Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Có thể bị kiện vì phải chờ mặt bằng

NGỌC BÍCH 20/11/2015 10:13

Thiếu kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB), chậm hoàn thành các khu tái định cư khiến tiến độ thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị ách tắc ở nhiều nơi. Chủ đầu tư dự án đang đứng trước nguy cơ bị khiếu kiện từ các nhà thầu thi công công trình.

Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (trực thuộc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC), tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hiện còn vướng 67 điểm với chiều dài 13,85km không thể thi công. Trong đó, đoạn đi qua địa bàn Quảng Nam chiếm đến 8,09km (39 điểm vướng), tập trung chủ yếu ở các huyện Phú Ninh, Núi Thành và thị xã Điện Bàn. Vướng mắc được xác định hiện nay là do các khu tái định cư chưa hoàn thành, hoặc chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật như điện, nước để người dân có thể chuyển tới sinh sống. Ngoài ra, việc lập phương án đền bù chậm trễ đối với 10 điểm còn tồn tại thuộc địa bàn Núi Thành cũng là một nguyên nhân khiến địa phương chưa bàn giao 3,7km cho nhà thầu thi công.

Thi công đường cao tốc, đoạn qua Quảng Nam còn nhiều khó khăn. Ảnh: CT
Thi công đường cao tốc, đoạn qua Quảng Nam còn nhiều khó khăn. Ảnh: CT

Ngoài ra, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang đứng trước nguy cơ thiếu vốn phục vụ công tác GPMB. Hiện quỹ thời gian công trình mặc dù đã trôi qua một nửa nhưng vốn đối ứng mới bố trí 50%. Một cán bộ Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho biết, tổng nhu cầu vốn phục vụ GPMB toàn bộ dự án là 3.196 tỷ đồng. Nhưng tại thời điểm này, vốn đối ứng mới cấp đủ 1.638 tỷ đồng, còn thiếu 1.558 tỷ đồng. Đáng chú ý trong năm 2015, nguồn vốn đối ứng chỉ cấp 200 tỷ đồng nên VEC đành phải ứng “tiền túi” ra 800 tỷ đồng trang trải cho các địa phương thực hiện khai thông ách tắc. Cuối tháng 9 vừa qua, nguồn lực của chủ đầu tư đã vượt hạn mức cho phép, vậy mà dự án chưa tìm được vốn bổ sung. “Nhằm đáp ứng được tiến độ thông xe toàn bộ các gói thầu vào năm 2017, điều kiện tiên quyết là Bộ Giao thông vận tải phải cấp đủ 800 tỷ đồng từ nay đến cuối năm 2015, quý I năm 2016 là 700 tỷ đồng nữa. Ngoài ra, các địa phương phải vào cuộc quyết liệt khơi thông mặt bằng sạch để có thể bàn giao nhà thầu thi công vào cuối năm 2015” - vị cán bộ này chia sẻ.

Tiến độ bàn giao mặt bằng nếu chậm thêm sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Chỉ tính riêng vướng mắc dài khoảng 1km qua địa bàn xã Điện Thọ (thị xã Điện Bàn), đoạn này thuộc nền đất yếu nên phải xử lý và chờ lún 12 tháng. Cuối tháng 11 năm nay, địa phương không thể bàn giao mặt bằng thì chủ đầu tư phải xem xét, bổ sung khoảng 200 tỷ đồng thay đổi biện pháp xử lý nền đất yếu. Hay như trong 2 ngày 10 và 11.11 vừa qua, một số người dân tại xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ) cản trở thi công đoạn đã bàn giao mặt bằng khiến nhà thầu và chủ dự án thiệt hại khoảng 90 triệu đồng/ngày. Đó là chưa kể, hàng trăm thiết bị, máy móc “đắp chiếu”, công nhân rảnh rỗi thiếu việc do nằm chờ mặt bằng. Cạnh đó, tiến độ GPMB  thuộc gói thầu số 7 chậm khiến nhà thầu nước ngoài OHL nhiều lần có văn bản đề nghị chủ đầu tư đền bù thiệt hại. Hiện tại, VEC đang phải đối mặt với khiếu kiện pháp lý từ phía các nhà thầu thi công đoạn qua Quảng Nam và Quảng Ngãi.

NGỌC BÍCH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Có thể bị kiện vì phải chờ mặt bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO