Dự án nước sạch cấp nước… không sạch

HỮU PHÚC 27/02/2014 10:07

Gần một năm nay, người dân dọc sông Trường Giang qua huyện Núi Thành rất phấn khởi vì được Nhà nước đầu tư, đưa vào vận hành công trình nước sạch trị giá tiền tỷ. Thế nhưng, nhiều người dân bức xúc khi phải bỏ tiền ra mua nước bẩn sinh hoạt hằng ngày.

“Có nước cũng như không”

Vì sống chung với nguồn nước nhiễm mặn từ sông Trường Giang nên gần 1.000 hộ dân trên địa bàn xã Tam Xuân 2, Tam Xuân 1 (Núi Thành) đành phải bỏ tiền ra mua nước sạch ở các vùng lân cận. Trên địa bàn xã Tam Xuân 2 có  2 công trình nước sạch cung cấp cho nhân dân vùng đông do tổ chức Đông Tây hội ngộ đầu tư vận hành lâu nay nhưng vì công suất nhỏ nên dân hưởng lợi còn hạn chế. Cử tri nhiều lần phản ánh nguyện vọng có được nguồn nước hợp vệ sinh, mong muốn Nhà nước đứng ra đầu tư, nhân dân sẽ đóng góp một phần.

Dù có hệ thống đường ống dẫn về nhưng nhiều người dân vùng đông xã Tam Xuân vẫn “tẩy chay” không sử dụng, chấp nhận mua nước từ vùng khác về sử dụng. Ảnh: H.P
Dù có hệ thống đường ống dẫn về nhưng nhiều người dân vùng đông xã Tam Xuân vẫn “tẩy chay” không sử dụng, chấp nhận mua nước từ vùng khác về sử dụng. Ảnh: H.P

Mong mỏi của người dân đã thành hiện thực khi năm 2012, hệ thống công trình nước tự chảy thôn Bà Bầu, An Khuông, tuyến nhánh N1, N2 đã khởi công tại Thạch Kiều (xã Tam Xuân 2). Chủ đầu tư là Sở NN&PTNT (đơn vị thực hiện là Trung tâm Nước sạch và tư vấn thủy lợi Quảng Nam). Tổng vốn đầu tư các hạng mục 7,8 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước chiếm 60%, nhân dân 40%. Giữa năm 2013, dự án chính thức đưa vào vận hành. Những ngày đầu, phần lớn người dân vui mừng bỏ tiền mua sắm, tu bổ lại hệ thống đường ống cũ, đăng ký sử dụng nước sạch lâu dài. Không ngờ qua vài tháng đóng tiền, dân rơi vào cảm giác thất vọng. Hộ ông Mai Văn Năng (tổ 4, thôn Vĩnh An, xã Tam Xuân 2) đã từng bỏ tiền trang bị đường ống, vòi nước máy. Mỗi tháng gia đình sử dụng 6 - 7m3 nước (theo đơn giá 4,5 nghìn đồng/m3). Điều làm ông bức xúc là giá nước đơn vị chủ quản tính chẳng thua gì các nhà máy cung cấp nước sạch ở các khu vực đô thị, nhưng chất lượng nước thì rất tệ. “Mỗi khi có mưa xuống, nước máy đục như nước cơm, vị mặn, có mùi hôi của rong rêu. Khi nhà máy lọc thì nước mới trong, chứ thông thường đục lắm. Mang tiếng là nước của hệ thống hợp vệ sinh nhưng toàn bộ dân chúng tôi chỉ dùng để rửa ráy, tắm giặt, còn nấu nướng phải mua nguồn nước từ các nơi khác về” – ông Năng nói.

Theo quan sát của chúng tôi, tại làng Vĩnh An bên cạnh những vòi nước trang bị lắp đặt cố định, người dân còn mua bồn nước dung tích 500 lít để chứa nước sạch mua từ nơi khác về. Nắm được khát khao nước sạch của người dân, tại làng đã ra đời dịch vụ vận chuyển nước uống di động với giá bán 60 nghìn đồng/thùng 500 lít. Không chịu cảnh hằng tháng “bấm bụng” bỏ tiền ra mua nước nhưng không uống được, gia đình ông Năng và cả trăm hộ khác thôn Vĩnh An đã quyết định không sử dụng nước máy từ trước Tết Nguyên đán đến nay. Tương tự, tại các thôn An Khuông, Tân Thuận, Phú Khuê Đông, Bà Bầu (Tam Xuân 2), nguồn nước từ dự án nước sạch dẫn về người dân cũng không thể nấu uống được. Bà Mai Thị Hà (thôn An Khuông) nói: “Có hệ thống nước sạch về mà cũng như không, dân tôi trả tiền như các nơi khác nhưng chịu thiệt thòi vì thường xuyên dùng nguồn nước bẩn. Hễ có mưa xuống, nước đục, mùi tanh dữ lắm”.

Chính quyền cũng bức xúc

Trước phản ánh của người dân về tình trạng “không sạch” của hệ thống nước sạch, chính quyền xã Tam Xuân 2 đã phát đi nhiều văn bản gửi đến các ngành có liên quan nhằm bàn cách giải quyết. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Tấn Đồng – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2, đến nay mọi việc vẫn chưa được khắc phục, chủ đầu tư chưa có động thái tích cực. Ông Đồng cho biết, những ý kiến của người dân là hoàn toàn xác đáng. Ngay tại trụ sở UBND xã cũng không dám lấy nước sử dụng từ hệ thống nước sạch đầu tư tại thôn Thạch Kiều (xã Tam Xuân 2) vì chất lượng nước kém.

Theo ông Đồng, địa điểm công trình nước sạch đặt tại thôn Thạch Kiều là không phù hợp, quá gần với nước mặn. “Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế báo cáo đánh giá tác động môi trường đã không tính hết. Nguồn nước dẫn về cho dân không đảm bảo vệ sinh, trong khi việc đầu tư trang thiết bị, công nghệ thiếu đồng bộ. Dự án đến thời điểm hiện tại phát huy kém hiệu quả, gây bức xúc cho người dân” – ông Đồng khẳng định. Chúng tôi thắc mắc “sao trước đây chính quyền, người dân không tham gia ý kiến về địa điểm xây dựng trạm bơm nước?”, ông Đồng cho rằng địa phương từng kiến nghị đầu tư công trình tại bến đò Tam Xuân 2 đi Tam Sơn cũ, lấy nước từ lòng hồ Phú Ninh nhưng chủ đầu tư không nghe vì đưa ra lý do… thiếu kinh phí.

Chủ đầu tư nói gì?

Hệ thống nước tự chảy thôn Bà Bầu, An Khuông – xã Tam Xuân 2 có công suất đủ cung cấp cho hơn 800 hộ dân trên địa bàn xã sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Giai đoạn đầu có khoảng 400 hộ đăng ký sử dụng nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều trường hợp đã không sử dụng nước máy.

Giải thích chất lượng nguồn nước kém, ông Lê Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và tư vấn thủy lợi Quảng Nam cho biết, công trình đã sử dụng vốn của chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư, sử dụng lại phần lớn đường ống trước đây của hệ thống hạng mục cũ do tổ chức Đông Tây hội ngộ tài trợ đầu tư. Một thời gian dài, chất lượng nước không tốt là do đường ống cũ, một số đoạn bị hư hỏng gây nên tình trạng bùn đất bu bám. Mặt khác, đơn vị chưa lường hết việc nhiễm mặn xâm nhập. “Phải có thời gian chúng tôi mới cải thiện được nguồn nước. Hiện, việc thi công mở rộng quốc lộ 1 đã khiến đường ống dẫn nước bể nát, nhiều khu vực không đưa được nước đến. Đơn vị tính toán mở lại tuyến ống mới. Về vận hành công trình, mỗi khi bơm nước lên chúng tôi đều sử dụng hóa chất lọc đảm bảo hợp vệ sinh” – ông Dũng nói. Và cũng theo chủ đầu tư, ý thức sử dụng nước máy của người dân khu vực nông thôn chưa tốt, “tiết kiệm” quá mức nên việc thu tiền nước thấp hơn tiền điện phục vụ, dẫn đến hệ lụy kinh doanh gặp khó.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong phê duyệt báo cáo kỹ thuật mang tên “hệ thống nước tự chảy thôn Bà Bầu, An Khuông (xã Tam Xuân 2)”, nhưng thực chất đây chẳng khác gì nhà máy cung cấp nước sạch, với đơn giá được UBND tỉnh phê duyệt rõ ràng. Chủ đầu tư không thể biện minh cho các hạng mục trước đây xuống cấp, hư hỏng, hoặc chưa lường hết những yếu tố khách quan mà đẩy sự thiệt thòi về quyền lợi, đe dọa sức khỏe cho người dân.

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dự án nước sạch cấp nước… không sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO