Dự án cộng đồng, phát huy thế nào?

LÊ QUÂN 02/03/2018 10:59

Đón nhận và sử dụng các sản phẩm từ những dự án cộng đồng như thế nào để phát huy hiệu quả, cải thiện đời sống người dân… vẫn là thách thức với nhiều địa phương.

Con đường thuyền thúng Tam Thanh triển khai từ tháng 6.2017 thu hút sự chú ý của đông đảo du khách.
Con đường thuyền thúng Tam Thanh triển khai từ tháng 6.2017 thu hút sự chú ý của đông đảo du khách.

PHẦN lớn các dự án cộng đồng đều cần một người “cầm trịch” để vận hành nó ngay khi tổ chức tài trợ kết thúc phần việc của mình. Tuy nhiên, việc giao lại cho chính quyền địa phương và trách nhiệm của địa phương trong việc sử dụng, phát huy các dự án như thế nào vẫn còn cần có những kế hoạch bài bản để không phải gặp tình trạng kết thúc dự án thì địa phương lại trở về như ban đầu.

Từ Tam Thanh…

Con đường thuyền thúng Tam Thanh - một trong số những hoạt động của dự án phát triển Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), sau 8 tháng vận hành, các tác phẩm tranh trên thuyền thúng đã phai màu cũng như vài chiếc thuyền đã rách nát, hư hại. Đúng như dự đoán của nhiều họa sĩ khi thực hiện sáng tác cho dự án này vào tháng 6.2017, thuyền thúng được làm từ tre và dầu rái, khi đặt lâu ngày ngoài trời với các điều kiện thời tiết khác nhau, chuyện hư hại là đương nhiên.

“Ngay khi dự án được thực hiện, tôi đã yêu cầu địa phương vận động các nhà tài trợ sơn tốt để phần nào đó giữ tranh lâu bị phai. Và nguyên tắc của các dự án nghệ thuật cộng đồng là phải được duy tu, thậm chí làm mới thường xuyên. Con đường thuyền thúng Tam Thanh hư hại là vì không làm được như vậy” - họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, người tham gia dự án con đường thuyền thúng chia sẻ. Trước thực trạng đó, chính quyền TP.Tam Kỳ đã có kế hoạch tháng 5.2018 cùng với nhóm họa sĩ từ Hàn Quốc, sẽ mời các họa sĩ xứ Quảng tham gia thực hiện thêm các sản phẩm bích họa. Ông Lê Ngọc Ty - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết, hiện nay xã sắp xếp lại một số vị trí, loại bỏ những thuyền thúng hư hỏng quá trầm trọng, sửa chữa một số thuyền thúng xuống cấp nhẹ.

Nay nhiều sản phẩn đã hư hỏng nặng.
Nay nhiều sản phẩn đã hư hỏng nặng.

Mới đây, hồi đầu tháng 2, đại diện UNESCO đã có buổi làm việc cùng chính quyền TP.Tam Kỳ và đưa ra nhận định về tiềm năng phát triển du lịch cũng như nghệ thuật cộng đồng tại Tam Thanh. Theo UNESCO, Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh có tiềm năng du lịch lớn nhưng vẫn chưa phát triển như kỳ vọng. Do đó UNESCO và các tổ chức quốc tế khác sẽ tiếp tục hỗ trợ Tam Kỳ xây dựng sản phẩm du lịch mới nhằm nâng tầm làng nghệ thuật cộng đồng. Các giải pháp về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống như hát bả trạo, bài chòi, lễ hội cầu ngư… sẽ tiếp tục được ưu tiên. Cùng với đó, việc đào tạo nghề làm sản phẩm lưu niệm, dạy tiếng Anh giao tiếp cho người dân địa phương, tổ chức trại sáng tác với sự tham gia của các nghệ sĩ tạo hình… sẽ là những hoạt động để Tam Thanh tiệm cận với sự phát triển về du lịch cộng đồng.

Nhìn lại các dự án cộng đồng

Dù vẫn còn thiếu nhiều điều kiện để đưa Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh phát triển mạnh mẽ hơn, nhưng với lượng khách tìm về theo các mùa trong năm, cũng như bộ mặt thay đổi của địa phương này, đã bước đầu thấy được sự tích cực của việc phát huy các dự án cộng đồng. Quan sát cũng như trực tiếp tham gia nhiều dự án cộng đồng, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nói, ông nhìn thấy một tương lai rất khác của Tam Thanh vì địa phương này đã biết cách để đẩy mạnh cũng như đi đúng hướng trong việc đưa các dự án cộng đồng vào thực tế. “Một dự án cộng đồng muốn thành công khi đưa vào vận hành, thì ngay khi bắt đầu, tổ chức đó cùng với chính quyền phải khảo sát nhu cầu của người dân địa phương, thế mạnh của người dân. Với các dự án phát triển du lịch, quan trọng không kém việc đẩy mạnh tính bản địa là xác định nhu cầu của du khách khi họ tìm tới với địa phương. Người dân cần gì, du khách cần gì, khi ấy mới là một dự án cộng đồng thành công” - họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nói.

Ông Fumio Kato - Trưởng Đại diện Tổ chức JICA tại Việt Nam cho biết, ở mức độ nào đó, các dự án nông nghiệp do JICA tài trợ tại Quảng Nam vẫn chưa đi đến cùng khi họ rút đi. Cũng như vậy, việc các dự án làng du lịch cộng đồng ngắc ngoải chưa biết sẽ phát triển theo hướng nào cũng là điều khiến các nhà quản lý địa phương nan giải. Chia sẻ lý do về sự “chết yểu” của Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nói, chính vì sự hấp tấp của phía tài trợ, cũng như địa phương không có một kế hoạch bài bản khi xây dựng, dẫn đến việc hiện tại ở Mỹ Sơn chỉ còn khoảng 2 nhà làm homestay. Chưa kể, các dạng thức dịch vụ tại đây cũng nghèo nàn là điều khiến cho Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn rơi vào tình trạng hoang vắng hiện nay. Ở ngay làng dệt Zara (xã Ta Bhing, Nam Giang), việc khôi phục nghề dệt cũng như đưa vùng đất này vào vòng phát triển du lịch hiện tại vẫn cần đến sự giúp sức của các tổ chức quốc tế, dẫu ILO hay FIDR đã có một khoảng thời gian dài tài trợ dự án và đào tạo. Bà Phạm Thị Như - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, làng dệt Zara vẫn hoạt động bình thường, nhưng đầu ra chưa ổn định nên bà con mong muốn chính quyền địa phương cũng như các cấp ngành liên quan hỗ trợ về việc này. “Thời gian qua huyện chỉ hỗ trợ những điều kiện cần thiết cho làng dệt như cơ sở vật chất, máy móc sản xuất hay kết nối với các hội chợ để quảng bá sản phẩm… nhằm hướng đến mục tiêu chính là duy trì bảo tồn các giá trị văn hóa của người Cơ Tu. Tuy nhiên, mong muốn lớn nhất vẫn là các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ đứng ra hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm ổn định” - bà Như chia sẻ.

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dự án cộng đồng, phát huy thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO