự án bảo tồn nhóm tháp K, H, A tại Mỹ Sơn). Ông Varadaraj Suresh khẳng định, quá trình trùng tu được thực hiện khoa học và đúng phương pháp. “Khi chưa triển khai, tháp K đã bị đất phủ cao như một ngọn đồi, chúng tôi phải tổ chức di dời toàn bộ đất phủ bên trên để tìm kiến trúc tháp. Có những chỗ chúng ta quật ra góc tháp đã bị bể nên phải gia cố lại cho chắc chắn; có những phần bị mục hư hỏng phải vá lại gạch mới cho cứng cáp, rồi những dấu vết bờ tường cũ bị hư hại cũng đã được gia cố dựa trên bản gốc. Nói chung, chỗ nào hư lắm mới can thiệp, gia cố lại” - ông Varadaraj Suresh nói.

Ông Varadaraj Suresh cho rằng, đền tháp Mỹ Sơn có sự tương đồng rất lớn với các đền tháp ở phía Nam Ấn Độ. Tại Ấn Độ các chuyên gia đã trùng tu rất nhiều đền tháp kiến trúc gạch, do đó có đủ cơ sở, kinh nghiệm để trùng tu tháp Mỹ Sơn, nhất là dựa trên sự hợp tác làm việc với tổ kỹ thuật của Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn. “Những đền tháp này đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới cho nên phải tuân thủ theo những nguyên tắc trùng tu của UNESCO. Chúng tôi dùng gạch tương tự như người Chăm xưa đã dùng, sử dụng vữa vôi và dầu rái. Việc sử dụng vật liệu này có căn cứ cụ thể, vì ngày xưa người Chăm cũng dùng vữa vôi, bột gạch, dầu rái vào xây dựng tháp. Quá trình phát lộ chúng tôi không gọi là khai quật khảo cổ mà chỉ là bóc tách các lớp đất phủ để lộ ra kiến trúc gốc trùng tu” - ông Varadaraj Suresh nói.

Trùng tu nhóm tháp K. Ảnh: V.L
Trùng tu nhóm tháp K. Ảnh: V.L

Trong báo cáo sơ bộ của các chuyên gia Ấn Độ gửi Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn ngày 31.5 cho biết, bắt đầu từ ngày 13.1.2018 đã chính thức khởi công làm tại hai khu H, K, các công việc gồm: đào móng và xây tường gạch mới quanh hiện trạng phạm vi khai quật tại tháp K năm 2017 nhằm chắn đất và nước không tràn vào bên trong khu K; xử lý nền và lát gạch mới bên trong tháp K; khai quật làm lộ toàn bộ tháp K; trùng tu bậc cấp, thành bậc cấp phía tây tháp K và phần chân tháp hai mặt bắc và nam; xử lý nền và lát gạch lòng tháp K; xử lý móng và lát gạch mới lối đi từ đường chính vào tháp K. Riêng khu H đã khai quật làm lộ rõ tháp H4, vẽ kỹ thuật và tiến hành trùng tu tường nam tháp H4; khai quật lòng tháp H2; khai quật phần tiếp giáp giữa tháp H2 và H1, lấp một phần tháp H2, tránh ứ đọng nước vào mùa mưa; khai quật làm lộ rõ toàn bộ tường bao còn lại khu H, đào các gốc cây mọc trên tường bao; bắt đầu trùng tu tường bao khu H.

Lúng túng, bị động

Ngày 28.10.2014 Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ  ký kết “Bản ghi nhớ về bảo tồn Di sản Văn hóa thế giới Khu di tích Mỹ Sơn”. Mục tiêu dự án tập trung bảo tồn ba nhóm tháp A, H và K, thời gian kéo dài 5 năm, kinh phí 160 triệu rupee (tương đương 53 tỷ đồng) do Chính phủ Ấn  Độ tài trợ. Cơ quan Khảo sát khảo cổ học Ấn Độ (gọi tắc là ASI) cử chuyên gia kỹ thuật trực tiếp tham gia dự án. Năm 2016 đoàn đã đến Mỹ Sơn khảo sát và từ cuối tháng 2 đến ngày 30.5.2017 tiến hành khai quật, trùng tu tháp K và H và kéo dài đến nay.

Có thể thấy, tiến độ bảo tồn trùng tu 2 nhóm tháp K, H diễn ra theo tình tự rõ ràng, khoa học. Điều này cũng đã được Bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng ban Văn hóa, UNESCO Việt Nam xác nhận. “Tôi đã trực tiếp đến Mỹ Sơn, nhìn chung không thấy có điều gì bất thường, họ vẫn xay bột gạch trộn với vôi, dầu rái nên hồ hơi có màu xám giống xi măng nhưng bóp vỡ vụn ra nên không phải là xi măng. Tuy nhiên, có một số vấn đề trong thực hiện trùng tu cần điều chỉnh làm rõ với chỗ ông Phan Văn Cẩm (Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam)” - bà Hường chia sẻ.

Theo bà Hường, thiếu sót của dự án là quy trình thực hiện, cụ thể là chương trình khảo cổ trước khi trùng tu. “Phía Ấn Độ nói họ không nắm được quy trình và cũng chưa nộp giấy tờ hay giấy phép gì. Một vấn đề nữa là những kết quả, báo cáo kỹ thuật trong quá trình trùng tu không được các chuyên gia chuyên môn về khảo cổ và kiến trúc của Việt Nam biết, trừ một số người làm của Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, nhưng người này lại không có chuyên môn sâu. Hỏi phía Ấn Độ thì họ phản hồi là báo cáo không biết gửi cho ai, chỉ gửi cho Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, còn ban quản lý này thì cũng không biết làm như thế nào nữa. Rõ ràng cách tổ chức của dự án rất lúng túng. Làm việc tại Hà Nội, mọi người nói rằng trong tháng 6 này sẽ tổ chức kỳ họp hội đồng điều hành dự án, tôi cũng đề nghị là nên mời đại diện các cơ quan chuyên môn như Viện Bảo tồn di tích, Viện Khảo cổ, UNESCO… nhưng đến nay tôi vẫn chưa nhận được thông tin nào từ phía tỉnh Quảng Nam” - bà Hường cho biết.

Cũng theo bà Hường, trước đây những dự án do UNESCO làm tại Mỹ Sơn đều có sự tham vấn của hội đồng kỹ thuật bao gồm UNESCO, Cục Di sản, Viện Bảo tồn di tích, các chuyên gia khảo cổ, trùng tu của Ý, kể cả các chuyên gia của Pháp. Trước khi đưa ra một quyết định trùng tu hay thực hiện phương án nào đều bàn thảo rất kỹ giữa các bên, nhưng với dự án bảo tồn trùng tu nhóm tháp K, H thì chưa có sự tham vấn nào cũng như có hội đồng kỹ thuật nào góp ý, bàn thảo trước khi đưa ra quyết định. “Kế hoạch không chi tiết, không rõ ràng trước khi trùng tu dẫn đến bị động trong vốn đối ứng từ phía Việt Nam; rồi nguồn vốn đối ứng của tỉnh cũng không rõ, tiền trả lương công nhân phải vay mượn từ nguồn kinh phí của Mỹ Sơn dẫn đến rất nhiều việc như chậm trả lương công nhân, nói chung rất lúng túng, bị động” - bà Hường nhìn nhận.

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, người có nhiều năm tham gia các dự án bảo tồn trùng tu tại Mỹ Sơn cho rằng, mỗi thời kỳ đều có phương pháp trùng tu khác nhau như dùng xi măng, thanh sắt neo tường tháp của người Pháp, Ba Lan hay dùng vôi vữa, dầu rái của các chuyên gia Ý sau này, kể cả phương pháp của các chuyên gia Ấn Độ hiện nay, tất cả đều phù hợp và cấp thiết tùy mỗi giai đoạn, nên cách làm rất quan trọng, nhất là với dự án Ấn Độ là một vấn đề tế nhị. “Người Ấn Độ làm gì mình chưa nói, tuy nhiên cách tổ chức của dự án là kém. Các dự án trước đây như trùng tu tháp G chẳng hạn, ban bệ rất kỹ, có nhà khảo cổ, có nhà bảo tàng, bằng cấp đầy đủ, nhưng bây giờ thì phía Việt Nam không có ai hết. Người của Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn hay Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam không ai có bằng cấp, chuyên ngành phù hợp. Nói rõ ra, những người này phía Ấn Độ nói chi làm nấy. Một dự án mà không có ai theo dõi, không có người của các cơ quan trung ương giám sát, mà nguyên tắc người chủ trì  phải là người Việt Nam, mặc dù là tiền của từ phía Ấn Độ. Tôi nghĩ cách tổ chức dự án này rất lôi thôi” - ông Hỷ bày tỏ.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dự án bảo tồn, trùng tu các nhóm tháp Mỹ Sơn: Tổ chức thiếu chuyên nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO