Chiều 13.10, Sở TN-MT tổ chức họp báo thông tin về dự án Nhà máy thép Việt - Pháp đầu tư tại huyện Nam Giang. Tham dự buổi họp báo có đại diện các ngành chức năng của tỉnh, chính quyền huyện Nam Giang, lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà khoa học và hàng chục nhà báo đại diện cho các cơ quan, thông tấn báo chí trung ương và địa phương.
|
Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Thạch - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP.Đà Nẵng phát biểu tại cuộc họp báo. |
Theo Sở TN-MT, xuất phát từ nhu cầu phát triển đô thị thị xã Điện Bàn, Cụm công nghiệp và dịch vụ Thương Tín 1 (xã Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn) gần khu dân cư sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và không được sự đồng tình ủng hộ của người dân địa phương nên UBND tỉnh đã yêu cầu chính quyền địa phương và Công ty TNHH Thép Việt - Pháp khảo sát lựa chọn địa điểm để di dời nhà máy. Trên cơ sở này, Nhà máy thép Việt - Pháp đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (TĐMT) với quy mô 180 nghìn tấn/năm tại thôn Hoa - thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang). Các chuyên gia có kinh nghiệm về môi trường trong hội đồng thẩm định đã thống nhất thông qua TĐMT nhưng đề nghị cần bổ sung về các phương án giải phóng mặt bằng, phương án di dân, khảo sát nguồn nước cấp tại khe suối gần dự án. Bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN-MT khẳng định, nguyên liệu chính đầu vào của nhà máy là sử dụng sắt thép phế liệu để nấu, không sử dụng quặng; sử dụng lò điện cảm ứng biến đổi điện năng thành nhiệt năng để nấu chảy nguyên liệu sản xuất ra phôi thép nên chủ yếu phát sinh ra bụi, khí thải.
Nhiều câu hỏi được các phóng viên báo chí quan tâm như tại sao đưa Nhà máy thép Việt - Pháp lên miền núi mà không ở các khu công nghiệp dưới đồng bằng; có hay không ô nhiễm môi trường từ việc chôn lấp xỉ sắt thải dưới lòng đất; quy hoạch phát triển loại công nghiệp nặng (sắt, xi măng) ở thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang) có phù hợp với quy hoạch và dự án có lấy ý kiến rộng rãi từ người dân hoặc vùng hạ du sông Vu Gia có bị ảnh hưởng nguồn nước hay không... Ở góc nhìn khoa học, tiến sĩ Huỳnh Ngọc Thạch - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP.Đà Nẵng khẳng định, việc đưa nhà máy lên thôn Hoa - Thành Mỹ là phù hợp với định hướng phát triển bền vững loại hình công nghiệp sắt thép, đồng thời vừa đạt được mục đích phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Tại TP.Đà Nẵng, thời điểm này ít nhất có 4 nhà máy hoạt động tương tự Nhà máy sản xuất thép Việt - Pháp. Doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong khu dân cư hàng chục năm nay vì có giải pháp bảo vệ môi trường, kiểm soát tiếng ồn, bụi rất tốt. Tiến sĩ Thạch thông tin, bất cứ dự án thép nào cũng đều tác động đến môi trường. Vấn đề ở chỗ mức độ ảnh hưởng nằm trong giới hạn cho phép của pháp luật về bảo vệ môi trường. Công nghệ của Nhà máy thép Việt - Pháp ở mức độ trung bình khá (để ra 1 tấn sắt thép tiêu hao điện năng khoảng 450 - 500kWh) nhưng quy mô công suất của nhà máy không lớn và hoàn toàn kiểm soát được môi trường. “Nước thải sản xuất chỉ tham gia tuần hoàn tái sử dụng làm mát thiết bị và sản phẩm thép, hoàn toàn không xả ra môi trường” - Tiến sĩ Thạch quả quyết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Quang - Chánh Văn phòng UBND tỉnh khẳng định, riêng dự án này xét thấy hoàn toàn không ảnh hưởng đến nguồn nước sông Vu Gia, đến vùng hạ du, có cả TP.Đà Nẵng nhưng khi UBND TP.Đà Nẵng có ý kiến thông tin về dự án, tỉnh Quảng Nam cũng có văn bản phúc đáp rõ ràng. “Việc cung cấp thông tin của các cơ quan chức năng thời gian qua không thống nhất nên dễ hiểu nhầm, dẫn đến tâm lý lo lắng cho người dân. Cho nên cuộc họp báo này cũng để giải tỏa mọi thắc mắc. Tinh thần của tỉnh là đồng hành với doanh nghiệp, khi có đánh giá đầy đủ về báo cáo TĐMT, tỉnh sẽ xem xét quyết định” - ông Quang nói. Còn về dự án có được người dân thôn Hoa ủng hộ hay không, theo ông A Viết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, ban đầu khi lấy ý kiến của các hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án, họ băn khoăn nhất là về chính sách bồi thường, tái định cư và đất sản xuất nơi ở mới. Thế nhưng, đến nay 17 hộ dân đã đồng ý di dời, họ ký cam kết rõ ràng với chính quyền địa phương. Bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN-MT khẳng định, trước khi khởi công nhà máy, hội đồng thẩm định sẽ đánh giá chặt chẽ báo cáo tác động môi trường và lấy ý rộng rãi của người dân trong vùng bị ảnh hưởng dự án. Riêng xỉ sắt thải được xác định không phải chất thải nguy hại nên không việc gì phải lo lắng. Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Thép Việt - Pháp cam kết, doanh nghiệp sẽ đầu tư công nghệ tiên tiến, chấp hành các quy định về thuế, bảo vệ nghiêm ngặt môi trường nên rất cần chính quyền và các cơ quan báo chí ủng hộ.
TRẦN HỮU