Cùng với các địa phương khác trong khu vực, những năm qua, Quảng Nam nhận được sự hỗ trợ tích cực của dự án Hỗ trợ y tế vùng duyên hải Nam Trung Bộ với nhiều hoạt động như xây mới, nâng cấp cơ sở y tế, cung cấp trang thiết bị, đào tạo cán bộ y tế, cải thiện khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho người dân…
Vai trò quan trọng
Những năm trước đây, gia đình anh Alăng Bâu (thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn, Đông Giang) phải vất vả vượt hàng chục cây số để xuống tận Bệnh viện Đa khoa bắc Quảng Nam chữa bệnh cho con. Tháng 8.2013, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đông Giang được khánh thành và đưa vào sử dụng với những trang thiết bị y tế hiện đại nên đã đáp ứng nhu cầu chữa bệnh tại chỗ cho nhiều người dân như gia đình anh Bâu. Không chỉ giảm bớt gánh nặng cho các bệnh viện tuyến trên, TTYT còn là điểm tựa cho việc chăm sóc sức khỏe người dân các xã vùng cao Đông Giang, tiết kiệm chi phí điều trị. Theo ông Đinh Văn Hươm - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, TTYT huyện được xây mới, trang bị các trang thiết bị hiện đại đã giải quyết nhu cầu khám chữa bệnh tại chỗ, giảm bớt rủi ro khi xảy ra các ca bệnh nặng, phức tạp, đẩy mạnh việc chăm sóc sức khỏe cho rất nhiều người dân.
Người dân khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My. Ảnh: VĂN BÌNH |
Cùng với TTYT huyện Đông Giang, còn có 3 công trình xây dựng mới được đầu tư bằng nguồn vốn của dự án Hỗ trợ y tế duyên hải Nam Trung Bộ trên địa bàn tỉnh, gồm TTYT huyện Bắc Trà My, TTYT dự phòng huyện Điện Bàn và Khu kỹ thuật Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam. Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nguồn chi ngân sách bị cắt giảm mạnh, sự hỗ trợ xây dựng 4 công trình trên (tổng kinh phí gần 98 tỷ đồng) của dự án đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giải quyết nhu cầu bức xúc về chăm sóc y tế ở các địa phương, nhất là khu vực miền núi. Theo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình ngành y tế (Sở Y tế), trên địa bàn Quảng Nam, dự án Hỗ trợ y tế vùng duyên hải Nam Trung Bộ cũng đã hỗ trợ xây dựng và bảo dưỡng 6 công trình, hạng mục như TTYT các huyện Thăng Bình, Quế Sơn, Trạm Y tế xã Bình Sa (Thăng Bình); TTYT huyện Tây Giang, Trạm Y tế các xã Bha Lêê, A Tiêng (Tây Giang)… với tổng mức hỗ trợ hơn 5,6 tỷ đồng. Các công trình được xây dựng, bảo dưỡng nhờ nguồn đầu tư của dự án đã phát huy hiệu quả tích cực, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao trong cộng đồng. Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Nhu cầu đầu tư của ngành y tế địa phương hiện tại là rất lớn, nhất là ở tuyến cơ sở. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách thì khó lòng giải quyết. Điều đó cho thấy vai trò của dự án Hỗ trợ y tế vùng duyên hải Nam Trung Bộ, một trong những nguồn lực quan trọng cho ngành nói riêng, cho việc đầu tư phát triển hạ tầng ở các địa phương nói chung”.
Thiết thực
Dự án Hỗ trợ y tế vùng duyên hải Nam Trung Bộ được triển khai từ năm 2009, do Bộ Y tế làm chủ dự án dưới sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB. Quảng Nam là một trong số 8 tỉnh, thành phố vùng duyên hải Nam Trung Bộ được thụ hưởng dự án có tổng vốn 80 triệu USD này, trong đó 72 triệu USD (vốn ODA) vay của ADB theo cơ chế tài chính cấp phát từ ngân sách nhà nước, còn lại là vốn đối ứng từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương. |
Dự án Hỗ trợ y tế vùng duyên hải Nam Trung Bộ được triển khai với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, cải thiện khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế của người dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em, góp phần nâng cao tình trạng sức khỏe của nhân dân trong vùng. Tại Quảng Nam, dự án được triển khai từ năm 2009, với tổng kinh phí đầu tư được phê duyệt 226 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng địa phương 21 tỷ đồng. Nội dung của dự án bao gồm các thành phần cơ bản như nâng cấp cơ sở y tế và cung cấp trang thiết bị, phát triển nguồn nhân lực, cải thiện chất lượng dịch vụ y tế cho người nghèo, tăng cường năng lực quản lý. Từ năm 2012, Quảng Nam đã tiếp nhận, lắp đặt và đưa vào sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị do Ban quản lý dự án cấp (bao gồm trang thiết bị y tế và phần mềm quản lý bệnh viện - HMIS). Tại tuyến huyện, đã có 18/18 TTYT huyện được cung cấp tổng số 389 thiết bị của 47 loại gồm các nhóm trang thiết bị quan trọng như: hồi sức cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, nội - phụ sản, tim mạch, nhi, dụng cụ phòng mổ… Bên cạnh đó, 5 bệnh viện tuyến tỉnh và TTYT dự phòng tỉnh cũng đã được hỗ trợ nhiều thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thiết bị phục vụ khám chữa bệnh. Bác sĩ Phạm Ngọc Ẩn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Nâng cấp trang thiết bị, phục vụ khám chữa bệnh là một trong những tiền đề để Bệnh viện Đa khoa tỉnh đáp ứng nhu cầu của người dân. Sự hỗ trợ từ dự án Hỗ trợ y tế vùng duyên hải Nam Trung Bộ là một trong những nguồn lực kịp thời trong bối cảnh hiện nay”.
Liên quan đến việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, từ năm 2010 đến nay, đã có gần 4.000 lượt cán bộ ngành y tế được tham dự các khóa đào tạo, trong đó cán bộ y tế là người dân tộc thiểu số chiếm hơn 25%. Đặc biệt, đối với cán bộ y tế thôn bản và cán bộ y tế ở các địa phương miền núi, công tác đào tạo từ nguồn hỗ trợ của dự án Hỗ trợ y tế vùng duyên hải Nam Trung Bộ là một trong những điểm tựa nâng cao việc chăm sóc sức khỏe ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bác sĩ Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Qua hơn 5 năm thực hiện, dự án đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực góp phần phát triển mạng lưới y tế cơ sở của tỉnh, qua đó giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, nhất là đối với các xã vùng sâu, vùng xa. Đây cũng là tiền đề để giảm bớt những khó khăn cho ngành y tế hiện nay như áp lực khám chữa bệnh tuyến tỉnh, tình trạng tử vong cao ở miền núi, thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe vùng sâu vùng xa”.
PHƯƠNG GIANG