Làm gì để văn hóa song hành cùng sự phát triển của cơ sở hạ tầng cũng như phù hợp với đời sống người dân khi tiến hành xây dựng nông thôn mới? Một cuộc gặp giữa chính quyền, các ngành và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã đưa ra những hướng đi thích hợp và dài lâu để văn hóa không bị “lạc lõng” trong cuộc phát triển này.
Khảo sát thực tế mô hình “Sân chơi trẻ em” ở thôn Uất Lũy (xã Điện Minh, Điện Bàn).Ảnh: LÊ TÂM |
Dự án “Xây dựng năng lực và hỗ trợ thí điểm hoạt động văn hóa dựa vào cộng đồng trong phát triển nông thôn tại tỉnh Quảng Nam”, nằm trong thỏa thuận giữa Văn phòng UNESCO tại Việt Nam và Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, triển khai từ tháng 3.2016, đã bước đầu cho hiệu quả.
Phát huy mô hình cộng đồng
Những nhóm mô hình từ sự cộng hưởng của cộng đồng ra đời, với mục tiêu chung là hiện thực hóa các chương trình xây dựng đời sống văn hóa cấp cơ sở của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Dễ hiểu hơn, những nhóm mô hình này đóng vai trò “thử nghiệm” để về lâu dài, ở mỗi địa phương khi đặt mục tiêu xây dựng nông thôn, sẽ có kế sách để đời sống văn hóa của người dân phù hợp với tốc độ phát triển của đời sống xã hội, khi họ là công dân của “nông thôn mới”. Đã có 12 mô hình hoạt động văn hóa cơ sở dựa vào cộng đồng trong phát triển nông thôn được thực hiện tại 12 thôn ở 6 xã, gồm Điện Tiến, Điện Minh (Điện Bàn); Tam Thái, Tam Phước (Phú Ninh); Lăng và A Nông (Tây Giang), được coi như những mô hình bước đầu để các địa phương tiếp tục theo đó xây dựng.
Nhóm mô hình “Sân chơi trẻ em” tại các thôn Trung Phú 2 và thôn 4 Châu Bí (xã Điện Tiến), Uất Lũy, Kỳ Phú (xã Điện Minh, Điện Bàn), Aró (xã Lăng, Tây Giang) được đánh giá cao vì đã tạo ra môi trường thu hút được trẻ em trong độ tuổi đến hoạt động vui chơi. Với các vùng quê, từ đồng bằng đến miền núi, thiếu nhi đều thiếu thốn sân chơi. Cùng sự hợp lực từ cộng đồng, những sân chơi được tạo dựng đã giúp trẻ em rèn luyện thể lực, trí lực, kỹ năng giao tiếp hòa nhập cộng đồng. Đồng thời tạo hứng thú với những trò chơi dân gian truyền thống cho trẻ em. Cùng hướng này, là nhóm mô hình “Tủ sách cộng đồng” và “Cà phê sách” thực hiện tại 2 thôn Khánh Thịnh và Cẩm Khê của xã Tam Phước (Phú Ninh). Ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Phước cho biết, những mô hình này đã có hiệu ứng tích cực đến mọi tầng lớp người dân. Không chỉ riêng cho các em học sinh, các mô hình còn giúp ích cho bà con nông dân trên địa bàn có điều kiện tiếp cận với các thông tin về mô hình phát triển sản xuất, tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng cho sản xuất, tạo ra nhiều nông sản đa dạng thích ứng với điều kiện của địa phương, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn.
Với các nhóm mô hình “Dệt thổ cẩm và đan lát truyền thống” thực hiện tại 3 thôn Arớt, Anoonh và Pơrning xã A Nông (Tây Giang) đã tạo cơ hội tốt để bà con phát huy nghề nghiệp truyền thống của địa phương. Chị Alăng Thị Kim, thôn Arớt, chia sẻ: “Sau khi được tư vấn từ chương trình, thôn đã xây dựng mô hình điểm về nghề dệt để nhân rộng ra các địa phương, huy động chị em phụ nữ tham gia và từ đó tạo thu nhập cho gia đình”. Theo chị Kim, hiện tại trên địa bàn xã đã có 7 nhóm dệt của chị em, do một số nghệ nhân truyền dạy. Ngoài nhóm này, còn có nhóm mô hình “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp” thực hiện tại 2 thôn Xuân Diệm (Điện Tiến, Điện Bàn) và Khánh Thọ (xã Tam Thái, Phú Ninh). Hiệu quả mô hình này đem lại là tạo diện mạo mới cho xã nông thôn mới, góp phần duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường, an ninh trật tự…
Cần duy trì và nhân rộng
Tại hội nghị giữa các bên và đại diện những địa phương tham gia dự án vừa diễn ra tại thị xã Điện Bàn, bên cạnh những hiệu quả đạt được, nhiều khó khăn cũng đã được nhận diện. Ngoại trừ đặc thù của từng nhóm mô hình với điều kiện địa lý của địa phương, vẫn còn đó ý thức chưa tốt của người dân khi tham gia vào mô hình. Tính hình thức, nặng nề về phong trào cũng như tâm lý ỷ lại vào dự án, vẫn còn gặp ở nhiều địa phương. Để tháo gỡ những vướng mắc này, đòi hỏi một lộ trình và phương pháp tuyên truyền hợp lý. Ông Lê Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhìn nhận: “Các mô hình như “Cà phê sách”, “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp” hay việc bảo vệ các trò chơi dân gian truyền thống cần được gìn giữ. Những nghệ nhân ở làng nghề tạo ra sản phẩm truyền thống nhưng phải gắn với thị trường. Qua đây, tôi mong muốn đại diện phía UNESCO tạo điều kiện, tìm giúp đầu ra cho các sản phẩm truyền thống. Tiếp tục hỗ trợ, duy trì để dự án được nhân rộng”.
Bà Susan Vize - quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam chia sẻ: “Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã cùng với UNESCO thực hiện dự án xây dựng năng lực và hỗ trợ thí điểm các hoạt động văn hóa dựa vào cộng đồng trong phát triển nông thôn. Những thí điểm đã cho kết quả như hôm nay, có thể thấy đời sống của người dân phong phú như thế nào, cần được phát triển và nâng cao”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh thông tin, năm 2016 Quảng Nam có 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới, cấp huyện có Phú Ninh và Điện Bàn. Phong trào nông thôn mới được khởi động từ năm 2010, ngoài sự vào cuộc của người dân thì tỉnh còn có sự hỗ trợ của các cơ quan quốc tế như FAO, UNESCO. “Dự án xây dựng năng lực và hỗ trợ thí điểm hoạt động văn hóa dựa vào cộng đồng trong phát triển nông thôn tại Quảng Nam được UNESCO hỗ trợ khởi động từ đầu năm 2016. Sau một thời gian ngắn, các mô hình thí điểm cho thấy kết quả tích cực cần được nhân rộng ra các địa bàn khác trên toàn tỉnh” - ông Thanh nói.
Trong thời gian tới, kế hoạch của dự án sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, các mô hình sẽ được bảo dưỡng, duy tu thường xuyên. Cùng với đó, chính quyền địa phương có kế hoạch hỗ trợ nghệ nhân tiếp tục truyền nghề cho lớp trẻ cũng như hiện đại hóa máy móc để giúp tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế, tiếp tục hỗ trợ quảng bá tiêu thụ sản phẩm… Cùng với đó, từ những hiệu quả của các mô hình ứng dụng tại 12 thôn, sẽ tiếp tục nhân rộng ra các địa phương khác.
LÊ QUÂN - TÂM AN