Dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: Nguy cơ chuyển vốn

TRỊNH DŨNG 15/09/2023 07:56

Chủ đầu tư không thể đẩy tiến độ giải ngân các dự án. Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ giao Quảng Nam 5 dự án đầu tư có nguy cơ không tránh khỏi chuyện phải trả vốn về Trung ương.

Khu dân cư Bằng La (Trà Leng, Nam Trà My) như một đại công trường. Ảnh: T.D
Khu dân cư Bằng La (Trà Leng, Nam Trà My) như một đại công trường. Ảnh: T.D

Ì ạch tiến độ đầu tư

Khu dân cư Bằng La (Trà Leng, Nam Trà My) dựng trên khu đất rộng 6ha ven bờ sông Leng như một đại công trường. Bốn đoạn tuyến kè hai bên sông Leng, qua khu dân cư đồng loạt thi công đã dần hiện trên mặt đất. Từ chân, mái kè, rãnh thoát nước đến đường công vụ quản lý, bảo vệ kè... Tiếng máy xúc, đào, đổ bê tông, đá hộc... ồn ã, vang động bờ sông, góc núi.

Ông Trần Văn Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết địa phương đang đôn đốc nhà thầu tập trung thi công khoảng 1km tuyến kè (tả, hữu) kiên cố, kịp hoàn tất dự án và giải ngân đúng tiến độ trong năm nay. Hơn 40 hộ dân đồng bào Bh’noong thoát khỏi nạn lở đất kinh hoàng hồi cuối tháng 10/2020 đã có thể yên tâm định cư trên vùng đất mới (chưa kể quỹ đất còn đủ để tiếp nhận thêm 40 hộ dân nữa đến tái định cư).

Trái ngược không khí sinh động của dự án kè bảo vệ khu dân cư Bằng La, 4 dự án đầu tư còn lại thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đều im ắng khác thường, dù chỉ còn hơn 3 tháng nữa là chấm dứt chương trình.

Khoảng 2km bờ biển từ UBND phường Cẩm An (Hội An) đến An Bàng sẽ được đầu tư kè chống xói lở khẩn cấp (210 tỷ đồng) vẫn còn nguyên những hốc cát sâu hoắm, bên cạnh móng, tường các khu du lịch nứt toát, nghiêng ngã, đổ sụp, chưa thấy dấu hiệu gì của việc thi công. Không thể chờ đợi, nhiều nhà dân khu vực này đã tự bỏ tiền ra dựng kè “để bảo vệ đất của mình”. Các khách sạn lên kế hoạch tự đầu tư, gọi nhà thầu thi công.

Ông Võ Văn Điềm – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Quảng Nam (chủ đầu tư của dự án “Kè chống xói lở khấn cấp bờ biển từ UBND phường Cẩm An và 4 hồ chứa nước 3/2, Nước Rin, Đập Quang và Đá Chồng) nói dự án đang trong giai đoạn thương thảo, xét thầu, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng thi công, xây lắp. Dự kiến tháng 10 sẽ chính thức triển khai.

Hai dự án còn lại thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Quảng Nam làm chủ đầu tư (đầu tư 5 trung tâm y tế tuyến huyện - 92 tỷ đồng và 76 trạm y tế tuyến xã - gần 197 tỷ đồng) không có dự án nào được khởi công.

Sau nhiều cuộc khảo sát, phân tích rà soát, dự án “Đầu tư xây mới, nâng cấp cải tạo 5 trung tâm y tế tuyến huyện không gặp nhiều vướng mắc, nhưng dự án “Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo 76 trạm y tế tuyến xã” vẫn đang chờ HĐND tỉnh phê chuẩn điều chỉnh để có thể tiến hành đầu tư.

Ông Huỳnh Xuân Sơn – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Quảng Nam nói tháng 9/2023 mới thi công cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới 5 trung tâm y tế tuyến huyện và giữa tháng 10/2023 sẽ thi công 76 trạm y tế tuyến xã, phân thành nhiều gói thầu.

Khó giải ngân hết vốn

Có thể thấy ngay sự ì ạch của các dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ giao cho địa phương. Chương trình sẽ chấm dứt vào ngày 31/12/2023.

Dự án “Kè bảo vệ khu dân cư Bằng La” (Trà Leng, Nam Trà My) có thể sẽ hoàn tất, giải ngân hết vốn năm nay, khi đã có khối lượng thực hiện đến 31/8/2023 khoảng 42 tỷ đồng, giải ngân khoảng 37/60 tỷ đồng. Các dự án còn lại, dù chủ đầu tư cam kết sẽ cố gắng giải ngân hết vốn đầu tư, nhưng khó khả thi vì đến nay (còn hơn 3 tháng), dự án vẫn còn loay hoay điều chỉnh, ký kết hợp đồng, chưa thể thi công.

Thống kê của Sở KH&ĐT, đến hết 31/8/2023, vốn hỗ trợ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chỉ mới giải ngân được hơn 69,2 tỷ đồng, đạt khoảng 11,3%.

Cụ thể, 2 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực y tế chỉ mới giải ngân hơn 3,6/288,9 tỷ đồng (dự kiến số giải ngân sẽ tăng lên khoảng 62,3 tỷ đồng hết tháng 9/2023); 3 dự án còn lại, mới giải ngân hơn 65,6 tỷ đồng/325 tỷ đồng (dự kiến đến cuối tháng 9/2023, số giải ngân sẽ tăng lên khoảng 128,7 tỷ đồng).

Ông Võ Văn Điềm cho biết đã trình xin điều chỉnh, giảm vốn (khoảng 70 – 80 tỷ đồng) của dự án “Kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển từ UBND phường Cẩm An đến An Bàng (Hội An)”. Số vốn còn lại sẽ giải ngân hết trong năm nay.

Khác với 3 dự án đầu tư về nông nghiệp, nông thôn, ông Huỳnh Xuân Sơn thừa nhận không thể thi công hoàn thành, giải ngân 100% vốn đã bố trí cho 2 dự án này. Nếu nỗ lực hết mức, cũng chỉ có thể giải ngân 2 dự án khoảng 77/288,9 tỷ đồng. Chủ đầu tư kiến nghị UBND tỉnh xem xét, quyết định tăng tỷ lệ tạm ứng hợp đồng xây lắp, kiến nghị Trung ương xem xét, cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư sang năm 2024.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu các chủ đầu tư nỗ lực hết mức để giải ngân vốn đầu tư các dự án, không để mất vốn. Nếu không sử dụng hết vốn đã được phân bổ, chủ đầu tư phải dự kiến chính xác số vốn không thể giải ngân, báo cáo UBND tỉnh xem xét điều chuyển vốn qua các công trình khác (theo đúng quy định của Nghị quyết số 93 ngày 22/6/2023 của Quốc hội) và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT xem xét, cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 sang 2024.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT, điều này dường như không thể. Trung ương sẽ khó chấp nhận lời đề nghị kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân chương trình này sang năm sau. Sẽ tính toán, rà soát, nhưng không biết sẽ chuyển số vốn này đi đâu khi hầu như không có dự án nào thừa khối lượng và thiếu vốn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: Nguy cơ chuyển vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO