Dự án đường đến cửa khẩu phụ Tây Giang (giai đoạn II): Lựa chọn phương án tối ưu

CÔNG TÚ 19/11/2019 13:40

Sau khi thảo luận và cân nhắc, một phương án tối ưu triển khai thực hiện dự án Đường vào trung tâm xã A Xan nối xã Ch’Ơm đến cửa khẩu phụ Tây Giang (giai đoạn II) đã được lựa chọn mà không cần điều chỉnh nhiều.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân khảo sát địa điểm thực hiện giai đoạn II của dự án vào đầu tháng 4 vừa qua. Ảnh: C.TÚ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân khảo sát địa điểm thực hiện giai đoạn II của dự án vào đầu tháng 4 vừa qua. Ảnh: C.TÚ

Phương án mới

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì họp nghe báo cáo tình hình thực hiện dự án Đường vào trung tâm xã A Xan nối xã Ch’Ơm đến cửa khẩu phụ Tây Giang (giai đoạn II). Công trình đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 05/QĐ-HĐND ngày 14.2.2019 với điểm đầu tuyến tại lý trình km11+750,38 (nối vào cuối tuyến ở giai đoạn I); điểm cuối tuyến nối vào đường đất qua Lào (chiều dài tuyến dự kiến 7,5km).

Tại cuộc họp, chủ đầu tư (Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh) cho biết, phương án được duyệt có ưu điểm là tận dụng tối đa nền đường cũ hiện trạng, bám theo điều kiện địa hình tự nhiên nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư; hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến các loại rừng, diện tích rừng bị ảnh hưởng 10,37ha (rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và quy hoạch 3 loại rừng). Các hạng mục phức tạp khác cũng hạn chế xây dựng, giải phóng mặt bằng (GPMB) thấp do tuyến đi tránh qua khu dân cư thôn Cha Nốc. Tuy nhiên, nhược điểm là chưa bám đúng theo quy hoạch chung xây dựng (1/2.000) cửa khẩu phụ Tây Giang giai đoạn đến năm 2020 và 2030; không thể khớp nối hạ tầng đồng bộ khi xây dựng các khu đa chức năng… Ngoài ra, dốc dọc lớn (11%), tồn tại nhiều đường cong bán kính nhỏ, khó nâng cấp mở rộng đúng quy hoạch thời tương lai.

Trên cơ sở góp ý của một số ngành và huyện Tây Giang, chủ đầu tư đề xuất tại buổi làm việc phương án mới có điều chỉnh theo quy hoạch. Đó là, đoạn km12+430 - km15+00 (từ nút G1 đến nút G6) có bình đồ tuyến và cao độ tuân thủ đúng quy hoạch chung xây dựng (1/2.000) cửa khẩu phụ Tây Giang giai đoạn đến năm 2020 và 2030. Đoạn km15+00 - km16+690, điều chỉnh bình đồ và cao độ tuyến so với quy hoạch chung xây dựng (1/2.000) nêu trên nhằm phù hợp với cao độ của Trạm kiểm soát biên phòng Tây Giang, điều kiện địa hình tuyến đi qua cũng như yêu cầu kỹ thuật của tuyến đường (cấp VI miền núi).

Việc điều chỉnh sẽ tạo khớp nối đồng bộ việc triển khai xây dựng các khu đa chức năng của cửa khẩu trong tương lai. Đồng thời, dễ dàng xây dựng các tuyến nhánh đúng quy hoạch được duyệt và mở rộng tuyến theo quy hoạch trong tương lai; độ dốc dọc thấp (<8%) giảm chi phí khai thác. Nhược điểm là tận dụng đường cũ ít hơn, khối lượng đào đắp lớn hơn, chi phí GPMB tăng. Kéo theo đó, tổng chi phí đầu tư ban đầu từ 120 tỷ đồng tăng lên đến 235 tỷ đồng.

Chọn phương án phù hợp

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng không chọn phương án 2 vì tác động quá lớn đến đất đai sẽ không thuận tự nhiên, dẫn đến phá vỡ kết cấu gây sạt lở thường xuyên. Chọn phương án 1 nhưng có chỉnh tuyến để đi qua trung tâm thôn Cha Nốc của xã Ch’Ơm. Như vậy, quy hoạch và chủ trương đầu tư không thay đổi, nguồn vốn được giữ nguyên. Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư và các bên liên quan tiếp tục xác định đây là công trình được chọn chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, do đó cần phải khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư; GPMB để phục vụ dự án.

Theo ông Trần Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT), về nguyên tắc phải tuân thủ quy hoạch chung, nhưng nền đường đào sâu khiến mái taluy cao. Chưa kể, có chỗ đào sâu tận 30m sẽ rất khó kiểm soát, nếu gặp đá càng phức tạp. Cũng thuộc đoạn đề xuất điều chỉnh, quy hoạch sau này làm đường đôi có mặt cắt rộng 27m, nhưng mở rộng ra sao từ mặt cắt rộng 6m lên đúng 27m là vấn đề cả về mặt kinh tế và kỹ thuật. Người dân sẽ lưu thông như thế nào khi độ chênh nhau giữa khu dân cư với mặt đường đến 30m. Vì thế, phải xem lại đồ án quy hoạch, nếu khả thi thì mới điều chỉnh đường theo.

Phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - ông Lê Hoàng Linh đề xuất điều chỉnh để phù hợp cả quy hoạch cửa khẩu, GTVT và xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, tuyến đường cần đi qua thôn Cha Nốc hiện trạng, chứ không đi tránh. Đơn vị tư vấn khuyến cáo nên cân nhắc kỹ khi bám quy hoạch khu liên hợp cửa khẩu có chỗ tim đường phải đào sâu 25m, ra phía taluy sâu đến 50m.

Đại diện Sở Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) cho rằng, tỉnh đã bỏ ra gần 200 tỷ đồng làm giai đoạn I, do đó phải làm tiếp giai đoạn II nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia khu vực biên giới Việt Nam - Lào. Trong quá trình thẩm định, ngành đề xuất thực hiện đúng quy hoạch về phát triển GTVT. Nhưng nếu triển khai đúng quy hoạch cửa khẩu theo đề xuất từ phương án 2, rõ ràng việc đào, đắp sẽ dẫn đến phá vỡ địa hình, công trình không sạt lở chỗ này cũng sạt lở chỗ kia. Hơn nữa, dự án đã được HĐND tỉnh thông qua, bây giờ muốn điều chỉnh tăng kinh phí, nhất là giá trị khối lượng sẽ rất khó giải trình chính đáng.

Đại diện Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên - môi trường bày tỏ, không được can thiệp thô bạo vào địa hình tự nhiên, nếu không sau này khai thác thì đường bị sạt lở liên miên làm tắc lưu thông, tốn kém chi phí duy tu, bảo dưỡng, gây nguy hiểm cho tính mạng và thiệt hại tài sản của người dân. Đại diện Sở Xây dựng khẳng định, cả 2 phương án đều phù hợp quy hoạch, vì thế không nên điều chỉnh chủ trương đầu tư ban đầu. Nếu được, cân nhắc điều chỉnh tuyến qua trung tâm thôn Cha Nốc.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dự án đường đến cửa khẩu phụ Tây Giang (giai đoạn II): Lựa chọn phương án tối ưu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO