Dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An: Cần sớm hoàn thiện hạ tầng tái định cư

XUÂN THỌ 19/04/2016 08:17

Một số khu tái định cư (TĐC) của người dân di dời để nhường đất cho dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (dự án Nam Hội An) tại 2 xã Duy Hải và Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên hiện vẫn chưa hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng để cuộc sống của người dân sớm đi vào ổn định.

Một phân hiệu Trường Mầm non Duy Hải vừa đưa vào hoạt động tại khu TĐC Duy Hải giai đoạn 1.Ảnh: XUÂN THỌ
Một phân hiệu Trường Mầm non Duy Hải vừa đưa vào hoạt động tại khu TĐC Duy Hải giai đoạn 1.Ảnh: XUÂN THỌ

Không chịu vào TĐC

Có mặt tại khu TĐC Duy Hải giai đoạn 1 (thôn Tây Sơn Đông) mới đây, chúng tôi ghi nhận hệ thống mặt bằng, đường, điện ở đây đã tương đối hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Khu TĐC này theo dự kiến sẽ có 1.600 hộ dân, hiện có khoảng 300 hộ dân đến sinh sống và 1 phân hiệu của Trường Mầm non Duy Hải đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, theo phản ánh của các hộ dân, cuộc sống của họ hiện tại gặp nhiều khó khăn hơn so với trước khi di dời nhường đất cho dự án Nam Hội An, đặc biệt là nước sinh hoạt nhiễm phèn rất nặng và tình trạng gió thổi mang cát vào nhà. Chuyển vào khu TĐC cách đây 3 năm, ông Trần Văn Hường so sánh: “Hồi trước ở Tây Sơn Tây nước sinh hoạt dùng rất sướng. Còn khi lên đây, nước nhiễm phèn nặng quá nên phải mua nước lọc để uống. Đó là chưa nói ở đây, thỉnh thoảng có gió mạnh thổi cát vô khắp nhà, phải mất công quét dọn và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày”. Và để có nước sinh hoạt, ông Hường phải xây bể chứa bằng xi măng trên nóc nhà. Bể chứa chia làm 2 ngăn, 1 ngăn lọc phèn và 1 ngăn chứa nước sau khi lọc. Đây cũng là cách mà nhiều hộ dân ở đây áp dụng, sau khi lấy nước từ giếng tự đóng. Theo người dân, hệ thống ống dẫn nước sạch đã được hoàn thiện từ sau tết, nhưng không hiểu sao vẫn chưa có nước dùng.

Hiện tại 48ha mặt bằng sạch đã được giao cho đơn vị thi công theo đúng kế hoạch, dự kiến giai đoạn 1 của dự án Nam Hội An sẽ được khởi công vào ngày 23.4 tới. Giai đoạn 1 của dự án có diện tích 163ha, với mức đầu tư 500 triệu USD gồm sân golf 18 lỗ theo tiêu chuẩn quốc tế, khu nghỉ dưỡng 1.000 phòng, khu trung tâm thương mại… Đến đầu năm 2019, từng phần của dự án sẽ được đưa vào khai thác và sẽ tạo ra trên 2.000 việc làm mới.

Ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết hệ thống cấp nước sinh hoạt cho khu TĐC này do Công ty Cấp thoát nước Quảng Nam thi công. Nguồn nước được lấy từ Hội An, dẫn ống dưới chân cầu Cửa Đại, rồi qua đường DH6b.DX mới tới khu TĐC. Dự kiến trong tháng 4 này sẽ hoàn thiện, đưa vào sử dụng, cấp nước sạch cho dân. Một vấn đề nữa cũng được cư dân TĐC quan tâm là hệ thống điện. “Điện sử dụng gia đình thì ổn rồi, nhưng điện chiếu sáng đường thì không biết sao sau khi hết tết thì không được thắp sáng nữa” - một người dân cho biết. Trong khi đó, ông Hường cho biết cũng sử dụng một số thiết bị điện tương tự như hồi còn ở Tây Sơn Tây, nhưng mỗi tháng ông chỉ hết vài chục ngàn đồng tiền điện, vào khu TĐC con số này nhảy lên trên 200 ngàn đồng, thậm chí gần 300 ngàn đồng mỗi tháng. Khi ông điện thoại hỏi, thì được giải thích có thể là do đồng hồ điện có sai sót, nhưng đến nay đại diện điện lực vẫn chưa đến giải quyết cho ông.

Theo lộ trình, khu TĐC Duy Hải giai đoạn 1 đã hoàn thiện đúng kế hoạch và triển khai giai đoạn tiếp theo. Trong khi đó, các khu TĐC Lệ Sơn và Nồi Rang của xã Duy Nghĩa thì bị dân “chê” sau khi hoàn thành mặt bằng. Ông Nguyễn Tấn Nam - Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa cho biết, nguyên nhân dân không chịu vào khu TĐC vì cho rằng khu TĐC thiếu điện nước, cây xanh và gió cát. Theo ông Nam, khu TĐC Lệ Sơn có diện tích theo kế hoạch là 100ha nhưng mới làm 26,3ha; còn khu TĐC Nồi Rang có diện tích theo kế hoạch giai đoạn 1 là 97ha, nhưng mới hoàn thiện 26ha. “UBND tỉnh cũng đã đồng ý thống nhất kế hoạch xây dựng khu TĐC Sơn Viên (34ha) và mở rộng khu TĐC Nồi Rang thêm 15ha nữa. Nhưng trước mắt là phải hoàn thiện các cơ sở vật chất, hạ tầng trong các khu TĐC, có như vậy dân thuộc vùng dự án Nam Hội An mới chịu vào TĐC và ổn định cuộc sống” - ông Nam nói.

Sẽ đào tạo nghề cho dân TĐC

Một thách thức không nhỏ của người dân vùng TĐC là vấn đề công ăn việc làm. Một người dân ở khu TĐC Duy Hải giai đoạn 1 cho biết trước đây khi ở thôn Tây Sơn Tây, chị ngoài làm nông, còn nuôi thêm heo, gà. Khi vào khu TĐC chị phải học may và nhận may tại nhà, ngoài ra chị còn phục vụ nhà hàng mỗi khi chủ gọi. “Tính ra thu nhập bây giờ cũng tương đương trước, nhưng không dư dả được. Vì hồi ở chỗ cũ, cái ăn hầu như có sẵn; còn ở đây, tất cả đều phải mua” - chị này nói.

Ông Nguyễn Văn Thống cho biết trong quy hoạch, chỉnh trang lại cơ sở hạ tầng, sẽ chú trọng đào tạo nghề cho người dân thuộc vùng nhường đất cho dự án Nam Hội An. Xã Duy Hải và huyện Duy Xuyên sẽ kết hợp với các trung tâm dạy nghề, doanh nghiệp để đào tạo cho người dân theo độ tuổi thích hợp. “Ví dụ người trung niên, có thể dạy họ cách tưới, cắt tỉa cây cảnh trong khuôn viên dự án Nam Hội An. Còn người trẻ, ít nhất phải trang bị cho họ được tiếng Anh giao tiếp cơ bản để làm việc trong khu Nam Hội An cũng như đón khách du lịch đang bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều tại Duy Hải” - ông Thống cho hay.

Cũng theo ông Thống, theo quy hoạch sẽ có thêm 1 khu TĐC Thuận An - An Lương nằm trên địa bàn xã Duy Hải. Khu TĐC này nằm ven biển, từ thôn An Lương (xã Duy Hải) chạy về thôn Thuận An (xã Duy Nghĩa) theo hướng phía đông cầu Cửa Đại. Mong muốn của chính quyền và người dân ở đây là khu TĐC này gắn với quy hoạch lại bến cá An Lương, bởi 65% người dân ở đây là ngư dân. Cũng như kiện toàn lại các điểm, cơ sở làm nước mắm, phơi, hấp cá để giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như phục vụ khách du lịch hay tới đây để tham quan.

XUÂN THỌ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An: Cần sớm hoàn thiện hạ tầng tái định cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO