Dự án Khoa học công nghệ nông nghiệp: Tạo đà phát triển nông nghiệp bền vững

NGUYỄN DƯƠNG - THÁI HÙNG 27/06/2013 08:38

Từ nguồn vốn của dự án Phát triển khoa học công nghệ nông nghiệp (sau đây gọi tắt là Dự án), nhiều mô hình nông nghiệp đã được hình thành và phát triển, mang lại lợi ích kinh tế cao cho nhiều nông dân trong tỉnh.

Dự án Khoa học công nghệ nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân trong tỉnh. Ảnh: N.D
Dự án Khoa học công nghệ nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân trong tỉnh. Ảnh: N.D

Thành công bước đầu

Ngày 14.3.2007, Chính phủ và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã ký hiệp định tín dụng để thực hiện Dự án. Dự án này gồm 3 hợp phần: tăng cường năng lực và nghiên cứu nông nghiệp hướng tới khách hàng; tăng cường khuyến nông cấp cơ sở (gọi tắt là hợp phần khuyến nông) và đào tạo kỹ thuật về dạy nghề nông nghiệp nông thôn. Trong đó, hợp phần khuyến nông được thực hiện ở 5 tỉnh vùng miền Trung - Tây Nguyên. Quảng Nam là một trong số đó. Từ nguồn vốn này, tháng 6.2008, các hoạt động khuyến nông được chính thức triển khai tại 40 xã nghèo của 13 huyện trong tỉnh như Nam Trà My, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Giang, Phú Ninh, Hiệp Đức… với tổng nguồn vốn đầu tư cho Dự án trên 24,5 tỷ đồng, chia đều trong 5 năm (2007-2013). Trong đó, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á chiếm trên 17,7 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh gần 7 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Nếu để xây dựng cơ sở hạ tầng hay mua sắm thiết bị khoa học công nghệ thì bỏ ra gần 5 tỷ đồng/năm là bình thường. Nhưng ở đây là giúp cho nông dân có kiến thức, tạo ra các mô hình phù hợp để áp dụng cho những hộ nghèo của các huyện nên Dự án được xem là thành công”.

Qua các lớp tập huấn nâng cao năng lực khuyến nông, một lượng lớn cán bộ khuyến nông các cấp đã được hình thành, góp phần củng cố và hoàn thiện chất lượng hệ thống khuyến nông cho cơ sở. Đến nay đã có 12 giáo viên cấp tỉnh, 237 giáo viên cấp huyện có đủ khả năng đứng lớp, qua đó mở 151 lớp khuyến nông cấp cơ sở với gần 4 nghìn lượt học viên tham gia. “Kiến thức về sản xuất nông nghiệp tiên tiến của rất nhiều hộ nông dân, đặc biệt là phụ nữ, người nghèo và người dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt là đã làm thay đổi được tập quán sản xuất cũ bằng tiến bộ mới như việc sản xuất lúa nước của đồng bào miền núi đã biết dùng phân bón để thâm canh, dùng chế phẩm vi sinh để ủ phân xanh… Qua đó, nhiều mô hình đã được áp dụng và duy trì, mang lại lợi ích kinh tế cao cho người dân” - ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết thêm.

Nhờ áp dụng công cụ sạ hàng trong thâm canh lúa nước tại huyện Núi Thành mà các xã thực hiện mô hình điểm đạt được năng suất rất cao (từ 45 - 50 tạ tăng lên 65-70 tạ/ha). Hay việc áp dụng mô hình dùng chế phẩm sinh học Trichoderma.sp ủ phân chuồng, phân xanh thâm canh trên cây đậu phụng, cây tiêu nhằm hạn chế dịch bệnh tại các huyện Thăng Bình, Tiên Phước đã được nhân rộng trên địa bàn… Ngoài ra, những mô hình như thâm canh bưởi ở Tam Trà (Núi Thành), Tam Lộc (Phú Ninh), nuôi heo Móng Cái sinh sản hay nuôi ghép cá trắm cỏ tại Tam Lãnh đều đang được phát triển, mang lại lợi ích kinh tế cao, giúp cải thiện đời sống của người dân địa phương. Những mô hình khuyến nông của Dự án đã thu hút một lực lượng lớn nông dân tại địa phương tham gia. Trong đó có trên 3 nghìn hộ hưởng lợi trực tiếp các mô hình và hàng nghìn nông dân khác làm theo. Theo kết quả điều tra tại 1.099 hộ tham gia tại các mô hình thí điểm, có 430 hộ lúc tham gia là hộ nghèo, đến nay đã có 335 hộ thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo lúc tham gia thực hiện mô hình khuyến nông là 39,1%, đến nay đã giảm chỉ còn 8,6%.

Tạo đà phát triển

Theo ông Nguyễn Thanh Quang, số tiền đầu tư vào dự án khuyến nông này tuy không nhiều nhưng quan trọng là đã đào tạo được kiến thức cho nông dân. Bởi chỉ khi nông dân có kiến thức thì các tiến bộ khoa học kỹ thuật của dự án mới có thể áp dụng và mang lại hiệu quả cao. Đây là một bước chạy đà hoàn hảo, tạo được nền móng vững chắc để tiếp tục đẩy mạnh phát triển phong trào khuyến nông trên toàn tỉnh.

Ngoài hiệu quả kinh tế, kiến thức thu được từ những mô hình khuyến nông thực tiễn, mỗi hộ nông dân tại các địa phương còn tạo ra được nguồn sản phẩm tại chỗ, thu hút tư thương hoạt động kết nối sản phẩm với thị trường tiêu thụ, làm phong phú hơn hàng hóa đầu vào, đầu ra. Qua đó tăng hiệu quả kinh tế rõ rệt ở từng địa phương, tăng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ở các địa phương được áp dụng Dự án. “Sau 4 năm thực hiện Dự án, nhiều hộ tham gia các mô hình thí điểm đều có thu nhập tăng. Đây là điều rất đáng mừng, khích lệ Dự án tiếp tục hoàn thành. Trong 45 mô hình khuyến nông được thực hiện tại 39 xã của 13 huyện cho thấy 90,71% hộ nông dân tăng thu nhập, nhiều hộ có mức tăng từ 15 - 20 triệu đồng/năm, có hộ tăng từ 30 - 40 triệu đồng/năm nhờ đã biết cách áp dụng kỹ thuật từ mô hình khuyến nông vào thực tiễn. Đó là một bước tiến vững chắc, tạo tiền đề cho thời gian tới có thể tiếp tục áp dụng những mô hình này trên diện rộng” - ông Lê Muộn đánh giá.

Ông Nguyễn Đình Sử, Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Nông Sơn cho biết, từ những kiến thức học được thông qua những lớp tập huấn, các mô hình thí điểm, huyện đã xây dựng được 29 câu lạc bộ khuyến nông trong 7 xã. Nhờ đó nông dân có thể giúp nhau trong việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, tăng hiệu quả kinh tế. Đó là nền móng vững chắc để tiếp tục phát triển về sau này cho nông dân trên địa bàn.

NGUYỄN DƯƠNG - THÁI HÙNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dự án Khoa học công nghệ nông nghiệp: Tạo đà phát triển nông nghiệp bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO