Thiếu mặt bằng thi công khiến việc thực hiện dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò tiến triển ì ạch, khó về đích như hạn định.
Vướng mặt bằng
Dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò dài 14km; trong đó đoạn qua địa phận TP.Hội An dài 9,5km và thị xã Điện Bàn dài 4,5km. Hợp đồng xây lắp tính từ ngày 30.7.2020 và dự kiến ngày 5.7.2022 phải hoàn thành (thời gian thực hiện hợp đồng 705 ngày).
Ghi nhận trên công trường, liên danh nhà thầu Công ty CP Đạt Phương và Công ty TNHH Phúc Nam triển khai nạo vét lòng sông trên toàn tuyến, song rất nhiều vị trí chưa thông suốt do mặt bằng bàn giao “da beo”.
Vì vậy, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết, giá trị xây lắp đến giữa tháng 4 mới đạt khoảng 60 tỷ đồng; trong đó thi công cầu Ông Điền chiếm 55,7 tỷ đồng, nạo vét luồng chỉ vỏn vẹn hơn 3,5 tỷ đồng.
Ngoài cầu Ông Điền, dự án còn thi công cầu Nghĩa Tự qua phường Điện Dương (Điện Bàn), song nhà thầu chưa thể làm gì do ách tắc giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư (TĐC) kéo dài.
Giải thích lý do tiến độ xây lắp chưa đạt như mục tiêu đề ra, kỹ sư Trần Văn Duẩn (Công ty CP Đạt Phương) - Chỉ huy trưởng liên danh nhà thầu cho biết, mùa mưa lũ 2020 kéo dài phức tạp đã gây khó khăn đến quá trình thi công, đặc biệt GPMB chậm là nguyên nhân chính.
Phương tiện, trang thiết bị máy móc chuyên dụng tập kết đầy đủ nhưng do chưa có mặt bằng sạch, nên việc xây dựng cầu Nghĩa Tự mới (cách bên phải cầu Nghĩa Tự hiện trạng trên tuyến ĐT607B không xa) bị dậm chân tại chỗ.
Theo chủ đầu tư, dưới lòng sông đoạn qua Hội An mới nạo vét cục bộ để tận dụng nguồn cát làm đường công vụ thi công cầu Ông Điền. Bởi, quá trình nạo vét những vị trí khác có một số hộ nuôi trồng, khai thác thủy sản gây khó dễ và đòi hỗ trợ với lý do dự án triển khai nên họ phải ngừng nuôi, hoặc kiến nghị có chính sách hỗ trợ ổn định đời sống.
Tích cực tháo gỡ
Theo Quyết định số 3259/QĐ-UBND ngày 31.10.2018 của UBND tỉnh, dự án nạo vét sông Cổ Cò có tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp chiếm 515,4 tỷ đồng; chi phí bồi thường, GPMB là 237,8 tỷ đồng và các chi phí khác. Cầu Ông Điền có tĩnh không thông thuyền 30X6m, chiều dài 242,4m và khổ cầu rộng 20,5m. Cầu Nghĩa Tự dài 189,2m, khổ cầu rộng 12,5m và tĩnh không thông thuyền 30X6m.
Theo chủ đầu tư, đoạn nạo vét luồng sông Cổ Cò qua Hội An còn một số hộ chưa thống nhất nhận bồi thường. Dù nằm ngoài vệt GPMB, nhiều hộ nuôi tôm cho rằng việc nạo vét ảnh hưởng đến nguồn nước, nên kiến nghị hỗ trợ để dừng nuôi trong thời gian chờ thực hiện dự án.
Thu hồi đất lúa phát sinh so với kế hoạch đăng ký sử dụng đất, do vậy phải điều chỉnh đăng ký kế hoạch sử dụng đất năm 2021.
Phường Điện Dương (Điện Bàn) có 90 thửa đất nằm giáp ranh dự án Khu dân cư thôn 1 không xác định được đã bồi thường hay chưa vì hồ sơ lưu trữ trước đây bị thất lạc.
Trong khi đó, 60 hộ đã phê duyệt phương án GPMB nhưng từ chối nhận tiền với nhiều lý do như giá thấp, thiếu diện tích, đòi chuyển đổi nghề nghiệp đối với đất địa phương quản lý, sai lệch do chỉnh lý bìa đỏ ở dự án khác…
Ngày 30.7.2020 chủ đầu tư đã thông báo khởi công cầu Nghĩa Tự, vậy mà hơn 8 tháng trôi qua vẫn chưa có mặt bằng để xây dựng vì mãi loay hoay tìm “lối ra” TĐC cho hộ dân bị giải tỏa. Được biết, Điện Bàn sớm triển khai GPMB cầu Nghĩa Tự khi có quyết định phê duyệt dự án.
UBND tỉnh có công văn chỉ đạo, Sở Xây dựng có văn bản hướng dẫn thực hiện các thủ tục pháp lý điều chỉnh quỹ đất công cộng, đất thương mại dịch vụ sang đất ở để bố trí TĐC. Qua gần 2 năm triển khai, đến nay mới thực hiện xong ở 4 vị trí đất riêng lẻ ven các tuyến giao thông ĐT607B, ĐT603B (15 lô đất), dự kiến bàn giao trong qúy II.2021.
Đất TĐC còn thiếu sẽ lấy từ các khu đô thị, các khu dân cư trong khu vực nhưng lại gặp vướng mắc khi xin chủ trương chuyển đổi từ quỹ đất dịch vụ thương mại, đất công cộng sang đất TĐC.
Nạo vét sông Cổ Cò khi hoàn thành sẽ giải quyết bài toán lưu thông bằng đường thủy, chia sẻ lưu lượng phương tiện trên một số tuyến đường bộ trọng điểm vùng đông đang quá tải, giảm thiểu va chạm giao thông. Công trình đưa vào khai thác sẽ là động lực phát triển kinh tế - xã hội, phát triển hạ tầng đô thị, bất động sản và phát triển du lịch ven sông, ven biển.
Với tầm quan trọng như vậy, việc GPMB phục vụ dự án cần được các đơn vị liên quan tập trung gỡ. Mới đây, chủ đầu tư kiến nghị TP.Hội An thông báo, vận động các hộ dân nuôi trồng thủy sản, nuôi cá lồng bè thu hoạch sản phẩm, thu dọn hiện trường, bàn giao mặt bằng thi công; không tiếp tục nuôi, trồng ở luồng sông trong thời gian nạo vét; đồng thời giải quyết kịp thời các kiến nghị của các hộ dân theo quy định. Điện Bàn cần sớm trình phương án TĐC cầu Nghĩa Tự để các cơ quan thẩm quyền xem xét, chấp thuận chủ trương.
Cùng với đó, các đơn vị liên quan sớm cung cấp hồ sơ 90 thửa đất giáp ranh dự án Khu dân cư thôn 1 để có cơ sở lập phương án bồi thường. Ngoài ra, phường Điện Dương cần thông báo, vận động các hộ dân không tái nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp trong phạm vi nạo vét.