Sở KH-CN vừa tổ chức thẩm định công nghệ lò đốt rác thải Đại Nghĩa (Đại Lộc), trong đó nhiều ý kiến cho rằng cần cân nhắc lựa chọn công nghệ để tránh đi lại “vết xe đổ” trước đây, khi nhiều đơn vị giới thiệu công nghệ rất hiện đại nhưng thực tế hoàn toàn khác.
Bãi rác Đại Hiệp có thời hạn đóng cửa vào tháng 12.2018. Ảnh: H.L |
Công suất 240 tấn/ngày đêm
Công nghệ lò đốt rác thải Đại Nghĩa do Công ty CP Máy xây dựng Vinabima Tiên Sơn (Bắc Ninh) kết hợp với PGS-TS. Phạm Văn Trí, thuộc bộ môn Kỹ thuật Nhiệt - Viện KH-CN Nhiệt - lạnh Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tư vấn và Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam làm chủ đầu tư. Theo đơn vị tư vấn, dự án lò đốt rác xử lý rác thải bằng công nghệ đốt, có công suất khoảng 240 tấn/ngày đêm, gồm 2 modul, mỗi modul có công suất từ khoảng 4 - 5 tấn/giờ. Dự án có diện tích sử dụng 7ha, trong đó 4ha là đường giao thông vào khu xử lý, 3ha là khu nhà máy xử lý rác thải, có tổng đầu tư 98 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp triển khai giai đoạn 2018 - 2019, thời gian thực hiện 50 năm. Lò đốt hoạt động với công suất 5 tấn/giờ, hoạt động 24/24h, mỗi tấn rác tiêu hao 1kg than hoạt tính và tổng công suất thiết bị điện tiêu hao là 170kW/giờ. Lò hoạt động 3 ca, mỗi ca cần 4 công nhân vận hành.
Theo PGS-TS. Phạm Văn Trí, về nguyên lý vận hành, lò sử dụng công nghệ tự cháy hạn chế khí thải thoát ra ngoài môi trường qua cửa nạp rác thải. Lò có thể đốt trực tiếp rác tươi nếu có trộn rác công nghiệp, hoặc rác tươi sau khi ủ 7 - 10 ngày mà không phải phơi bên ngoài, hạn chế tối đa phát sinh ô nhiễm. Việc đốt không phải theo mẻ mà liên tục, rác được đưa vào phân loại sơ bộ ngay tại nhà xưởng, sau đó ủ 7 - 10 ngày rồi đưa vào đốt theo quy trình tự động hóa hoàn toàn. Lò áp dụng công nghệ cháy bằng không khí tự nhiên theo nguyên lý đảo chiều trước khi đốt và có biện pháp hạn chế khí thải thoát ra ngoài môi trường qua cửa nạp rác thải...
Được biết, dự án lò đốt rác nhằm thay thế cho bãi rác Đại Hiệp dự kiến đóng cửa vào 12.2018, đảm bảo việc xử lý rác thải cho các địa phương khu vực Bắc Quảng Nam. Dự án gồm nhiều hạng mục công trình như: san nền khu vực lò đốt và công trình phụ trợ, nhà xưởng và lò đốt rác, nhà điều hành, nhà ở công nhân, trạm xử lý rác thải, hồ sinh học, nhà kho, trạm cân xe, đường bê tông vào bãi rác, sân bê tông bãi đậu xe, sân phơi bùn, hệ thống cấp nước.
Cẩn thận khi chọn công nghệ
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN cho rằng, chất thải, nước thải, mùi hôi, cặn, xỉ tro, khói phát sinh từ bãi rác, lò đốt rác... cần được đảm bảo về tiêu chuẩn môi trường. Đơn vị tư vấn lẫn chủ đầu tư cần bổ sung, phân tích đầy đủ yếu tố, giải pháp công nghệ xử lý rác thải và môi trường, dự báo rủi ro và phòng ngừa, dự lường được trường hợp hệ thống tắt, không hoạt động trong vòng 5 - 7 ngày, hàng trăm tấn mỗi ngày phải để đâu. Cần có giải pháp công nghệ xử lý nguồn nước thải qua từng công đoạn, đảm bảo tiêu chuẩn quy định. “Công nghệ xử lý rác thải Việt Nam đang loay hoay. Ý tưởng lò đốt rác Plasma của Viện Khoa học năng lượng - Liên bang Nga cũng chưa đi tới đâu, khâu thẩm định công nghệ chưa xong. Vì vậy phải thận trọng lựa chọn được công nghệ phù hợp, tối ưu, đảm bảo tính khả thi của dự án” - ông Tích nói. |
Ông Chung Thành Đông - Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam, cho hay phía công ty và bộ phận chuyên môn đã đến tham quan, học tập, khảo sát thực tế tại Công ty CP Môi trường và công trình đô thị tỉnh Thái Bình, đơn vị đã vận hành và lắp đặt lò đốt rác RS-4000 Vinabima công suất 96 tấn/ngày đêm do Công ty CP máy xây dựng Vinabima Tiên Sơn lắp đặt. Đồng thời đã mời công ty vào kiểm tra thực địa, nghiên cứu tại bãi rác Tam Xuân 2 (Núi Thành) và bãi rác Đại Nghĩa đang giai đoạn triển khai. Nhìn chung, loại lò đốt có công suất khoảng 4 - 5 tấn/giờ phù hợp với điều kiện thời tiết, tự nhiên cũng như tính chất rác thải của địa phương. Phía công ty tư vấn cũng đang triển khai 2 lò đốt rác tại Bắc Ninh, 2 lò tại Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. “Trước nay đã nhiều đơn vị giới thiệu công nghệ rất hiện đại nhưng thực tế hoàn toàn khác, vì vậy lần này cần tránh vết xe đổ. Mặt khác, chỗ phân loại rác đầu nguồn cần tính toán lại, bởi nếu không phân loại rác đầu vào thì sẽ khó” - ông Đông nhấn mạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Thi - chuyên viên Phòng TN-MT huyện Đại Lộc, phía công ty và đơn vị tư vấn cần tổ chức họp dân, nói rõ những phát sinh, công khai hướng giải quyết khi xảy ra sự cố để người dân có sự đồng thuận cao, tránh trở ngại. Cũng theo bà Thi, ngoài khí thải, mùi hôi, vấn đề nước thải khi xử lý rác luôn là điều người dân quan tâm. Từ bãi rác Đại Hiệp của Đại Lộc, rồi tới bãi rác Khánh Sơn của Đà Nẵng, người dân từng khiếu nại nhiều vấn đề liên quan. Vì vậy, Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam cần nghiên cứu kỹ những ưu điểm và nhược điểm, hướng khắc phục và xử lý sự cố từ công nghệ mà đơn vị tư vấn đã triển khai tại nhiều nơi, qua đó làm cơ sở lựa chọn công nghệ phù hợp...
Theo PGS-TS. Lê Văn Lữ (Trường Đại học Tài nguyên - môi trường TP.Hồ Chí Minh), cần xác định đây là lò đốt rác thải sinh hoạt hay công nghiệp, bởi tính độc hại rất cao và nước ta vẫn loay hoay trong việc tìm công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt, công nghiệp lẫn y tế. Công tác phân loại rác thải tại nguồn còn khó khăn, rác tươi nhiều, độ ẩm cao, phát sinh mùi hôi dễ khiến ô nhiễm mùi hôi, nước thải ra môi trường là khó tránh khỏi. Vậy nên, cần rút ngắn quy trình ủ rác xuống 3 ngày. Còn GS-TS. Bùi Văn Ga (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, việc lựa chọn công nghệ lò đốt phải làm sao đảm bảo độ bền, sự tin cậy và hiệu quả. Cần đầu tư công nghệ chuẩn bị rác khi đốt, giảm lượng khí CO2 phát sinh, bổ sung công nghệ ủ, công nghệ sấy vì rác tươi nhiều, độ ẩm rác cao. Với những thiết bị nhập ngoại cần phải có tiêu chuẩn hẳn hoi, có tính đồng bộ...
HOÀNG LIÊN