Dù đã đưa vào khai thác đoạn tuyến 65km đường cao tốc hơn một tháng nay nhưng chủ đầu tư và nhà thầu thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không thực hiện đúng cam kết với địa phương.
Gặp mưa kéo dài, đất từ taluy đường cao tốc chảy xuống lấp mương thủy lợi ở Phú Ninh. Ảnh: CÔNG TÚ |
Chậm hoàn trả đường
Sau khi 65km đầu tiên đường cao tốc (từ Túy Loan, Đà Nẵng đi Tam Kỳ) đưa vào khai thác vào ngày 2.8.2017, người dân thôn 2 Thái Sơn và thôn Thái Cẩm của xã Điện Tiến (Điện Bàn) càng thêm sốt ruột khi tuyến đường liên thôn chưa được nhà thầu thi công gói thầu số 1 và gói thầu số 2 (dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) hoàn trả như cam kết. Người dân lo lắng đơn vị thi công sẽ “cao chạy xa bay”, bỏ lại mặt đường nhựa dị dạng, không đảm bảo an toàn giao thông. Theo Trưởng ban nhân dân thôn 2 Thái Sơn - ông Trần Đá, khi đơn vị thi công mượn đường liên thôn thì bề mặt đường được thảm nhựa êm thuận nhưng nay đã hư hỏng nặng. Nhân dân đã kiến nghị nhiều lần, nhất là sau khi đường cao tốc đưa vào khai thác, nhưng chưa thấy đơn vị thi công khắc phục.
Trước đây, để nhà thầu có đường công vụ tiếp cận công trường dự án này, Quảng Nam đã đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện cho chủ đầu tư, nhà thầu được mượn đường địa phương và cam kết nhà thầu phải hoàn trả lại nguyên trạng sau thời gian mượn hết hiệu lực. Tại Điện Bàn, ngày 27.8.2014, UBND xã Điện Tiến và Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP đã ký hợp đồng. Theo đó, địa phương đồng ý cho doanh nghiệp sử dụng đường liên thôn nối từ tỉnh lộ (ĐT) 605 đi thôn 2 Thái Sơn để làm đường công vụ tiếp cận công trường gói thầu số 1 và phương thức hoàn trả tuyến. Cùng ngày 27.8.2014, UBND xã Điện Tiến ký tiếp hợp đồng với Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn về việc đồng ý cho nhà thầu gói số 2 này sử dụng đường liên thôn nối từ ĐT605 đi thôn 2 Thái Sơn và từ ĐT605 đi thôn Thái Cẩm cũng như phương thức hoàn trả tuyến. Thời gian cho mượn đến hết ngày 31.3.2017; hoàn trả bắt đầu từ ngày 31.3 đến hết ngày 30.4.2017. Nhưng mãi đến nay, nhà thầu chưa thực hiện nghĩa vụ của mình mặc cho nhân dân và chính quyền xã nhiều lần lên tiếng.
Thực trạng chậm hoàn trả đường cũng xảy ra ở các địa phương khác. Đi trên tuyến ĐT615 (Tam Kỳ - Phú Ninh), người tham gia giao thông phải khổ sở khi phải điều khiển phương tiện trên bề mặt đường sụt lún, lồi lõm đủ kiểu, nhất là đoạn qua địa bàn huyện Phú Ninh. Người dân nơi đây phản ánh, nhiều chỗ thủng “ổ gà”, nhà thầu cao tốc không sửa chữa ngay thì nay trở thành “ổ voi”, nhưng chờ mỏi cổ vẫn chưa thấy nhà thầu khắc phục. Theo ông Thái Huy Hùng - Phó Trưởng phòng Kinh tế ngành (Văn phòng UBND tỉnh), lãnh đạo UBND tỉnh đã gửi văn bản (tháng 12.2016) đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo chủ đầu tư thi công sửa đoạn tuyến hư hỏng nặng và hoàn trả để đảm bảo lưu thông an toàn trong dịp Tết Đinh Dậu 2017. Vậy nhưng, nhiều tuyến đến thời điểm đầu tháng 9.2017 vẫn chưa thể trở lại nguyên trạng, mặc dù các ngành, địa phương đôn đốc nhiều lần. Cũng theo ông Thái Huy Hùng, chủ đầu tư và nhà thầu đang còn “nợ” hoàn trả đoạn tuyến thuộc 2 quốc lộ, 4 ĐT, 22 đường huyện và 4 giao thông nông thôn từ Điện Bàn vào Phú Ninh. Tại cuộc họp với Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi diễn ra chiều 11.9, ông Thái Huy Hùng cho rằng, việc nhà đầu tư lo khai thác thu phí mà chưa thực hiện trách nhiệm của mình nơi vùng dự án đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Cần giải quyết rốt ráo
Nguy cơ mất an toàn giao thông Một vấn đề đang khiến dư luận quan tâm liên quan đến đoạn 65km cao tốc đã đưa vào khai thác là công tác an toàn giao thông. Hiện trên nhiều đoạn cao tốc, hàng rào chắn chưa lắp đặt xong, biển báo chỉ dẫn thiếu gây khó khăn, mất an toàn cho người điều khiển phương tiện. Nếu không sớm hoàn thiện, súc vật sẽ tiếp tục chạy vào làn đường có xe đang chạy với tốc độ cao. Việc thiếu biển báo chỉ dẫn dễ khiến tài xế ô tô, nhất là ô tô tải chạy thẳng xuống nội thị Tam Kỳ gây ách tắc, dẫn đến va chạm vào giờ cao điểm. |
Đại diện các địa phương, ngành chức năng tham dự cuộc họp chiều ngày 11.9 cũng không bằng lòng về việc nhà đầu tư cho thông xe để thu tiền, trong lúc chưa sửa chữa và hoàn trả đường, hoàn thành đường gom, cống chui dân sinh. Cạnh đó, vấn đề khắc phục hệ thống mương dẫn, tiêu nước thượng và hạ lưu tuyến cao tốc; khắc phục diện tích đất sản xuất bị bồi lấp; công bố tiền bồi thường hoặc hoàn trả tiền bồi thường rung nứt nhà do quá trình thi công công trình gây ra chưa thực hiện rốt ráo. Một số đoạn, ta luy đường chưa được trồng cỏ hay kiên cố hóa, gặp trời mưa gây xói lở đất chảy xuống ruộng đồng, đường đi… Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh - ông Nguyễn Phi Thạnh đề nghị, khâu gì nhà đầu tư đang tiến hành thì cần phải làm nhanh, làm xong. “Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cần làm việc với huyện nhằm có biên bản cam kết thống nhất thời gian triển khai. Cử tri có hỏi, chúng tôi đưa ra cho bà con mình thấy, họ có cái để tin tưởng. Nếu không, trong cuộc họp HĐND huyện sắp tới, mời chủ đầu tư đến dự, nghe và trả lời” - ông Nguyễn Phi Thạnh nói.
Trước những vướng mắc liên quan, đặc biệt là từ phía chủ đầu tư và nhà thầu, đại diện Văn phòng UBND tỉnh cho biết lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục có văn bản kiến nghị gửi Bộ Giao thông vận tải. Còn tại cuộc họp chiều ngày 11.9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn ngoài yêu cầu các bên liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để giải phóng mặt bằng (không thuộc tuyến chính); đồng thời đề nghị phải giải quyết rốt ráo kiến nghị của nhân dân và địa phương mà chủ đầu tư, nhà thầu đã cam kết trước đó. Đơn cử, nạo vét hạ lưu cống thoát nước bị vùi lấp; khôi phục mương thủy lợi, cống tiêu nước; xử lý đất sản xuất bị vùi lấp, đất không còn sản xuất được… Cạnh đó, chủ đầu tư nhanh chóng có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông trên đoạn tuyến Túy Loan - Tam Kỳ đã đưa vào khai thác. “Giải quyết vấn đề phát triển của người dân phải trên hết, không thể vì lợi ích của doanh nghiệp là trước tiên” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nói.
CÔNG TÚ