Sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến yêu cầu lãnh đạo TP.Đà Nẵng, Quảng Nam và các bộ, ngành khởi động lại Làng đại học Đà Nẵng đã quy hoạch “treo” suốt 20 năm nay, người dân trong vùng quy hoạch vui mừng bởi họ hy vọng có thể sẽ thoát cảnh “đi không được ở không xong”. Người dân vẫn ngóng chờ dự án sớm triển khai.
Tại cuộc làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam đều mong muốn dự án sẽ được khởi đông lại và quyết tâm thực hiện dự án. |
Làng đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt vào ngày 9.12.1997 nay vẫn còn dang dở đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến với tên gọi mới đô thị đại học tại cuộc làm việc với Đại học Đà Nẵng vừa qua. Tại cuộc làm việc này, Thủ tướng đã đồng ý với các ý kiến của các bộ, ngành và địa phương và cho hay sẽ đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn đối với dự án này. Trước tiên sẽ tập trung vào việc giải phóng mặt bằng để sớm hình thành đô thị Đại học Đà Nẵng, đô thị đại học của miền Trung - Tây Nguyên, khắc phục những chậm trễ trong thời gian qua.
Chờ... giải tỏa
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi về Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn), nơi có 190ha đất nằm trong số 300ha của dự án làng đại học. Ba thôn Cẩm Hà, Tứ Hà, Tứ Ngân nằm trong dự án đã lên khối phố từ khi Điện Bàn lên thị xã. Hơn 20 năm qua, 500 hộ dân với 2.500 nhân khẩu nơi đây sống cảnh tù túng vì “dính phải” quy hoạch treo. Khối phố Tứ Hà có hơn 300 hộ dân. Trên địa bàn, nhiều căn nhà khang trang đã được xây dựng. Người dân cho biết, dù không được phép nhưng họ vẫn liều xây vì dự án treo quá lâu, không làm lấy gì ở. Nhưng vẫn còn đó hàng trăm căn nhà xập xệ, dột nát, xuống cấp, chờ sập mỗi khi có mưa bão.
Ông Huỳnh Lý bên căn nhà xuống cấp nhưng không thể sửa chữa vì dính quy hoạch. Ảnh: NGUYỄN THÀNH |
Ông Huỳnh Lý (53 tuổi) lắc đầu lia lịa khi nghe nhắc đến dự án. Ông nói: “Dự án làm từ hồi con tôi mới đẻ, nhưng nay con đã học đại học năm 3, đứa đầu đã ra trường nhưng làng đại học nào có thấy”. Căn nhà vợ chồng ông Lý mấy lần gió lùa tốc mái nhưng ông chỉ dám lợp lại bằng tôn. Mỗi khi có tin bão, gia đình ông phải gồng gánh đi tránh vì lo nhà sập. Căn nhà bê tông ngay trước ngõ mà gần 20 năm trước vợ chồng ông xây, nay đã đổ nát, bỏ hoang. Ông Lý thú thật, dạo đó, nghe tin dự án, vợ chồng bỏ ra hơn cây rưỡi vàng để làm nhà, mua cây cối về trồng để chờ bồi thường giải tỏa. Qua hàng chục năm trời, dự án vẫn không động tĩnh gì, cây cối ông phải chặt bỏ để trồng hoa màu. Nhà cửa xuống cấp ông cũng không màng sửa mà giờ muốn sửa cũng không còn tiền. Hơn 3.500m2 đất của gia đình, ba đứa con ăn học nhiều khi túng thiếu, đứa lớn ra trường muốn bán lo việc làm cho con cũng không xong vì đất trong dự án chính quyền không cắt sổ đỏ, chẳng ai dám mua. Trong khi đó, cách nhà ông khoảng 100m ngoài vùng dự án, đất đai người dân bán được giá cao ngất. Hỏi ông Lý có sửa nhà, trồng cây chờ bồi thường nữa không, ông lắc đầu nói: “Thôi. Một lần lỡ dại. Làm rồi ôm nợ. Biết bao giờ dự án mới triển khai. Dân trong vùng này ngán lắm rồi”.
Tăng cường quản lý hiện trạng
Tại cuộc làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa qua, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết, thành phố sẽ tiến hành giải tỏa toàn bộ mặt bằng để triển khai dự án. Chính quyền Đà Nẵng luôn ủng hộ để Đại học Đà Nẵng phát triển. Toàn bộ kinh phí bồi thường khoảng 1.650 tỷ đồng, hoàn toàn có thể cân đối để bắt đầu khởi động lại dự án. Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết, Chính phủ cần có một công bố cụ thể dự án này, nhân dân và chính quyền Quảng Nam sẽ đồng thuận cao khi triển khai lại dự án. Tỉnh Quảng Nam sẽ vào cuộc với tinh thần cao nhất. Tuy nhiên, khởi động lại dự án phải khảo sát, điều chỉnh và triển khai kịp thời. |
Ông Trịnh Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND phường Điện Ngọc cho biết, người dân vùng dự án sống khổ cực, chính quyền cũng vất vả lo giữ hiện trạng nhưng rồi tình trạng cơi nới, xây dựng trái phép vẫn diễn ra. Chính quyền biết nhưng cũng phải “nới” bởi đằng đẵng thời gian qua, nhà cửa xuống cấp, lỡ nhà sập chết dân ai chịu trách nhiệm. Ông Lượng kể, 20 năm dự án treo, người dân khó khăn vì nhà cửa không được cơi nới, đất đai không được sang nhượng, áp lực về nhà ở đè nặng lên chính quyền, trong khi Điện Ngọc có 40 dự án đang xúc tiến triển khai, chiếm hết 2/3 trong tổng số 2.121ha đất. Phường chỉ còn lại quỹ đất ít ỏi là 390ha lúa và 477ha hoa màu. “Thủ tướng về thăm và có ý kiến, chính quyền rất mừng và hy vọng dự án sẽ triển khai để người dân ổn định cuộc sống” - ông Lượng chia sẻ.
Cũng theo ông Lượng, hơn 10 năm trước Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng từng có ý kiến về việc này, thế nhưng dự án vẫn án binh bất động. Lần này, nếu triển khai, cơ quan chức năng cần xem xét có sự điều chỉnh phù hợp, nơi nào khả thi thì làm, nơi nào không phù hợp thì nên xóa quy hoạch để người dân ổn định cuộc sống. Bởi 20 năm là quá dài, vượt quá sức chịu đựng của người dân. Ông Lượng cho hay, ngay sau khi có ý kiến của Thủ tướng, đã có một số người lợi dụng đưa nhiều thông tin khác nhau nhằm kích động người dân tại địa phương không ủng hộ phương án giải tỏa, bồi thường hỗ trợ, tái định cư của dự án khi Nhà nước thu hồi đất. UBND phường Điện Ngọc đã có văn bản về tăng cường quản lý đất đai, trật tự xây dựng, nhân khẩu… trong dự án làng đại học, yêu cầu lực lượng kiểm tra đô thị, công an và các đơn vị chức năng tăng cường đảm bảo tình hình.
Trong khi đó, ông Huỳnh Kim - Chủ tịch UBND phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cho biết, khoảng 170 hộ dân tập trung khu Hải An và Hải An 1 nằm trong quy hoạch của dự án làng đại học. Suốt 20 năm qua, người dân gặp nhiều khó khăn vì đường sá không thể đầu tư xây dựng, nhà cửa không được cơi nới, mở rộng, khó chia tách lập hộ... Để giải quyết những bức xúc, những năm qua, quận cho người dân trong vùng quy hoạch xây dựng nhà 50m2 để sống tạm. Khi Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo tái khởi động làng đại học thì quận cũng đã lập tức cấm luôn việc này.
NGUYỄN THÀNH