Các hạng mục đầu tư, xây dựng cuối cùng dự án Nhà máy thủy điện Sông Tranh 4 đã hoàn tất, chờ ngày tích nước phát điện. Thế nhưng, đến nay 30 hộ dân nằm trong phạm vi thu hồi đất của dự án thuộc huyện Tiên Phước và Hiệp Đức vẫn chưa chịu nhận tiền bồi thường (BT), hỗ trợ (HT) bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh đầu năm nay, vào phút cuối UBND tỉnh bắt buộc rút Tờ trình xin chuyển đất rừng sang mục đích khác để xây dựng dự án thủy điện Sông Tranh 4 trên địa bàn huyện Hiệp Đức và Tiên Phước.
Trước đó, ngày 13.10.2020, Công ty CP Thủy điện Sông Tranh 4 có Tờ trình số 425 đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Trong đó, diện tích rừng trồng thuộc quy hoạch rừng sản xuất đề nghị xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng là 33,7ha với hiện trạng là rừng sản xuất và rừng trồng. Để tìm hiểu thêm về dự án này, ngày 2.3, Đoàn công tác Tỉnh ủy do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra thực địa và làm việc với chủ đầu tư.
Rắc rối đo đạc hồ sơ đất đai
Dự án Nhà máy thủy điện Sông Tranh 4 nằm trên địa bàn các xã Quế Lưu và Thăng Phước (Hiệp Đức) và xã Tiên Lãnh (Tiên Phước) có công suất lắp máy 48MW. Theo Công ty CP Thủy điện Sông Tranh 4 (chủ đầu tư), tính đến ngày 14.9.2020, dự án điều chỉnh 7 lần Giấy chứng nhận đầu tư, bắt đầu thi công đầu năm 2017 đến nay đã hoàn thành 100% các hạng mục chính (gồm đập tràn, đập dâng, nhà máy).
Ông Lê Xuân Long - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Tranh 4 nói: “Dự án đã được Sở Công Thương kiểm tra công tác nghiệm thu, quản lý chất lượng và xác định đủ điều kiện đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thời điểm này vướng mắc còn lại nằm ở công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), lập thủ tục pháp lý chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng”.
Chủ đầu tư cho biết, hiện còn 30 hộ dân chưa đồng ý với phương án GPMB đã được phê duyệt để bàn giao mặt bằng cho dự án. Trong đó, Tiên Phước còn 27 hộ dân với hơn 16,2ha; Hiệp Đức chưa thu hồi đất của 3 hộ dân với gần 2ha. Tại huyện Tiên Phước, đến đầu tháng 3.2021 đã tiến hành chi trả BT 6,3 tỷ đồng cho 113 hộ dân trong tổng số 140 hộ bị ảnh hưởng; còn 27 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền dù đã được các cấp chính quyền, đơn vị BT tuyên truyền vận động, giải thích đối thoại nhiều lần.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Nguyễn Hùng Anh cho biết, có nhiều nguyên nhân chậm GPMB. Trong đó, một số hộ dân đưa ra ý kiến giá BT thấp; cây trồng vượt mật độ cho phép; các trường hợp yêu cầu giữ nguyên diện tích đất theo hồ sơ giải thửa năm 2018 nên chưa đồng ý nhận tiền bàn giao mặt bằng. Rắc rối của huyện Tiên Phước nằm ở các hồ sơ giải thửa.
Từ năm 2018, chủ đầu tư phối hợp với đơn vị tư vấn đo đạc thực hiện trích đo địa chính và được Sở Tài nguyên - Môi trường phê duyệt tháng 12.2018, làm cơ sở để BT - HT, tái định cư. Sau đó, cuối năm 2019, sở này đã phê duyệt chỉnh lý đối với 13/14 mảnh trích đo địa chính phục vụ công tác BT - HT, GPMB dự án thủy điện Sông Tranh 4. Theo cơ sở này, UBND huyện Tiên Phước đã phê duyệt phương án BT - HT, tái định cư cho 140 hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng và đã chi tiền BT cho 113 hộ.
“Các hộ còn lại chưa đồng ý với phương án được phê duyệt và có đơn kiến nghị không thống nhất với kết quả đo đạc chỉnh lý của đơn vị tư vấn. Lý do trong quá trình đo đạc chỉnh lý không có sự tham gia của các chủ sử dụng đất để xác định ranh giới, mốc giới. Việc đo đạc năm 2019 giảm diện tích so với kết quả đo đạc năm 2018 mà không thông báo lý do giảm cho các chủ sử dụng đất và các chủ sử dụng đất không xác nhận vào kết quả đo đạc” - ông Anh nêu vướng mắc.
Cũng theo chính quyền huyện Tiên Phước, khó khăn còn ở xác định mục đích sử dụng đất theo hiện trạng sử dụng đối với nhiều vị trí chưa phù hợp với thực tế. Nhiều thửa đất trồng cây keo nhưng nằm trong khu vực có địa hình bằng phẳng, liền kề với đất trồng các loại cây hàng năm, cây lâu năm của nhân dân như sắn, bắp, đậu… nhưng đo đạc xác định mục đích sử dụng là đất rừng sản xuất là không phù hợp.
Thống nhất cao trong giải quyết
Tham gia phát biểu ý kiến tại buổi làm việc của Đoàn công tác Tỉnh ủy sáng 2.3, đại diện chính quyền huyện Hiệp Đức và Tiên Phước cho rằng, sẽ tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào tổ chức đối thoại, vận động với các hộ dân lần cuối. Với các trường hợp không chấp hành bàn giao mặt bằng, địa phương sẽ lập thủ tục hồ sơ cưỡng chế thu hồi đất. Nói về lý do kéo dài thời gian GPMB, ở huyện Tiên Phước - Nguyễn Hùng Anh cho biết, địa phương làm chặt chẽ và thận trọng, trải qua lộ trình giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật; vì vậy biện pháp cuối cùng sẽ cưỡng chế nếu các trường hợp không chấp hành.
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, diện tích rừng trồng thuộc quy hoạch rừng sản xuất đề nghị xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng là 33,7ha với hiện trạng là rừng sản xuất và rừng trồng. Theo quy định, HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Việc chuyển đổi đất rừng ở dự án thủy điện Sông Tranh 4 phù hợp với quy hoạch, sử dụng đất. “Sau khi có chủ trương chuyển đổi mục đích rừng, chủ đầu tư cần triển khai trồng bù rừng thay thế theo quy định” - ông Tích lưu ý.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, thủy điện Sông Tranh 4 không chặn dòng, tận dụng khai thác được tài nguyên mà không gây tác động môi trường. Đối với diện tích rừng sản xuất người dân đã thu hoạch hết, nên bây giờ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất rừng chỉ mang tính thủ tục, theo quy định của pháp luật. Cho nên, cần tạo sự thống nhất đồng thuận cao trước khi HĐND tỉnh xem xét, thông qua.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nhấn mạnh, không lý do gì không ủng hộ dự án thủy điện Sông Tranh 4 đang hoàn thành cơ bản khối lượng các hạng mục đầu tư xây dựng. Chủ dự án đã hoàn thành khối lượng GPMB 96%; chỉ còn lại 4% chưa bàn giao mặt bằng.
“Do đó, 2 địa phương Tiên Phước và Hiệp Đức phải khẩn trương giải quyết dứt điểm GPMB; tiếp tục tổ chức vận động, đối thoại với các hộ dân chưa đồng ý nhận tiền BT. Việc cưỡng chế chỉ là cuối cùng, bất khả kháng. Tuy nhiên, chủ đầu tư cũng không vì chạy theo tiến độ dự án mà “phá lệ” trong chính sách BT - HT, tạo tiền lệ tiêu cực cho các dự án về sau. Quan điểm của Tỉnh ủy, các ngành chức năng của tỉnh là ủng hộ rất cao, tạo điều kiện tối đa để dự án sớm đưa vào phát điện, thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý còn lại. Do đó, những vướng mắc, khó khăn, đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp giúp đỡ, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng lưu ý.