Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi: Tháo gỡ ách tắc mặt bằng

CÔNG TÚ 03/07/2015 08:35

Nhiều “điểm nghẽn” đã được nhận diện và tìm giải pháp tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), triển khai thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Nhận diện “điểm nghẽn”

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khởi công ngày 19.5.2013 với gói thầu số 3A (cầu Kỳ Lam) và thời điểm hiện tại đã triển khai xây dựng ở các gói thầu. Đến nay, giá trị khối lượng chung đạt 4.232 tỷ đồng, bằng 23,84% tổng giá trị xây lắp và đạt 86,85% yêu cầu tiến độ (chậm 3,66% so với kế hoạch). Bên cạnh tiến độ chung bị chậm do yếu tố chủ quan từ một số nhà thầu, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, công tác GPMB phục vụ dự án chưa thông suốt vì thiếu vốn đối ứng cho địa phương với khoảng 1.200 tỷ đồng. Chủ đầu tư (Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC) phải tạm ứng kinh phí để giải quyết chi trả đền bù và xây dựng các khu tái định cư (TĐC). Vì thiếu mặt bằng, toàn tuyến có 32,39km với 77 vị trí chưa thể thi công. Cạnh đó, chiều dài 121,7km đến nay đã chi trả đền bù và bàn giao nhưng thực tế vẫn còn “dây dưa” cục bộ gần 15km với 1.350 hộ dân. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể, các mỏ vật liệu phục vụ đường cao tốc đang rất khan hiếm cũng là lực cản để đẩy nhanh tiến độ xây dựng… Giải trình tiến độ GPMB chậm, đại diện các tỉnh, thành phố có dự án cao tốc đi qua cho rằng vướng mắc chủ yếu là chưa có đất TĐC, tranh chấp đất 5%, khiếu nại về giá hoặc hình thức đền bù và TĐC. Một số nơi chậm thẩm định và phê duyệt đền bù, thủ tục pháp lý, phương án TĐC...

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra các gói thầu thi công tại Quảng Nam. Ảnh: C.T
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra các gói thầu thi công tại Quảng Nam. Ảnh: C.T

Đối với Quảng Nam, toàn tỉnh đã giải phóng được 80,59/91,25km chiều dài mặt bằng. Ngoài huyện Quế Sơn, TP.Tam Kỳ bàn giao xong, các huyện và thị xã còn lại đang tiếp tục giải thích, vận động nhân dân thống nhất giá bồi thường, hỗ trợ. Những vướng mắc nằm ngoài chính sách, chế độ quy định, các huyện đang rà soát và trình UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đề xuất, Bộ Giao thông vận tải cần giải quyết sớm về kiến nghị điều chỉnh, bổ sung đường gom dân sinh, cống chui, cầu và xử lý kỹ thuật trên tuyến nhằm đảm bảo thoát lũ. Ngoài bố trí đủ nguồn kinh phí cho tỉnh thực hiện khối lượng GPMB trong quý III; Bộ Giao thông vận tải cũng cần chỉ đạo VEC và nhà thầu làm việc cụ thể với Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thành phố, thị xã vùng dự án về thỏa thuận, thống nhất kế hoạch mượn tuyến đường địa phương làm đường công vụ, tải trọng vận chuyển, phương án sửa chữa hư hỏng trong lúc khai thác cũng như hoàn trả sau khi sử dụng, ký quỹ bảo lãnh thực hiện…

Đồng bộ các giải pháp

Tạo điều kiện thuận lợi về cấp mỏ vật liệu phục vụ công trình
Báo cáo với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết thời gian qua đã chỉ đạo các ngành, các địa phương vùng dự án tạo điều kiện giải quyết nhanh hồ sơ, thủ tục cấp mỏ vật liệu cho các nhà thầu thi công theo hướng quy hoạch gần công trình để thuận lợi vận chuyển, hạn chế gây hư hỏng đường địa phương. Nhu cầu đất nguyên liệu phục vụ đường cao tốc đoạn qua Quảng Nam khoảng 14 triệu mét khối, trong đó tận dụng đất đào khi thi công được khoảng 1,7 triệu mét khối. Đến nay, tỉnh đã cấp được 25 mỏ (15 mỏ thu hồi tận dụng đất dư thừa khi thực hiện dự án khác) với trữ lượng 7,8 triệu mét khối. Các bên liên quan đã hoàn chỉnh hồ sơ, gửi Sở TN-MT để trình UBND tỉnh xem xét, cấp phép thời gian tới với 16 mỏ. Hồ sơ đang lập thủ tục là 25 mỏ. Tổng cộng trữ lượng của cả 41 mỏ là 5 triệu mét khối. Sở Xây dựng cũng đang trình UBND tỉnh bổ sung quy hoạch 4 mỏ, trữ lượng khoảng 2 triệu mét khối.
Nỗ lực của tỉnh là rất lớn, nhưng tiến độ giải quyết mỏ vật liệu vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu vì nhiều nguyên nhân. Trước hết, dự án này cần đất, cát nhiều nhưng chưa có sự chuẩn bị quy hoạch trước mỏ vật liệu xây dựng phục vụ riêng cho đường cao tốc nên số lượng hồ sơ đề nghị cấp mỏ tăng đột biến trong khoảng thời gian ngắn. Vì vậy, các ngành của tỉnh vừa kiểm tra, bổ sung quy hoạch, vừa kiểm tra thực tế để giải quyết hồ sơ. Luật Khoáng sản và Luật Bảo vệ môi trường quy định chặt chẽ, nên một số thủ tục mang tính nguyên tắc phải thực hiện. Cạnh đó, đơn vị xin khai thác chậm bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo hướng dẫn… Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định, Quảng Nam tiếp tục chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu có đủ vật liệu thi công công trình.

Để giải quyết vướng mắc của dự án cao tốc, ngày 1.7 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đi thị sát thực địa một số gói thầu và làm việc với tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP.Đà Nẵng cùng các bên liên quan. Trước thực tế mùa mưa đang đến gần, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các nhà thầu tập trung chống lũ cho công trình từ tháng 9 trở đi. Đơn vị thi công nhận thức rõ đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách, nên cần chuẩn bị kế hoạch và phương án thật sự cụ thể. Về những gói thầu chậm tiến độ, Phó Thủ tướng yêu cầu đơn vị thi công phải lập phương án, triển khai lấy lại tiến độ “lỡ mất” trong lúc chỉ còn 2 tháng nữa là hết mùa khô. Có như vậy, toàn dự án mới đảm bảo tính đồng bộ cao, tránh chuyện gói thầu cầu Kỳ Lam (gói 3A) hoàn thành rồi nhưng đành “đắp chiếu” đợi những hạng mục khác khớp nối. Tìm giải pháp cho nguồn cung về đất đắp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố giao Giám đốc Sở TN-MT chịu trách nhiệm, đề xuất cơ chế đặc thù để cấp mỏ cho kịp thời. VEC, và đơn vị tư vấn phải giám sát chặt chẽ đầu vào nguyên vật liệu, thiết bị phục vụ xây dựng để đảm bảo chất lượng công trình.

Hướng tháo gỡ “ách tắc” khâu GPMB thời gian tới, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương tập trung giải quyết xong sớm nguồn đất tranh chấp 5%, xây dựng hoàn thành các khu TĐC. Đồng thời lưu ý quy trình làm phải có chọn lọc, xử lý làm sao không phát sinh các nghĩa vụ pháp lý, nghĩa vụ tài chính về sau. Đối với nguồn vốn thực hiện, các bộ ngành có liên quan phải bố trí đầy đủ cho các tỉnh, thành phố, tránh xảy ra tình trạng đã vận động người dân chấp thuận nhưng lại thiếu tiền chi trả bồi thường, hỗ trợ. “GPMB thì tiền phải đi trước” - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khuyến cáo.

Liên quan đến khu di tích Triền Tranh (xã Duy Trinh, Duy Xuyên), đại diện Bộ VH-TT&DL báo cáo sẽ thực hiện phương án di dời hiện vật trước và đánh giá, bảo tồn sau. Công việc khai quật sẽ hoàn thành khoảng một tháng nữa. Do đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo công tác này cần phải triển khai xong trước ngày 30.8 năm nay để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Về công trình điện, ngành điện cần làm ngay kế hoạch cụ thể để có phương án di dời hợp lý từng đường dây điện một. Các bên liên quan phối hợp lên thiết kế điều chỉnh, thỏa thuận cắt điện hết sức khoa học, làm sao vừa bảo đảm mặt bằng cho dự án nhưng phải thông suốt truyền tải điện Bắc - Nam. Quá trình GPMB và thi công dự án, Bộ Giao thông vận tải đánh giá từng tháng một, báo cáo cụ thể Thủ tướng Chính phủ những vấn đề cấp bách cần xử lý ngay để giải quyết thông suốt.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi: Tháo gỡ ách tắc mặt bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO