Dự án "Giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng hướng đến người khuyết tật": Cần nhân rộng

DIỄM LỆ 03/07/2014 08:57

Dự án “Giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng hướng đến người khuyết tật (NKT)” sau 2 năm thực hiện tại Quảng Nam đã thực sự phát huy hiệu quả. Dự án kết thúc, nhưng nhu cầu nhân rộng trong cộng đồng là cấp bách và cần thiết.

Với dự án giảm thiểu rủi ro thiên tai, tiếng nói của người khuyết tật được lắng nghe và chia sẻ. Ảnh: D.LỆ
Với dự án giảm thiểu rủi ro thiên tai, tiếng nói của người khuyết tật được lắng nghe và chia sẻ. Ảnh: D.LỆ

Hiệu quả thiết thực

Dự án “Giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng hướng đến NKT” do Bộ Ngoại giao Đức và tổ chức Malteser International tài trợ thực hiện tại các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn từ tháng 4.2012 đến tháng 3.2014. Sau 2 năm triển khai, mục tiêu “tăng cường năng lực giảm thiểu rủi ro thiên tai ở các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại Quảng Nam, chú trọng đến nhu cầu cụ thể của NKT và người thân của họ” đã đạt được. Bà Nguyễn Thị Thúy Nga - điều phối viên chương trình của tổ chức Malteser cho biết, Quảng Nam là địa phương đầu tiên được chọn thực hiện dự án, bởi lẽ đây là vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, và hơn hết là có rất đông NKT sinh sống, khoảng 40.000 người. “Chúng tôi quan niệm rằng không ai hiểu NKT hơn chính bản thân NKT, họ là chủ thể của chương trình, tiếng nói của họ cần được lắng nghe và chia sẻ. Sau 2 năm thực hiện dự án, chúng tôi thấy được sự tiến bộ trong bản thân mỗi NKT và nhận thức của cộng đồng. NKT đã tự tin hòa nhập, tham gia các hoạt động, nói lên được nhu cầu bức thiết của bản thân trong thiên tai. Cộng đồng đã quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu của NKT và ưu tiên cho nhóm đối tượng này khi sắp (dự báo), đang và đã xảy ra thiên tai”.

Kết quả đáng mong đợi nhất chính là trong vùng dự án có 2.437 NKT và thân nhân được tập huấn quản lý rủi ro thiên tai. Dù con số này so với số NKT trong toàn tỉnh còn rất thấp, nhưng trong thời gian ngắn và giới hạn ở 6 xã của 3 huyện thì đó là con số rất cao. Bên cạnh đó, 47 thôn được hưởng lợi từ dự án đã thành lập được 47 đội cứu hộ, có sự tham gia hoàn toàn tự nguyện của ban quân dân chính thôn, người dân, thân nhân của NKT. Đội cứu hộ được tổ chức Malteser trang bị xuồng cứu hộ, áo phao, dây thừng cứu hộ,... tập huấn, diễn tập cứu hộ cứu nạn. “Qua những đợt lũ lụt, đội cứu hộ đã phát huy hiệu quả, khi cảnh báo sớm được cho NKT đi di tản đến nơi an toàn, di chuyển đồ đạc, tài sản của NKT sớm, hạn chế rủi ro xảy ra do lũ lụt. Trong lũ lụt, đội cứu hộ không chỉ làm nhiệm vụ cứu người và tài sản đối với NKT mà còn giúp nhân dân trong vùng, đặc biệt những gia đình có người già cả, trẻ em, neo đơn. Dự án triển khai đã xây dựng được ban quản lý rủi ro thiên tai ở tận thôn, có kế hoạch chi tiết với sự tham gia của người dân, giúp mọi người nâng cao ý thức phòng tránh thiên tai, nhất là trong việc trợ giúp những người xung quanh” - ông Nguyễn Văn Như, Ban quản lý rủi ro thiên tai thôn Bồng Lai (xã Điện Minh, huyện Điện Bàn) nói.

Cần được nhân rộng

Là đối tượng được hưởng lợi từ dự án, tiếng nói, nhu cầu của NKT trong thiên tai đã được lắng nghe, đó là điều quan trọng nhất mà dự án hướng tới. Những hoàn cảnh cụ thể của NKT được đặt ra và có hướng giải quyết. Chẳng hạn như với NKT về nghe nói, nhìn, trí tuệ, tâm thần, nằm một chỗ, được các thành viên ban quản lý rủi ro thiên tai của thôn hoặc đội cứu hộ trực tiếp đến nhà thông báo tình hình thiên tai, huy động người và phương tiện di chuyển họ đến nơi an toàn. Bà Nguyễn Thị Nhỏ (thôn Tĩnh Yên, xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên) bị khuyến tật vận động, chia sẻ: “Trước khi có dự án, mùa mưa lũ là tôi lo nhờ người đưa đi tránh trú. Giờ có người của dự án trước khi có lụt là đến nhà thông báo để chuẩn bị, rồi có người dìu đến nơi tránh lụt an toàn nên tôi đỡ lo hơn”. Hay như gia đình ông Trần Đực (thôn Phú Đa 2, xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên) bị khuyết tật thị lực, vợ chồng già đi lại khó khăn nên trong bão lũ được ưu tiên sơ tán sớm. Ông Đực nói: “Vợ chồng tôi già yếu đi lại khó khăn, nhưng khi làm dự án, mấy chú trong thôn cũng đến hỏi thăm nguyện vọng, rồi lũ lụt đến thì ưu tiên sơ tán sớm. Tôi rất vui và thấy dự án này đúng là vì người dân”.

Dự án kết thúc để lại tiếc nuối cho khá nhiều xã, thôn trong vùng lũ vì chưa tiếp cận được. Đối với địa phương năm nào cũng có lũ lụt như Quảng Nam, tính cấp bách và cần thiết nhân rộng mô hình dự án là điều mà cả Ban quản lý dự án và các cấp hội NKT, cũng như NKT mong muốn. Ông Hứa Quốc Dũng - Chủ tịch HKT tỉnh nói: “Chúng tôi rất mong UBND tỉnh và các ban ngành, địa phương quan tâm để nhân rộng mô hình của dự án ra toàn tỉnh, giúp NKT chủ động và được giúp đỡ tích cực trong phòng chống thiên tai, tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra. Đối với các xã đã có dự án tài trợ thực hiện, chúng tôi cũng mong muốn các huyện, xã tiếp tục duy trì hiệu quả của mô hình. Nhân rộng dự án thực sự rất cần thiết cho cộng đồng, trong đó có NKT”. Là người trong cuộc, ông Trần Văn Tám (thôn Khúc Lũy, xã Điện Minh, huyện Điện Bàn) bày tỏ: “Tôi đã có sự tự tin hơn khi tham gia và trở thành thành viên của dự án. Chúng tôi rất mong dự án được nhân rộng để nhiều NKT khác trong tỉnh nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng trong thiên tai. Và quan trọng là NKT được nói lên tiếng nói của mình, được mọi người lắng nghe và chia sẻ, giúp NKT tự tin hơn trong hòa nhập cộng đồng”.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dự án "Giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng hướng đến người khuyết tật": Cần nhân rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO