Là thiên đường du lịch nổi tiếng toàn cầu nhưng có nguy cơ bị nhấn chìm vì nước biển dâng, Maldives quyết định xây dựng thành phố nổi trong một đầm phá rộng 200ha và sử dụng năng lượng tái tạo.
Dự án thành phố nổi Maldives sẽ được khởi động vào năm tới. Theo các chuyên gia, sự phát triển như vậy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu như Maldives, nơi có quần đảo san hô tuyệt đẹp ở Ấn Độ Dương.
Maldives chống lại tác động của biến đổi khí hậu với dự án nổi thân thiện môi trường, không có tiếng ồn và khói thải ô tô. Ở đó, hàng nghìn ngôi nhà sẽ được xây dựng trên các thiết kế cấu trúc cụm san hô lục giác và được chính phủ hỗ trợ đầy đủ, dựa trên khung pháp lý và giấy chứng nhận quyền sở hữu cho chủ sở hữu. Diện tích thành phố nổi Maldives rộng khoảng 200ha.
Quốc đảo xinh đẹp Maldives nằm ở khu vực châu Á, nổi tiếng như một câu chuyện thành công trong lĩnh vực du lịch, bất chấp khó khăn của đại dịch Covid-19. Với dân số chỉ vỏn vẹn khoảng 530.000 người, nhưng mỗi năm Maldives đón tới 1,7 triệu lượt khách. Do đó, du lịch là một trong những trụ cột kinh tế của quốc đảo.
Maldives cũng là một trong những quốc gia đầu tiên mở cửa hoàn toàn trong Covid-19, đang dẫn đầu trong cuộc đua đón khách quốc tế với hộ chiếu vắc xin. Tuy vậy, theo Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), Maldives lại có địa hình thấp nhất trên thế giới với độ cao trung bình chỉ hơn 1m so với mực nước biển. Do đó, Maldives hay nhiều thành phố khác trên thế giới sẽ “không thở được” vào năm 2050 vì nước biển dâng - hệ quả của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Dự án thành phố nổi Maldives dựa trên văn hóa địa phương của quốc gia, từ cảm hứng nền văn hóa yêu biển truyền thống của quốc đảo. Người dân Maldives có mối quan hệ chặt chẽ với biển, vì vậy cuộc sống trên mặt nước phù hợp với văn hóa và lịch sử của họ.
Nằm cách thủ đô và sân bay quốc tế Male chỉ 10 phút đi thuyền, thành phố nổi Maldives sẽ là một thành phố năng động, người dân có lối sống lành mạnh, linh hoạt, với hệ thống lưới điện thông minh sử dụng năng lượng tái tạo, đồng thời sử dụng các công nghệ phát triển bền vững, sáng tạo để bảo vệ, bảo tồn và tăng cường hệ sinh thái biển nguyên sơ.
Thành phố nổi Maldives được thiết kế bởi Dutch Docklands có trụ sở tại Hà Lan - công ty dẫn đầu toàn cầu về thiết kế xây dựng cơ sở hạ tầng nổi, hiện có dự án thiết kế nổi tại nhiều quốc gia. Cũng chính những rạn san hô thu hút các nhà du lịch nghỉ dưỡng là nguồn cảm hứng cho phần lớn dự án thành phố nổi Maldives.
Theo đó, thành phố sẽ được xây dựng thành hệ thống các hình lục giác giống như tổ ong, kết nối với các đảo bao quanh đầm phá đóng vai trò như rào chắn, làm giảm tác động của sóng đầm phá và ổn định các cấu trúc trên bề mặt. Bởi vậy, thành phố đảo đầu tiên này có một cách tiếp cận mang tính cách mạng đối với cuộc sống bền vững hiện đại dựa trên khung cảnh xanh tươi Ấn Độ Dương.
Cựu Tổng thống và hiện là Chủ tịch Quốc hội Maldives - ông Mohamed Nasheed cho biết: “Thành phố nổi Maldives không yêu cầu cải tạo đất nên không ảnh hưởng đến đến các rạn san hô tự nhiên”. Ngoài ra, mạng lưới các cây cầu, kênh đào và bến tàu sẽ cung cấp khả năng tiếp cận qua các phần khác nhau và kết nối các ngôi nhà, các cửa hàng, nhà ở, bệnh viện, trường học… và dịch vụ trên khắp thành phố nổi này.