Dự án nâng cấp đường ĐT 611 Nông Sơn - Quế Sơn: Chậm đền bù, hàng trăm hộ dân bức xúc

H.LIÊN - H.YÊN - H.PHÚC 30/09/2015 08:55

Tuyến đường ĐT 611, đoạn dẫn từ các xã Quế Trung, Sơn Viên, Quế Lộc (Nông Sơn) đến huyện Quế Sơn đã đưa vào sử dụng hơn một năm nay, song hơn 400 hộ dân lại chưa nhận được tiền đền bù.

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Nông Sơn, dự án nâng cấp, mở đường ĐT 611 được thực hiện từ năm 2013, với chiều dài hơn 8km, nối từ dưới chân đèo Le đến Trung Phước (km29 - km37+603). Dự án thu hồi hơn 50.617m2 đất của 426 hộ dân bị ảnh hưởng thuộc 3 xã Sơn Viên, Quế Lộc và Quế Trung (Nông Sơn). Công trình do Ban Quản lý dự án xây dựng đầu tư tỉnh làm chủ đầu tư, thi công xây dựng năm 2013 và thông xe từ đầu năm 2015. Tổng chi phí bồi thường hỗ trợ  hơn 4 tỷ đồng. Trước đây để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, chủ đầu tư và chính quyền địa phương vận động người dân bị ảnh hưởng đất đai, vật kiến trúc sớm bàn giao mặt bằng trước, rồi sẽ tiến hành chi trả tiền bồi thường đất bị thu hồi sau. Chủ trương này được hầu hết người dân đồng tình ủng hộ. Thế nhưng, con đường đã bàn giao, đưa vào hoạt động gần một năm, mà các ngành chức năng của huyện vẫn chưa chi trả tiền đền bù cho dân, khiến họ bức xúc.

Tuyến đường ĐT 611 qua địa bàn huyện Nông Sơn đã được đưa vào sử dụng hơn một năm qua song đến nay hơn 400 hộ dân vẫn “dài cổ” chờ đền bù. Ảnh: H.Liên
Tuyến đường ĐT 611 qua địa bàn huyện Nông Sơn đã được đưa vào sử dụng hơn một năm qua song đến nay hơn 400 hộ dân vẫn “dài cổ” chờ đền bù. Ảnh: H.Liên

Ông Trần Văn Hòa (trú thôn Trung Nam, Quế Trung) chia sẻ, ngoài những diện tích đất đã giao cho dự án, 2 sào ruộng còn lại của gia đình ông cũng phải bỏ hoang do mặt ruộng cao hơn mương thủy lợi, không có nước sản xuất, không thể trồng cây gì được. “Hai năm nay, gia đình tôi cũng như hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng đất sản xuất lúa, đất vườn rơi vào khó khăn do mất đi nhiều diện tích đất. Suốt 2 năm ròng, tiền đền bù gia đình tôi vẫn chưa được nhận, địa phương cứ hứa mãi, giờ chỉ biết kêu trời” - ông Hòa bức xúc. Ông Tạ Hồng Xuân (xã Quế Trung) ngao ngán: “Mất đất sản xuất, giờ chúng tôi chỉ biết  trông cậy vào đồng tiền đền bù để tìm sinh kế khác, vậy mà… Giờ chúng tôi không tin tưởng vào những lời hứa nữa, chỉ mong sớm nhận được tiền đền bù để đầu tư mua giống cây trồng, con vật nuôi để ổn định cuộc sống” - ông Xuân nói. Cùng cảnh ngộ trên, bà Lê Thị Liễu (cùng trú thôn Trung Nam, Quế Trung) than thở: “Với 700m2 diện tích đất canh tác bị ảnh hưởng có bìa đỏ, gia đình tôi được duyệt bồi thường 67 triệu đồng. Từ ngày mất đất làm lúa, kinh tế suy giảm, khó khăn càng chồng chất. Hàng tháng, tôi đều lên huyện nhưng cũng chỉ mang về những lời hứa cùng nỗi thất vọng”… Cũng như các xã khác, phía chính quyền xã Quế Lộc cũng loay hoay trong kiến nghị. Ông Nguyễn Đình Tân - Chủ tịch UBND xã Quế Lộc xác nhận, dự án đường ĐT 611 qua địa bàn xã Quế Lộc với 28.610m2 đất các loại bị thu hồi. Theo đó, hộ được đền bù cao nhất khoảng 40 - 50 triệu đồng, thấp nhất thì vài triệu đồng. Xã đã nhiều lần kiến nghị, trình HĐND tỉnh, huyện qua các kỳ họp, tiếp xúc cử tri mong sớm bồi thường thiệt hại cho bà con. “Có thể nói, khi khởi động dự án, bà con rất hăng hái hưởng ứng, họ sẵn lòng giao đất khi chính quyền vận động. Thiết nghĩ, tinh thần hưởng ứng nhiệt tình đó nên được đáp lại để bà con yên lòng. Chứ cứ hứa hẹn mãi, niềm tin từ phía người dân dần mất đi ít nhiều” - ông Tân chia sẻ.

Lý giải về nguyên nhân chậm chi trả đền bù cho người dân, ông Nguyễn Văn Lanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Nông Sơn cho rằng, tháng 10.2013, mới khởi động dự án, đến cuối năm thì lũ liên tiếp xảy ra. Năm 2014, thời điểm triển khai dự án, Luật Đất đai vừa có hiệu lực (từ 1.7.2014) và phải chờ đợi các văn bản hướng dẫn thi hành khác nên gây ra sự chậm trễ. Lãnh đạo chính quyền địa phương cũng phân trần, do lúng túng trong áp dụng giao thời giữa Luật Đất đai cũ và mới năm 2013. Với Luật Đất đai cũ, chính quyền sẽ triển khai áp dụng theo Quyết định số 23/2010/QĐ-UBND do UBND tỉnh ban hành ngày 30.9.2010. Còn với những thay đổi để phù hợp luật mới, thì phải áp dụng theo Quyết định số 43/2014/QĐ-UBND ngày 22.12.2014 của UBND tỉnh. Trong khi các cơ quan của tỉnh chờ thực hiện Quyết định số 43 này, thì cấp chính quyền huyện cũng chờ hướng dẫn, không thể làm theo Quyết định số 23 cũ để chi trả bồi thường cho người dân. Phương án bồi thường hỗ trợ của dự án đã được UBND huyện Nông Sơn phê duyệt vào cuối tháng 7.2015. Đầu tháng 8, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện có công văn gửi UBND tỉnh và chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đề nghị nhanh chóng cấp kinh phí cho đơn vị chi trả cho người dân song đến nay vẫn chưa có kết quả. “Trước sức ép của người dân, tôi buộc phải mang hồ sơ xuống chủ đầu tư và ngành chức năng của tỉnh với nguyện vọng sẽ được giải quyết nhanh nhất quyền lợi chính đáng cho người dân” - ông Lanh cho biết. Trong khi đó, ông Đỗ Xuân Anh - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (chủ đầu tư) lại cho rằng, chậm chi trả cho người dân trách nhiệm thuộc về địa phương. Mặt khác, lỗi do chính quyền thay đổi cán bộ chuyên môn liên tục, chậm phê duyệt phương án đền bù. Vì vậy, ngày 7.8.2015, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã có tờ trình gửi các Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - đầu tư, Văn phòng UBND tỉnh về đề nghị bố trí kế hoạch vốn để thực hiện công tác đền bù và tái định cư, giải phóng mặt bằng đường ĐT 611.

H.LIÊN - H.YÊN - H.PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dự án nâng cấp đường ĐT 611 Nông Sơn - Quế Sơn: Chậm đền bù, hàng trăm hộ dân bức xúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO