|
(QNO) - Sau những phản ứng của dư luận và chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam (Văn bản số 1835/UBND-KTTT ngày 14.4.2018), UBND TP.Hội An và các bên liên quan đã có những phản ứng tích cực về việc nhìn nhận, kiểm tra lại các hạng mục của Dự án Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An. Bên cạnh những phân tích, đánh giá khách quan, khoa học về những tác động của dự án; thiết nghĩ, cũng cần xem xét lại “lịch sử” quy hoạch hình thành dự án, để có những quyết định đúng đắn và hợp lý nhất trong thời gian tới.
Toàn cảnh Dự án Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An nhìn từ trên cao. Ảnh: P.V |
Từ Trung tâm hội nghị đến Công viên văn hóa
Dự án Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An có điểm xuất phát với tên gọi Trung tâm Hội nghị - Làng du lịch sinh thái Gami Hội An, do Công ty CP Tài chính và phát triển doanh nghiệp FBS đề xuất. Căn cứ Thông báo số 230/TB-UBND ngày 21.9.2004 của UBND thị xã Hội An về phương án quy hoạch chi tiết và tham mưu của các cơ quan chuyên môn, ngày 29.10.2004, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Ánh ký Quyết định số 4620/QĐ-UBND, phê duyệt quy hoạch 1/500 tổng mặt bằng dự án với các thông số chính: tổng diện tích gần 11ha; trong đó: trung tâm hội nghị 650 chỗ: 1,01ha, khu nhà hàng 800 khách: 0,7ha, khu thương mại và dịch vụ: gần 0,5ha, khu nghỉ dưỡng cao cấp: gần 2,5ha, khu resort: 2,21ha,… Đáng chú ý, phần đất dành cho công viên, quảng trường, mặt nước chỉ chiếm hơn 2,03ha, bằng 18,5 tổng diện tích của dự án. Cũng tại thời điểm này, quy định về độ cao tối đa công trình Trung tâm hội nghị đã là 16,5m.
Đầu năm 2005, UBND tỉnh có sự điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chi tiết dự án (Quyết định số 183/QĐ-UBND). Và đến giữa năm, chủ đầu tư được chuyển giao cho Công ty CP Đầu tư du lịch và kinh doanh hội nghị Gami Hội An. Ngày 16.8.2015, UBND thị xã Hội An lại có Tờ trình số 790/TTr-UBND đề nghị tiếp tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chi tiết tổng mặt bằng dự án. Trên cơ sở đó, ngày 2.12.2005, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Ánh ký quyết định lần thứ ba (Quyết định số 4458/QĐ-UBND), phê duyệt bổ sung, điều chỉnh một số nội dung so với Quyết định số 4620/QĐ-UBND nêu trên, gồm: tổng diện tích quy hoạch 11,43ha (tăng gần 0,5ha) và tổng diện tích xây dựng các công trình chiếm 20,02% trên tổng diện tích dự án. Các hạng mục công trình hội nghị, nhà hàng, khu thương mại, khu thể thao, khu nghỉ dưỡng, khu resort… như quy hoạch ban đầu. Điểm khác biệt đáng chú ý là tại quyết định này, UBND tỉnh không quy định chiều cao tối đa công trình Trung tâm hội nghị là 16,5m như phê duyệt lần đầu mà chỉ quy định chiều cao tối đa là 2,5 tầng.
Tuy nhiên, sau đó nhiều năm liền, chủ đầu tư không triển khai thi công dự án, ngoại trừ một số đoạn bờ kè công trình. Mãi đến năm 2013, chủ đầu tư chủ động thoái lui. Và theo đề nghị của UBND TP.Hội An, năm 2015, UBND tỉnh chính thức thu hồi.
Xây dựng các hạng mục Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An. Ảnh: P.V |
Có thể, do đã mất một số chi phí đầu tư ban đầu và nhận thấy mục tiêu xây dựng Trung tâm hội nghị, kinh doanh lưu trú không còn phù hợp trong bối cảnh mới, nên năm 2016, chủ đầu tư đã đề nghị TP.Hội An và UBND tỉnh cho phép tái khởi động dự án. Và một quy hoạch chi tiết khác được xác lập trên nền đất cũ với tên gọi mới ra đời: Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An.
Sau rất nhiều quy trình về thủ tục, nhiều cuộc họp ở các cấp, kể cả tham vấn ý kiến của cộng đồng do UBND TP.Hội An và các phường sở tại thực hiện, ngày 12.8.2016, UBND tỉnh có Quyết định số 2895/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 tổng mặt bằng công viên văn hóa nêu trên với tổng diện tích 9,03ha (giảm so với gần 11ha năm 2004 và 11,43ha năm 2005). Một số điều chỉnh khác như: đất công trình xây dựng có mái che chiếm 24,7% tổng mặt bằng dự án; trong đó, khu lưu trú: 4.246m2, khu thương mại: 8.149m2, nhà hát ngoài trời: 3.318m2, nhà hát trong nhà: 2.416m2. Chiều cao tối đa công trình điểm nhấn của dự án, cũng chỉ 16,5m như ban đầu.
Quyết định nêu trên cũng chưa phải là quyết định cuối cùng. Bởi sau đó, lại tiếp tục có những cuộc họp bàn, xào qua, xáo lại. Nói như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh là họp liên tục ở mọi cấp. Và đến ngày 2.8.2017, UBND tỉnh lại tiếp tục điều chỉnh quy hoạch (Quyết định số 2777/QĐ-UBND). Ở lần điều chỉnh này, tổng mặt bằng dự án tiếp tục giảm còn 8,88ha. Đất công trình có mái che từ 22.355m2 xuống còn 20.888m2, khu lưu trú giảm còn 3.322m2, nhà hát ngoài trời giảm còn 2.024m2 và nhà hát trong nhà tăng lên 2.827m2. Đất cây xanh, mặt nước hơn 3,25ha so với 2,03ha so với quy hoạch năm 2004.
Đọc kỹ các thông số về chỉ tiêu quy hoạch các hạng mục dự án qua 5 lần phê duyệt, rồi điều chỉnh, bổ sung nêu trên, thấy rõ một số so sánh đáng chú ý:
Thứ nhất, tỷ lệ diện tích xây dựng các công trình có mái che so với tổng mặt bằng trong quy hoạch năm 2017 khoảng 23,97%, cao hơn so với quy hoạch 2005 (20,02%); tuy nhiên, tổng diện tích quy hoạch 2005 là 11,43ha, trong khi năm 2017, con số chỉ là 8,88ha.
Thứ hai, trong khi mục tiêu đầu tư ban đầu chủ yếu là lưu trú, nghỉ dưỡng với nhiều công trình (Trung tâm hội nghị, khu nghỉ dưỡng, resort…) có tổng diện tích quy hoạch năm 2004, 2005 lên đến hơn 5,72ha, thì mục tiêu quy hoạch 2016, 2017 là nhà hát, khu thương mại, mục tiêu lưu trú về cơ bản không còn (chỉ chiếm 3.322m2).
Thứ ba, trong tất cả quy hoạch được duyệt, công trình có chiều cao tối đa (gọi là điểm nhấn của dự án), vẫn nhất quán với quy định 16,5m từ năm 2004 đến nay.
Cũng cần nhắc lại rằng, theo quy định của pháp luật chuyên ngành quy hoạch, xây dựng, UBND TP.Hội An là cơ quan lập quy hoạch, trình các sở, ngành liên quan tham gia ý kiến, thẩm định, trước khi UBND tỉnh phê duyệt. Trong quá trình đó, UBND TP.Hội An, các phường trong phạm vi dự án, cũng đã tổ chức tham vấn ý kiến cộng đồng.
Đến đây, bạn đọc có thể hình dung một tình huống giả định: Nếu như ngay sau khi dự án được phê duyệt quy hoạch năm 2005, chủ đầu tư quyết liệt trong việc triển khai thực hiện, thì có lẽ đến trước năm 2015 (thời điểm UBND tỉnh thu hồi), cồn bắp Hội An nổi tiếng xưa nay đã là khu du lịch nghỉ dưỡng với dày đặc những công trình nhà ở! Như thế, cảnh quan, môi trường tự nhiên, sinh thái, văn hóa sẽ không được như hôm nay khi mỗi ngày có hàng trăm, hàng nghìn du khách đến sinh hoạt, lưu trú, tham quan nghỉ dưỡng, ăn ở tại đây.
Dư luận và những vấn đề đặt ra
Cùng với những ý kiến trái chiều ngay sau khi chương trình nghệ thuật thực cảnh “Ký ức Hội An” công diễn lần đầu tại Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An, dư luận bắt đầu phản ứng, mổ xẻ nhiều vấn đề của dự án công viên văn hóa, mặc dù một số hạng mục công trình đã triển khai thi công từ năm 2008 và khá rầm rộ từ năm 2016!
Những luồng dư luận đáng chú ý là phê phán biểu hiện xa lạ, sai lệch với sự thật lịch sử, không phù hợp, làm xô bồ, biến dạng văn hóa Hội An, gây ô nhiễm tiếng ồn,… (chương trình nghệ thuật); dự án thi công trước khi được cấp phép và không đúng giấy phép, không phù hợp với không gian kiến trúc, cảnh quan tự nhiên, nguy cơ sạt lở bờ sông, biến đổi dòng chảy, làm mất đi sinh kế của người dân địa phương,... (công viên văn hóa). Đó là chưa kể những hoài nghi về trách nhiệm và thông tin chưa minh bạch.
Có lẽ, cần thiết và cấp bách nhất ở thời điểm này chưa phải là mổ xẻ trách nhiệm của ai, mà là sự phản ứng bằng những hành động thật bài bản, cụ thể, khoa học của chủ đầu tư, các ngành chức năng và địa phương sở tại. Ngày 14.4.2018, UBND tỉnh có văn bản số 1835/UBND-KTTT, giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Hội An và các cơ quan chuyên môn khẩn trương kiểm tra thực tế các hạng mục của dự án.
Trong một diễn biến liên quan, UBND TP.Hội An và chủ đầu tư cũng đang khẩn trương vào cuộc. Ngày 16.4 vừa qua, thành phố có Công văn số 1163/UBND đề nghị Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp kiểm tra dự án. Trả lời trên báo chí, lãnh đạo Công ty CP Gami cũng cho biết, sẽ đề xuất cắt hoặc giảm một số hạng mục công trình trên cơ sở tiếp thu ý kiến của dư luận và các chuyên gia. Cũng trong chiều nay 19.4, Hội An và chủ đầu tư chính thức có cuộc họp bàn, bước đầu đã có một số thỏa thuận điều chỉnh chương trình nghệ thuật và dự án công viên.
Ông Nguyễn Phú - Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định: “Chúng tôi sẽ sớm lập đoàn kiểm tra thực tế, nếu chủ đầu tư xây dựng sai giấy phép, sẽ kiên quyết yêu cầu tháo dỡ, không nhân nhượng. Trong quá trình rà soát, đánh giá lại toàn diện các vấn đề của dự án, cũng sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của dư luận, các nhà nghiên cứu, chuyên gia khoa học, nhà văn hóa, cơ quan chức năng và chủ đầu tư để bàn bạc thấu đáo mọi vấn đề liên quan. Trên cơ sở đó, tham mưu UBND tỉnh quyết định một cách phù hợp trên tinh thần khách quan, khoa học, đảm bảo hài hòa nhu cầu của địa phương và lợi ích của nhà đầu tư”.
Như vậy, “số phận” của Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An sẽ được xem xét, định đoạt trong thời gian tới. Với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các ngành, địa phương, chủ đầu tư, hy vọng những “khúc mắc” mà dư luận đang quan tâm về sự ảnh hưởng, tác động đến môi trường tự nhiên, sinh thái, bản sắc văn hóa, không gian đô thị, du lịch sẽ sớm được giải tỏa, trên cơ sở đánh giá, phân tích, nghiên cứu thật nghiêm túc, thấu đáo, khách quan và khoa học.
LÊ VĂN