Xu hướng tìm đến các sản phẩm khác biệt, gắn với không gian mở tự nhiên sau dịch Covid-19 đã được dự báo. Dư địa để khai mở các loại hình này ở Quảng Nam rất lớn, vấn đề là cách tiếp cận cũng như năng lực khai thác sản phẩm để tạo ra câu chuyện hấp dẫn, đủ sức thuyết phục du khách trải nghiệm.
Tạo ra sự khác biệt
Trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, đã có những cảnh báo được đưa ra từ giới chuyên gia về chu kỳ tăng trưởng nóng, quá tải một số dòng khách chủ lực chỉ kéo dài trong vòng 5 - 7 năm sau đó sẽ rẽ hướng điểm đến khác và bỏ mặc tài nguyên bản địa suy thoái.
Dịch bệnh xảy đến, dù là điều bất dĩ nhưng cũng cơ hội để nhìn lại, quan tâm nhiều hơn đến hệ thống di sản thiên nhiên, văn hóa đặc trưng của địa phương đôi lúc bị xem nhẹ hoặc không có thời gian để chỉn chu trong thời kỳ đỉnh cao của du lịch.
Theo ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Du Ngoạn Việt, trong trào lưu du lịch xanh về sinh thái hiện nay, không chỉ quan tâm xu hướng tạo ra sản phẩm gắn với thiên nhiên mà cần suy nghĩ tạo ra các trải nghiệm trên nền tảng phục hồi tài nguyên du lịch mà chính chúng ta trước đây đã làm nó suy thoái.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, chia sẻ: “Rác cũng có thể tái tạo thành tài nguyên du lịch nếu biết cách tiếp cận”. Tại Hội An, nhiều chủ thể bình thường trong hệ sinh thái tự nhiên từ lâu đã được khai thác hiệu quả để tạo các sản phẩm mới trong du lịch, và thời gian gần đây rác thải cũng được khai phá theo hướng tuần hoàn để tạo thành chuỗi trải nghiệm cho du khách.
Ở thời điểm dịch bệnh tạm lắng xuống, nông trại lò gạch cũ ở Duy Vinh, Duy Xuyên luôn được du khách quan tâm, khám phá. Sự sáng tạo trên nền không gian lò gạch tưởng chừng đã hết thời từ giai đoạn bao cấp lại tạo ra sự mới mẻ cho du khách. Ngoài việc tham quan, uống cà phê “check-in”, điểm đến này đã phát triển thêm các sản phẩm như canh tác các loại nông sản sạch, khu cắm trại…
Du lịch nông nghiệp - nông thôn đang được khuyến khích phát triển. Nhiều điều liên quan đến phương thức canh tác nông nghiệp cũ nơi các vùng quê, bán đô thị ở Quảng Nam có nhiều dư địa để tạo ra sự khác biệt nhưng đang dần bị phai nhạt. Từ chiếc rớ chồ, bờ xe nước đến gốc đa - sân đình..., một khi kết hợp được với khai thác du lịch nông nghiệp thì các giá trị độc đáo này vừa tạo thêm giá trị gia tăng cho nông dân vừa lưu giữ bền vững văn hóa làng xứ Quảng.
Bỏ ngỏ dư địa tự nhiên
Tại hội thảo về định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) cho biết: “Trước đây du lịch biển là sản phẩm du lịch phổ biến thì dần dần sẽ chuyển hướng sang du lịch nghỉ dưỡng núi, trải nghiệm văn hóa địa phương, du lịch sinh thái đồng quê”.
Quảng Nam đi lên và khẳng định thương hiệu bằng du lịch văn hóa, đã và đang dần tạo ra thêm chuỗi dịch vụ nghỉ dưỡng - giải trí đẳng cấp ở vùng đông. Với xu hướng phát triển du lịch xanh, vùng trung du và vùng tây của tỉnh có nhiều cơ hội để cung ứng thêm các sản phẩm du lịch khác biệt nhằm thu hút và giữ chân du khách đến Quảng Nam ở lại lâu hơn.
Ông Nguyễn Sơn Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để khối doanh nghiệp du lịch ở Quảng Nam giới thiệu sản phẩm du lịch xanh ra cả nước và thế giới. Việc chuyển đổi sản phẩm du lịch có giá trị cao hơn, tạo ra sản phẩm du lịch xanh độc đáo cũng góp phần định vị điểm đến “Quảng Nam - hội tụ du lịch xanh” trong tương lai.
Du lịch xanh không chỉ thuận lợi phát triển ở Hội An, với đặc trưng thiên nhiên kỳ thú, một số khu vực như suối khoáng nóng Tây Viên (Nông Sơn), hang dơi Tiên An (Tiên Phước), quần thể địa chất Tam Hải (Núi Thành)… khi đảm bảo quan trắc về hệ sinh thái đủ an toàn có thể trở thành điểm du lịch sức khỏe, du lịch thể thao hấp dẫn.
Xây dựng được sản phẩm hấp dẫn từ các điểm đến trên sẽ tăng thêm tính thuyết phục để du khách chọn một chuyến đi với chuỗi trải nghiệm khác nhau trong một chùm điểm đến lân cận nhau như: khám phá Khu đền tháp Mỹ Sơn - làng trái cây Đại Bình - tắm khoáng nóng Tây Viên; tham quan nhà cổ Lộc Yên - trekking khám phá hang dơi Tiên An; tắm, thưởng thức ẩm thực biển Rạng - “check-in” di sản đá Tam Hải… Với tiềm năng, lợi thế nêu trên, thời gian tới rất cần đầu tư một cách bài bản, hệ thống để du lịch phát triển bền vững.