Sau thời gian “trắc trở” do người dân không đồng tình ủng hộ, đến nay chủ đầu tư dự án xử lý rác thải sinh hoạt xã Quế Cường (Quế Sơn) đã thay đổi công nghệ từ hình thức chôn lấp thủ công sang xây dựng lò đốt.
Buổi lấy ý kiến cán bộ, đảng viên xã Quế Cường về đầu tư dự án xây dựng lò đốt rác xã Quế Cường. |
Những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh “đau đầu” trước vấn nạn ô nhiễm môi trường rác thải sinh hoạt. Lượng rác tăng đột biến trong khi năng lực đáp ứng của các bãi chứa, khu xử lý đang đối mặt với áp lực quá tải. Vì vậy mà chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh là kiên quyết bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường bằng các dự án phát triển. Để cụ thể hóa, ngày 27.12.2016, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Bởi vậy, việc chọn vị trí, địa điểm xây dựng nhà máy bắt buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện, đánh giá báo cáo tác động môi trường, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.
Tổ chức lấy ý kiến người dân
Từ năm 2013, chủ đầu tư (Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam) thuyết minh xây dựng khu chứa và xử lý rác thải xã Quế Cường đã không tạo sự đồng tình ủng hộ cao của người dân bởi công nghệ xử lý còn sơ sài, chưa thuyết phục. Cho nên, UBND tỉnh chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư bằng hình thức lò đốt rác thải sinh hoạt xã Quế Cường. Ngày 11.8.2016, UBND tỉnh phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình lò đốt rác thải sinh hoạt. Sau đó, chủ đầu tư và chính quyền huyện Quế Sơn đã tổ chức truyền thông, phổ biến chủ trương về dự án này đối với các tầng lớp nhân dân, cán bộ đảng viên xã Quế Cương. UBND huyện Quế Sơn phối hợp với Sở Tài nguyên - môi trường tổ chức truyền thông về việc triển khai dự án lò đốt rác thải sinh hoạt tại xã Quế Cường đến đội ngũ cán bộ xã và quân dân chính các thôn trên địa bàn xã. Tại buổi truyền thông này, phần lớn ý kiến đều cơ bản thống nhất và ủng hộ chủ trương xây dựng dự án. Qua đó kiến nghị các cơ quan chức năng thực hiện đúng quy trình công khai, phản biện, kiểm tra giám sát dự án tránh gây tác hại xấu đến môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân, kể cả trước mắt lẫn lâu dài. Ngoài ra, chủ đầu tư và chính quyền địa phương tham vấn nhiều ý kiến của người dân kể cả bị ảnh hưởng thu hồi đất hay không bị thu hồi đất.
Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam Nguyễn Ngọ thông tin, dự án chưa thi công nhưng chủ đầu tư đã tổ chức lấy 5 đợt ý kiến của người dân, đa số đều ủng hộ, chỉ một vài trường hợp chưa đồng thuận. “Đến thời điểm này, dự án đã phổ biến công khai rộng rãi để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, giám sát” - ông Ngọ khẳng định. Theo chủ đầu tư, dự án lò đốt rác thải sinh hoạt xã Quế Cường có công suất xử lý khoảng 60 tấn rác thải/ngày, đêm cho toàn bộ huyện Quế Sơn. Nhà máy này sẽ xử lý rác thải thay thế luôn cho bãi rác duy nhất trên địa bàn huyện tại thôn Lãnh Thượng 1, thị trấn Đông Phú (Quế Sơn) do bãi rác này quá lạc hậu, lại liền kề khu dân cư. Theo chính quyền huyện Quế Sơn, rác thải sinh hoạt trở thành một trong những mối lo ngại, nên địa phương mong muốn dự án sẽ triển khai sớm. Hiện các ngành tích cực tuyên truyền vận động để người dân chấp hành chủ trương chung.
Sử dụng công nghệ như thế nào?
Theo chủ đầu tư, địa điểm dự án sắp xây dựng nằm tại đồi Da Dù (thuộc thôn 3, xã Quế Cường), cách trụ sở UBND xã Quế Cường, Trạm Y tế xã và Trường THCS Quế Cường khoảng 3km về phía đông; cách ngã ba Hương An 5,5km về phía đông bắc và cách trung tâm huyện Quế Sơn khoảng 15km về phía tây. Dự án cách hộ dân gần nhất là 1.080m về phía nam. Vị trí, địa điểm xây dựng nhà máy của dự án đảm bảo khoảng cách an toàn và không có khả năng ảnh hưởng về môi trường đến nhân dân khu vực sinh sống (quy định khoảng cách tối thiểu 500m).
Dự án lò đốt rác sinh hoạt xã Quế Cường do Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam làm chủ đầu tư có quy mô diện tích 15ha. Trong đó, diện tích sử dụng cho các hạng mục phục vụ hoạt động của lò đốt rác thải sinh hoạt là 7.566m2; còn lại là đất để trồng cây xanh bảo vệ môi trường và dự phòng phát triển hơn 14ha. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 43 tỷ đồng gồm vốn ngân sách tỉnh và của doanh nghiệp. |
Quy mô xây dựng nhà xưởng rộng 800m2 chứa 2 lò đốt rác hoàn toàn đều xử lý khép kín. Rác sinh hoạt sau khi được xe chuyên dụng chở về tập kết tại khu vực đặt trong lò đốt và được công nhân tiến hành phân loại rác. Rác thải vận chuyển về lò đốt được các thiết bị tự động đưa rác lên băng chuyền. Băng chuyền sẽ tự động đưa rác lên miệng lò. Tại đây một cơ cấu trục vít đưa rác vào buồng sấy rác. Buồng sấy rác được ngăn cách với buồng đốt bằng 2 cửa vòm. Cửa vòm phía dưới để thu nhiệt từ vùng đốt rác quay ngược trở lại để sấy rác nằm trên ghi lò. Cửa vòm phía trên có tác dụng ngăn hơi nước không đi vào vùng đốt rác làm giảm nhiệt của buồng đốt mà đi thẳng lên trên nóc lò, từ đó hơi nước được dẫn sang xylon để xử lý bụi và khí thải. Như vậy rác được sấy bằng bức xạ nhiệt và luồng khí nóng từ buồng đốt sang đi từ dưới lên. Sau khi được sấy khô, rác lần lượt được đẩy vào buồng đốt rác. Tại đây rác được bắt lửa tiếp tục cháy nâng nhiệt độ trong lò, đồng thời cung cấp nhiệt cho các tấm bức xạ nhiệt trong lò cho vùng thứ cấp để giữ nhiệt độ. Hệ thống xử lý khí cũng được kiểm soát. Khí thải sau khi xử lý được đi vào ống khói cao 20m trước khi thải ra môi trường. Lượng khói sinh ra đảm bảo không gây hại đến môi trường xung quanh, không vượt ngưỡng giới hạn cho phép theo quy định và sẽ được cơ quan chức năng có thẩm quyền định kỳ đi kiểm tra, phân tích mẫu.
Dừng triển khai dự án lò đốt rác thải sinh hoạt Tam Hải UBND tỉnh vừa có văn bản về việc dừng triển khai dự án lò đốt rác thải sinh hoạt tại xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành) với lý do không đảm bảo khoảng cách từ vị trí đặt lò đốt đến khu dân cư gần nhất theo quy định. UBND tỉnh giao UBND huyện Núi Thành khẩn trương xây dựng phương án xử lý rác thải cho xã đảo Tam Hải trình UBND tỉnh trước ngày 30.12.2017. Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam có trách nhiệm dừng triển khai đầu tư lò đốt rác thải sinh hoạt Tam Hải và tổ chức nghiệm thu, thanh toán đối với các công việc đã thực hiện để lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư dự án này. (VẮN PHIN) |
Lo lắng và cũng là ý kiến phản ánh nhiều nhất của người dân là nước thải có ngấm ra bên ngoài, tràn về khu dân cư hay không? Giải đáp thắc mắc này, Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam cho biết, chủ đầu tư dùng công nghệ xử lý nước thải tân tiến, hiện đại. Vì đây là lò đốt nên quan trọng nhất là kiểm soát ô nhiễm không khí, bụi, mùi. Riêng nước rửa xe và nước rửa nhà xưởng lò đốt được dẫn theo các mương thu nước bằng bê tông, trên mương có bố trí các hố ga và song chắn rác, sau đó được dẫn về bể xử lý tập trung gồm 4 ngăn liên hoàn để xử lý đảm bảo trước khi thải ra môi trường. Lượng tro xỉ sau khi đốt (chiếm khoảng 0,5% khối lượng rác, xấp xỉ 0,65m3/ngày) sẽ được công ty vận chuyển về khu xử lý rác Tam Xuân 2 để chôn lấp hợp vệ sinh, không ảnh hưởng đến xung quanh khu vực lò đốt. “Với công nghệ sử dụng lò đốt rác hiện đại, nhà máy hoàn toàn kiểm soát được ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước. Trong trường hợp mẫu khí thải vượt giới hạn cho phép, nhà máy chắc chắn bắt buộc phải tạm dừng hoạt động lò để khắc phục” - ông Ngọ quả quyết.
Cũng theo chủ đầu tư, thời điểm này đã giải phóng mặt bằng, bồi thường xong diện tích 15ha nằm trong khu vực quy hoạch xây dựng lò đốt rác. Tuy vậy, vướng mắc mặt bằng chủ yếu nằm ở hạng mục phần đường giao thông vào lò đốt. Theo đó, còn 21 hộ dân bị ảnh hưởng (chưa ban hành quyết định thu hồi đất) chủ yếu đất trồng cây lâm nghiệp. Tại cuộc họp với lãnh đạo Sở Tài nguyên môi trường, các ngành chức năng của tỉnh, UBND huyện Quế Sơn và chủ đầu tư vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho rằng, dự án xây dựng lò đốt phải thực hiện theo đúng quy hoạch và chủ trương đầu tư dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt, đảm bảo hoàn thành trong năm 2018. “Sở Tài nguyên môi trường cần hỗ trợ UBND huyện Quế Sơn, Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện, chủ đầu tư giải quyết vướng mắc trong thực hiện hồ sơ trích đo địa chính để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng hạng mục đường vào lò đốt. Chính quyền địa phương khẩn trương ra thông báo thu hồi đất đối với từng hộ dân bị ảnh hưởng” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn lưu ý.
TRẦN HỮU