Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Khi chủ đầu tư "khát vốn"

CÔNG TÚ 29/03/2016 09:04

Quá trình xây dựng dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang bị ảnh hưởng khi chủ đầu tư tiếp tục “khát vốn” dùng cho giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư (TĐC) và di dời hạ tầng kỹ thuật.

  • Tháo "nút thắt" trên mặt bằng cao tốc
  • Thiệt hại do thi công đường cao tốc
  • Đẩy mạnh giải phóng mặt bằng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua Phú Ninh
  • Thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Chậm bồi thường nứt nhà dân
  • Tháo gỡ vướng mắc dự án cao tốc
  • Tập trung bàn giao dứt điểm mặt bằng dự án đường cao tốc
  • Nỗ lực bàn giao toàn bộ mặt bằng đường cao tốc trước ngày 31.3
  • Dân ngăn cản thi công đường cao tốc do bị lấp đường mương dẫn nước
  • Phát động thi đua xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
  • Các địa phương phải hoàn thành giải phóng mặt bằng đường cao tốc trước ngày 31.3
Tiến độ thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang bị ảnh hưởng do thiếu vốn giải phóng mặt bằng. Ảnh: C.TÚ
Tiến độ thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang bị ảnh hưởng do thiếu vốn giải phóng mặt bằng. Ảnh: C.TÚ

Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang tích cực triển khai công tác thi công các dự án đường cao tốc do doanh nghiệp làm chủ đầu tư như Bến Lức - Long Thành, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Nội Bài - Lào Cai nhằm đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Đối với dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, các nhà thầu hiện đã triển khai thi công 13/18 gói thầu xây lắp chính. Những gói thầu còn lại như hệ thống ITS, thiết bị O&M, tòa nhà, hệ thống an toàn giao thông đang trong quá trình đấu thầu. Thời gian qua, Quảng Nam tích cực thực hiện công tác GPMB và đã bàn giao hơn 95% chiều dài cho chủ đầu tư để đơn vị thi công các gói 2, 3A, 3B, 4, 5, 6, 7, A1 và A2 triển khai. Đại diện VEC cho hay, khoảng 5% chiều dài toàn tuyến chưa GPMB nằm chủ yếu tại gói số 2 (còn 0,6km), có 4 vị trí liên quan đến các hộ phải TĐC; gói 4 (0,3km) vướng 1 vị trí, 9 hộ dân liên quan đến đất; gói 5 (0,24km) tồn tại 1 vị trí có 3 hộ dân liên quan đất ở; gói 6 (0,25km) chưa tháo gỡ xong 3 vị trí đất ở của 12 hộ dân. Cùng lúc đó, gói 7 (1,32km) vướng 9 vị trí, gồm 55 hộ dân liên quan đến đất ở; gói A1 (1,22km) còn 5 vị trí kể cả đất ở và đất rừng; gói A2 (0,99km) tồn tại 4 vị trí là đất ở.

Ngày 10.9.2010, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 2656/QĐ-BGTVT. Công trình có tổng mức đầu tư 34.516 tỷ đồng (tương đương 1.640,82 triệu USD). Trong đó, nguồn vốn vay của JICA là 16.799 tỷ đồng, tài trợ cho 7 gói thầu xây lắp, thiết bị đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ (km0+000 - km65+000) và các chi phí khác; nguồn vốn vay của WB là 12.419 tỷ đồng, tài trợ cho xây lắp 5 gói thầu đoạn Tam Kỳ - Quảng Ngãi (km65+000 - km139+520) và đoạn cuối tuyến nối với quốc lộ 1, cùng một số chi phí khác. Kinh phí đối ứng của Chính phủ là 5.298 tỷ đồng để phục vụ GPMB, TĐC, rà phá bom mìn, chi phí quản lý dự án… Tổng chiều dài tuyến 139,52km; chiều rộng nền đường 25,5m, mặt đường rộng 24,5m.

Ngoài ách tắc trên, khâu bố trí vốn đối ứng cho công tác GPMB và TĐC, di dời hạ tầng kỹ thuật đang gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, chủ đầu tư chưa được giao kế hoạch vốn đối ứng cho năm nay. Trước đó, do quá “khát vốn”, ngày 6.3.2015, VEC đã gửi văn bản số 652/VEC-KHĐT, hơn 3 tháng sau tiếp tục gửi văn bản số 2061/VEC- KHĐT cho Bộ Giao thông vận tải (GTVT) để báo cáo dự kiến giải ngân kế hoạch đầu tư trung hạn vốn nước ngoài, nguồn ngân sách nhà nước năm 2016 - 2020. Trong công văn, VEC đề nghị Bộ GTVT xem xét bố trí bổ sung nguồn tài chính năm 2015 cho dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là 1.479 tỷ đồng. Thế nhưng, chủ đầu tư hiện vẫn... chờ vốn. Sau khi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính chấp thuận, VEC đành phải ứng 1.080 tỷ đồng từ nguồn thu phí các dự án đang khai thác. Trong đó, chủ đầu tư chi 885 tỷ đồng để “giải tỏa” nhu cầu cấp bách nguồn tài chính cho các địa phương phục vụ đền bù, TĐC và di dời hạ tầng kỹ thuật dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Vậy nhưng, bấy nhiêu đó chưa thể đáp ứng nhu cầu vốn từ phía địa phương. Tại các cuộc họp giao ban, lãnh đạo UBND tỉnh không ít lần đề nghị Bộ GTVT, chủ đầu tư về sự cần thiết phải bố trí kịp thời kinh phí GPMB. Bởi thực tế, nhiều hộ đã đồng ý phương án phê duyệt sau khi được đơn vị bồi thường vận động, song do chưa có sẵn tiền chi trả thì họ đổi ý, dây dưa trong lần “giao dịch” sau vì thiếu niềm tin.

Với mặt bằng được giao, các đơn vị phụ trách thi công đã triển khai công tác xây lắp hầu khắp dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua địa bàn tỉnh. Báo cáo của chủ đầu tư cho biết, tổng giá trị thực hiện đạt 7.557 tỷ đồng, tiến độ đạt 42,6% giá trị hợp đồng (chưa bao gồm thuế và dự phòng phí), chậm 0,006% so với kế hoạch. VEC đang chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm hoàn thiện đoạn tuyến JICA tài trợ trong năm 2016, hoàn thành toàn bộ dự án vào giữa năm 2017. Vậy nhưng, nguồn lực thiếu ảnh hưởng lớn đến khâu GPMB, nên tiến độ xây lắp chắc chắn bị ảnh hưởng, thời hạn về đích có nguy cơ bị vỡ. Thực trạng ấy khiến cho địa phương không có tiền chi trả cho hộ dân bị ảnh hưởng. Trong khi ai cũng biết, ở giai đoạn cuối này, khâu vận động để người dân đồng tình nhận tiền là rất khó khăn. “Vốn đối ứng bố trí kịp thời để phục vụ công tác GPMB, di dời công trình công cộng là rất cấp bách. Tuy nhiên, VEC vẫn chưa được giao kế hoạch vốn đối ứng bổ sung cũng như kế hoạch vốn năm 2016. Chúng tôi kính đề nghị Bộ GTVT làm việc với các bộ, ngành liên quan sớm bố trí, bổ sung kịp thời vốn đối ứng để triển khai đáp ứng tiến độ đề ra” - ông Mai Tuấn Anh, Tổng Giám đốc VEC nói.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Khi chủ đầu tư "khát vốn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO