Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Thêm nhiều phát sinh

CÔNG TÚ 26/08/2014 09:36

Lại thêm nhiều phát sinh trong quá trình giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

  • Giải phóng được 59,87km mặt bằng dự án đường cao tốc
  • Giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc qua Điện Bàn: Lo việc tái định cư
  • Bàn giao 31,66km mặt bằng dự án đường cao tốc
  • Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh tham gia giải phóng mặt bằng đường cao tốc
  • Khởi công gói thầu số I, Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi
  • Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Đẩy nhanh tiến độ thi công
Tiến độ xây dựng đường cao tốc sẽ bị chậm nếu vướng mắc về GPMB không được sớm tháo gỡ. Ảnh: C.T
Tiến độ xây dựng đường cao tốc sẽ bị chậm nếu vướng mắc về GPMB không được sớm tháo gỡ. Ảnh: C.T

“Khát” vốn

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết, nguồn kinh phí dùng GPMB cho dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa bàn Quảng Nam theo quyết định đầu tư điều chỉnh là 1.047,338 tỷ đồng. Từ năm 2011 đến nay, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) mới bố trí 676,47 tỷ đồng; trong đó đã bao gồm 94,47 tỷ đồng VEC tạm ứng cho các huyện Duy Xuyên, Phú Ninh, Thăng Bình và Quế Sơn để ưu tiên GPMB làm đường công vụ vào công trình đang thi công. Hiện tại, tỉnh giải ngân chi trả xong toàn bộ vốn GPMB được bố trí từ dự án. Riêng phần tạm ứng của VEC còn lại 38,583 tỷ đồng, các địa phương không “tiêu” được cho suất đầu tư hạ tầng (SĐTHT) vì sợ sai mục đích.

Mặc dù tỉnh nhiều lần đề nghị qua các cuộc họp giao ban hoặc gửi kiến nghị bằng văn bản đến Bộ GTVT, công tác GPMB dự án đường cao tốc thời gian qua vẫn luôn ở tình trạng “khát” vốn. Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình - ông Nguyễn Văn Ngữ cho hay, địa phương có 141 hộ dân phải bố trí tái định cư (TĐC) nhưng họ thống nhất nhận SĐTHT rồi tự lo tìm chỗ ở mới. Theo đó, các hộ trên sẽ được hỗ trợ 231 SĐTHT, song do thiếu kinh phí, huyện mới chi trả được 25 suất. Nhằm tiếp tục đẩy nhanh tiến độ GPMB, Thăng Bình dự kiến cần khoảng 130 tỷ đồng (kể cả hoàn trả phần tạm ứng), mà trước mắt phải có hơn 30 tỷ đồng để chi trả ngay quý III này. Núi Thành cũng còn thiếu 160 tỷ đồng cho năm 2014, riêng trong tháng 9 là 47 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chỉ đạo VEC phải có thông báo bằng văn bản về việc phân bổ vốn GPMB về các địa phương, chậm nhất đầu tháng 9. Chủ động làm việc với tỉnh về bảo trì, sửa chữa các tuyến đường tiếp cận dẫn đến đường công vụ, đồng thời tiến hành ký cam kết 3 bên giữa Sở GTVT, VEC và nhà thầu. Chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế của dự án kiểm tra, rà soát lại và bổ sung quy mô các đoạn đường gom còn thiếu và lấy ý kiến góp ý từ phía địa phương…

Làm việc với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông vào ngày 23.8 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu tiếp tục đề nghị phân bổ thêm 300 tỷ đồng cho Quảng Nam phục vụ GPMB trong quý III. Bởi hiện nay, nhiều địa phương đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và TĐC nhưng lại thiếu kinh phí chi trả.

Nhiều mối lo

Không chỉ do nguồn vốn GPMB “chảy” chậm, các địa phương hiện cũng nóng ruột bởi nhiều nỗi lo phát sinh trong công trình thi công và sau khi dự án đưa vào sử dụng. Theo ông Nguyễn Văn Nhân - Giám đốc Sở GTVT, các gói thầu đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua địa bàn tỉnh hầu hết đã chọn được nhà thầu và đang triển khai thi công. Tuy vậy, chủ đầu tư và các nhà thầu chưa phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT và các huyện, thành phố liên quan để có phương án sửa chữa, bảo trì các tuyến đường do địa phương quản lý đang được sử dụng làm đường công vụ vận chuyển phục vụ thi công công trình; đồng thời cần phải gia cố các cầu yếu trên tuyến để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra. Cũng tại buổi làm việc với Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Quảng Nam đã đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo VEC và nhà thầu khẩn trương phối hợp thực hiện đầy tinh thần trách nhiệm. Nếu không có biện pháp sửa chữa hay gia cố, Sở GTVT và các địa phương sẽ kiểm tra tải trọng vận chuyển đúng với tải trọng cầu đường nhằm đảm bảo an toàn cho công trình.

Theo chúng tôi được biết, xã Điện Quang (Điện Bàn) có 3 thôn gồm Kỳ Lam, Xuân Đài và Bến Đền Đông nằm kẹp giữa đường sắt Bắc Nam và đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang xây dựng. Phía hạ lưu của đường cao tốc, có 190 hộ dân sở hữu 18ha đất bao năm qua canh tác lúa nước và trồng cây lâu năm. Mùa mưa, khu vực này thường xuyên bị ngập lụt nặng nề vì đường sắt Bắc Nam tạo đê chắn, trong khi hệ thống cầu cống có khẩu độ nhỏ nên thoát nước không kịp. Chính quyền và nhân dân Điện Quang lo ngại đường cao tốc sẽ gây nguy cơ ngập lụt nặng hơn, dễ dẫn tới vùi lấp 18ha đất canh tác luôn đạt hiệu quả cao. “Trước nguyện vọng chính đáng trên, VEC cũng như đơn vị tư vấn phải tiến hành khảo sát, đánh giá kỹ tác động môi trường đến đời sống người dân vùng dự án mà đề ra giải pháp khắc phục. Không những vậy, các bên có trách nhiệm thông báo công khai vấn đề này cho địa phương yên tâm” - ông Trần Úc, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn nói.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu đề nghị Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chỉ đạo chủ đầu tư yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế của dự án kiểm tra, rà soát lại và bổ sung các đoạn đường gom còn thiếu để khớp nối các đường giao thông dân sinh, sau đó đi qua các cống chui theo hồ sơ thiết kế (nút giao khác mức). Trong hồ sơ thiết kế, phía tây đường cao tốc qua các khu vực khai thác, chế biến đá xây dựng ở xã Tam Nghĩa (Núi Thành) đã bố trí đường gom có chiều dài 800m. Tỉnh tiếp tục đề xuất bổ sung thêm 2 đoạn tuyến đường gom có tổng chiều dài 960m. Có như vậy, việc sinh hoạt, học tập và sản xuất của người dân khu vực nói trên mới được đảm bảo an toàn, thuận tiện.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Thêm nhiều phát sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO