(QNO) - Theo báo cáo mới nhất của Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), nền kinh tế toàn cầu đang ở "ngã ba đường" - nơi quá trình phục hồi không đồng đều sau COVID-19, tình trạng bất bình đẳng gia tăng, gánh nặng nợ nần chồng chất.
Ngày 4/10 vừa qua, UNCTAD dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm tốc xuống 2,4% trong năm nay - đánh dấu sự suy thoái từ mức 3% vào năm 2022.
Hầu hết khu vực, ngoại trừ Đông và Trung Á, dự kiến tăng trưởng chậm hơn trong năm nay so với năm 2022, trong đó châu Âu có mức giảm lớn nhất.
Ngoài ra, UNCTAD dự báo tăng trưởng khiêm tốn 2,5% trong năm tới phụ thuộc vào sự phục hồi của khu vực đồng euro và việc tránh những cú sốc bất lợi của các nền kinh tế hàng đầu khác.
Như vậy, tăng trưởng kinh tế toàn cầu giai đoạn 2023 - 2024 khó có thể phục hồi đủ mức như trước đại dịch.
UNCTAD cảnh báo sự bất bình đẳng ngày càng tăng trong các quốc gia đang làm suy yếu nhu cầu toàn cầu, kìm hãm đầu tư và hạn chế tăng trưởng.
Chi phí sinh hoạt cao và mức tăng lương thấp tiếp tục siết chặt ngân sách các hộ gia đình. Khoảng cách giàu nghèo gia tăng làm suy yếu sự phục hồi kinh tế mong manh và kỳ vọng của các quốc gia trong nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Cạnh đó là gánh nặng nợ nần, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Nhiều quốc gia đang trên bờ vực khủng hoảng nợ, kiệt quệ tài chính hoặc rơi vào tình trạng vỡ nợ. Theo Viện Tài chính quốc tế, nợ toàn cầu đạt mức kỷ lục 307 nghìn tỷ USD vào năm 2023.
Tổng Thư ký UNCTAD - bà Rebeca Grynspan nhận định: "Chúng ta cần sự kết hợp chính sách cân bằng giữa các biện pháp tài chính, tiền tệ và nguồn cung để đạt được sự bền vững tài chính, thúc đẩy đầu tư hiệu quả và tạo việc làm tốt hơn. Các quy định cũng cần giải quyết sự mất cân bằng ngày càng sâu sắc trong hệ thống tài chính và thương mại quốc tế".
UNTACD kêu gọi các nhà hoạch định chính sách áp dụng kết hợp chính sách ưu tiên thực hiện tăng trưởng và phát triển bền vững, dựa trên đầu tư.
UNCTAD khuyến nghị các ngân hàng trung ương tăng cường hợp tác quốc tế, tập trung nhiều hơn vào sự bền vững tài chính dài hạn cho khu vực công và tư nhân.
Báo cáo cho biết đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng ở các nước đang phát triển phải được theo đuổi tích cực bằng cách cung cấp công nghệ và tài chính với giá cả phải chăng. Điều này đòi hỏi sự hợp tác đa phương mạnh mẽ hơn và các thỏa thuận phù hợp trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
UNCTAD cho rằng: "Trong bối cảnh sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng trong nền kinh tế toàn cầu, các ngân hàng trung ương nên đảm nhận chức năng ổn định rộng hơn, điều này sẽ giúp cân bằng các ưu tiên về ổn định tiền tệ với sự bền vững tài chính lâu dài".