Gia hạn tiến độ đầu tư đến 8 lần, nhưng Dự án đường trục chính nối từ cầu Bình Dương đến đường bộ ven biển 129 (giai đoạn 1) vẫn chưa thể hoàn tất bồi thường, giải phóng mặt bằng. UBND tỉnh đã yêu cầu dừng, kết thúc dự án, giao lại cho địa phương. Liệu huyện Thăng Bình có đủ lực để tiếp tục đầu tư?
Bảy năm không gỡ nổi mặt bằng
Đoạn đường nối từ mố phía đông cầu Bình Dương (dài 2,65km, mở rộng 11,5m) qua chợ Lạc Câu nhộn nhịp, tráng nhựa phẳng lì đến đường bộ ven biển 129 đã được vận hành nhiều năm nay. Đoạn còn lại (dài 1,7km) từ đường ven biển đến khu tái định cư ven biển Bình Dương đã bị “khựng lại” trước một động cát, bên kia lô nhô vài nóc nhà.
Công ty CP 6/3 chịu trách nhiệm thi công đoạn đường bổ sung này kể từ ngày 8/12/2017, đến 5/9/2018 sẽ hoàn tất. Không thể gỡ nổi những vướng mắc giải phóng mặt bằng, nên nhà thầu đành “bất lực” không hoàn thành công trình theo đúng tiến độ hợp đồng.
Dự án đường trục chính nối từ cầu Bình Dương đến đường ven biển 129 giai đoạn 1 chia làm 2 đoạn. Đoạn 1 từ Km 0+00 tại mố cầu phía đông cầu Bình Dương (điểm chợ Lạc Câu) đến đường bộ ven biển 129, dài 2,65km. Đoạn bổ sung dài 1,7km, điểm đầu tại đường 129 đến km 4+350. Toàn bộ con đường có bề rộng nền đường 11,5m (mặt đường rộng 10,5m và lề đường 1m, mỗi bên 0,5m).
Dự án này có 2 chủ đầu tư. Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (cũ) triển khai, quản lý dự án từ tháng 2/2016 đến 13/6/2019. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam tiếp nhận làm chủ đầu tư dự án kể từ ngày 13/6/2019 đến nay.
Tổng mức đầu tư gần 79 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước. Tổng vốn đã cấp hơn 57,7 tỷ đồng. Tổng giá trị thực hiện đến hiện tại khoảng 58,8 tỷ đồng. Riêng đoạn bổ sung giá trị thực hiện khoảng 49% giá trị hợp đồng (8,15/16,6 tỷ đồng). Tổng giá trị giải ngân 57,74 tỷ đồng.
Theo báo cáo của chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam), một số hộ dân bị ảnh hưởng đã bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công, nhưng 320m cuối tuyến thuộc phạm vi huyện Thăng Bình còn 11 hộ vướng mặt bằng, không cách gì có thể gỡ được.
UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương cho phép UBND huyện Thăng Bình lập hồ sơ, thủ tục đầu tư xây dựng khu tái định cư tại Bình Dương (diện tích khoảng 1,5ha) và địa phương đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật khu dân cư ven biển Bình Dương (giai đoạn 1) để bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng của Dự án đường trục chính nối từ cầu Bình Dương đến đường bộ ven biển 129. Tuy nhiên, kể từ khi phê duyệt đến nay (10/2021), vẫn chưa thể có thêm chút “ánh sáng” nào cho đoạn đường này!
UBND tỉnh đã cho chủ đầu tư, nhà thầu, địa phương gia hạn thời gian hoàn thành công trình (8 lần) nhưng không có gì chuyển biến. Chính quyền Thăng Bình vẫn chưa thể hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cuối tuyến của đoạn còn lại.
Ngày 28/8/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang có văn bản thống nhất chủ trương dừng thực hiện, kết thúc Dự án đường trục chính nối từ cầu Bình Dương đến đường bộ ven biển 129 (giai đoạn 1 – đoạn bổ sung) theo đề nghị của chủ đầu tư lẫn Sở GTVT.
Công trường... dang dở
Khép lại dự án dang dở, hiện trường đoạn cuối tuyến còn lại chưa đầu tư, các hồ sơ, tài liệu liên quan sẽ được chủ đầu tư bàn giao cho UBND huyện Thăng Bình.
Địa phương thụ hưởng sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận, bổ sung, hoàn chỉnh thủ tục, bố trí nguồn ngân sách huyện, tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ dự án, phát huy hiệu quả đầu tư. Liệu Thăng Bình có đủ nguồn lực để giải quyết chuyện giải phóng mặt bằng, tái định cư và đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường này?
Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình Võ Văn Hùng cho biết trước mắt sẽ tập trung giải phóng mặt bằng, tái định cư. Dự kiến sẽ xong trong tháng 10/2023. Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng địa phương sẽ không có nổi nguồn lực đầu tư tiếp đoạn đường còn lại để hoàn tất toàn bộ dự án, như yêu cầu của UBND tỉnh. Chắc địa phương sẽ lại trình “xin” kinh phí đầu tư từ ngân sách cấp tỉnh để đầu tư tuyến đường.
Ách tắc mặt bằng, thiếu tái định cư, không tiền đầu tư thì dù chính quyền địa phương có dự tính hay cam kết sẽ hoàn tất giải phóng mặt bằng ngay trong tháng 10 năm nay cũng sẽ là chuyện khó khăn.
Dự án kéo dài đến 7 năm, gia hạn, điều chỉnh đi, điều chỉnh lại rất nhiều lần, vẫn không thể gỡ xong giải phóng mặt bằng, tái định cư thì có thể dễ dàng nhìn thấy không thể trong thời gian ngắn hình thành tuyến đường đúng như dự định.
Ông Phan Phụng Thiện – Trưởng phòng Quản lý dự án 2 (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam) nói dự án bị dừng vì không thể có được mặt bằng đoạn cuối tuyến để nhà thầu thi công. Chính quyền địa phương đã cam kết nhiều lần bàn giao mặt bằng, nhưng nhiều năm vẫn không thực hiện được. Tái định cư là việc khó khăn nhất.
Bồi thường, giải phóng mặt bằng là nút thắt, nhiều năm không giải quyết nổi đã biến các địa phương thành đại công trường dang dở, ì ạch, nham nhở các dự án đầu tư. Không thể thống kê bao nhiêu dự án đầu tư công đã phải “đứng bánh”, từ các dự án trọng điểm đến các dự án khác nhau đều không thể tiến hành đầu tư hay giải ngân đúng như kế hoạch đề ra của dự án.
Chính điều này đã trở thành lý do khiến không ít đơn thư kiến nghị, những cuộc “cưỡng chế” bất thành của nhiều dự án. Nhiều dự án buộc phải thi công “nhảy cóc” hay dừng tạm thời để giải quyết các sự vụ hành chính, tranh chấp giữa dân địa phương, chính quyền, nhà đầu tư.
Điều đáng bàn hơn là một khi không thực hiện đúng cam kết về giải phóng mặt bằng, không thể hoàn thành đúng tiến độ thi công thì nguy cơ bị rút vốn, dừng tài trợ, để lại công trình dang dở.
Ngân sách địa phương buộc phải bỏ ra để đầu tư hoàn thiện công trình hoặc phải bố trí vốn để chi trả các chi phí phát sinh trong thời gian gia hạn các khoản vay nước ngoài, trong khi nguồn lực đầu tư của ngân sách ngày càng hạn chế.
Chuyện khó khăn, không thể có vốn đầu tư tiếp tục dự án của Thăng Bình không phải là ngoại lệ. Không lẽ đây là điều không thể giải quyết? Ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự vụ này? Bởi để dự án ngổn ngang, dang dở, không đồng bộ, không thể hoặc không biết bao giờ phát huy hiệu quả đầu tư... cũng là kiểu lãng phí ngân sách!