Từ hôm đó, không khí chiến tranh gần như được chấm dứt trên vùng đất Sơn Lãnh. Giữa cuộc chiến khốc liệt đã kéo dài hàng chục năm nay thì những phút giây yên bình ấy thật vô cùng quý báu. Sự căng thẳng đến tột độ trong tâm lý của người dân trụ bám, của các chiến sĩ cách mạng cũng giãn ra, lắng xuống. Có thể chỉ là tạm thời, nhưng thật ý nghĩa.
Trong khi hai trưởng đoàn đối thoại công khai thì binh lính và du kích cũng xáp mặt trao đổi lẻ, theo dạng rỉ tai thăm hỏi gia đình, quê quán, bấm tay ra hẹn những điều bí mật...
Đúng ngày 10 tháng 3 năm 1973, sáu lính đồn trú tại Đá Bể vượt sông Lĩnh, không mang súng chỉ đem theo vàng bạc phòng thân đến vườn nhà ông Ba Gừng gặp bà Thường cùng du kích xin trở về với cách mạng. Sau vụ này địch lập tức triệu hồi Trung úy Thành Đô - Đồn trưởng, thay máu toàn bộ đám lính tại Đá Bể. Lính mới phản pháo, vượt sông Lĩnh nới rộng vành đai Đá Bể ra 300m, lập chốt điểm Gò Nga nằm sâu trong đất Xuân Quê.
Đầu năm 1974, huyện tăng cường Trần Sâm Banh, người Xuân Quê, về làm Bí thư Sơn Lãnh. Sâm Banh nguyên là Phó Ban binh vận huyện, ông lập tức đẩy mạnh phương châm vừa đánh vừa đàm. Mai Xuân Hương - Xã đội trưởng theo sự chỉ đạo của Bí thư, tổ chức du kích vây hãm Đá Bể, Gò Nga bằng mìn tự tạo; bắn tỉa, chặn đánh chống lấn chiếm; chĩa loa vào đồn ngâm thơ kêu gọi: “Bắn vào ai/ Tôi phải bắn vào ai/ Trong tay tôi đang cầm cây súng Mỹ/ Nhìn quê hương máu rỉ trong tim/ Súng Mỹ cầm tay đạn vẫn nằm im/ Đồng ruộng bờ tre này quen thuộc quá/ Bóng dáng ai kia không phải người xa lạ/ Đòn gánh cầm tay tóc xõa ngang vai...”. Nhưng tên chỉ huy chốt điểm Gò Nga rất cứng, hắn xua quân càn quét liên tục. Bí thư xã Trần Sâm Banh quyết định đánh bứt Gò Nga, uy hiếp Đá Bể.
Sau khi trinh sát kỹ thực địa, vào một đêm tối trời tháng 4 năm 1974, ba đồng chí Mai Xuân Hương - Xã đội trưởng, Đặng Em - Xã đội phó, Phạm Ngọc Anh - du kích mang AK, bận chỉ mỗi quần đùi, bôi người đen kịt bằng nước lá khoai lang trọn với bù hóng, mình dắt đầy thủ pháo, lựu đạn xuất kích. Từ Gò Tạo, căn cứ của du kích xã ở phía tây bắc làng Xuân Quê các anh băng đồng, băng vườn xuống sát cầu Sông Lĩnh - Đá Bể vòng ngược lại, tạo thế bất ngờ từ phía địch tiến quân tập kích Gò Nga.
Lợi dụng đêm tối, nắm vững địa hình quen thuộc, ba du kích vận động theo lối đánh đặc công, ném lựu đạn, thủ pháo vào lán trại của địch. Trong khi đó Sâm Banh, Phạm Mương, Phan Duy Tân trụ tại vườn nhà Phan Lục cách Gò Nga độ 200m quét đại liên, bắn M79 vang trời, đánh lạc hướng. Địch tập trung phản kích về phía tây nơi có tiếng súng nổ rát. Ba đồng chí Hương, Em, Tân rút êm về phía đông, vòng ngược trở lên Gò Tạo. Sáng hôm sau theo Đài kỹ thuật của Trung đoàn 36, ta biết được địch chết 5 tên, bị thương 6 tên.
Bị đòn nặng nhưng tên chỉ huy vẫn đốc thúc binh lính giữ chặt Gò Nga. Ta tiếp tục bao vây bắn tỉa. Chịu không nổi, sau trận đánh 10 ngày, địch rút khỏi hai chốt điểm Đá Bể, Gò Nga. Trong đêm chuẩn bị triệt thoái chốt điểm Gò Nga, binh sĩ Nguyễn Văn Phước - người Kỳ Phú, Tam Kỳ mang súng ra gặp du kích Cao Ngũ xin về với cách mạng.
Phía tây nam Sơn Lãnh, giáp với Sơn Long và Sơn Thạch có đồn Núi Đất - Dương Bằng. Địch ở đây thường xuyên tràn xuống nống ra, tiến sâu vào thôn Xuân Quê, tìm diệt lực lượng ta. Cần phải nhổ cái gai nhọn này, Sâm Banh chỉ đạo chuẩn bị chiến trường đánh bứt chốt Dương Bằng - Núi Đất. Nhưng phải đánh địch bằng cách nào? Bởi Dương Bằng là một gò đất trải dài trước mặt Núi Đất. Núi đất là đồi thấp án ngữ Hòn Chiêng. Hòn Chiêng lại là “con mắt thần” của địch. Từ điểm cao này địch có thể quan sát toàn bộ thung lũng Quế Sơn. Từ Xuân Quê nhìn về phía tây nam, đây là một liên cứ điểm gồm ba tầng đồn bót: Phía trước là Dương Bằng thấp nhất; tiếp đến là Núi Đất; phía sau cùng cao nhất là Hòn Chiêng. Địch đóng quân với cái thế liên hoàn như vậy, ta khó mà bứt rút hoặc tiêu diệt được. Dương Bằng có độ cao trung bình khoảng 60m chạy dài cả cây số, hai đầu là hai mô đất nhô cao, khoảng tiếp nối giữa hai mô gọi là yên ngựa. Trên mặt bằng mỗi mô đất đồn trú một đại đội lính cộng hòa. Hằng ngày địch cho từng tốp tiểu đội tản xuống yên ngựa, tuột dốc đến hố Dơi lấy nước. Lấy nước là công việc nặng nhọc, bọn họ phải mang vác cả chục cân leo dốc chậm như rùa bò. Ta vận động ven núi bắn tỉa là không khó. Nhưng ở đây địa hình có nhiều vật cản che khuất, mục tiêu di động, khó nắm bắt cơ hội nhả đạn chính xác. Bám sát bắn tỉa, địch phản công, ta bị con sông Khe Cải chắn sau lưng khó tháo lui. Phương án bao vây bắn tỉa bứt rút địch chỉ thích hợp ở những nơi có tầm nhìn rộng, áp dụng tại Dương Bằng là ít thích hợp. Nhưng triệt đường lấy nước của địch vẫn là một kế hiểm nhất, cần được triển khai. Xét về tương quan lực lượng thì đó là phương án tối ưu nhất. Sâm Banh bàn với Ban chỉ huy xã đội, chọn phương án đánh mìn cộng với bao vây bắn tỉa và rao loa chiêu hàng.
Trong đội hình du kích có Phạm Ngọc Mương, vườn nhà ông nội anh sát hố nước, hồi nhỏ anh dạo khắp Dương Bằng thả bò, bắn chim, thuộc từng gốc cây hòn đá nơi đây. Sâm Banh và Mai Xuân Hương giao Trung đội trưởng Mương lên sa bàn trận đánh.
Trong khi Sâm Banh cùng chị Nguyễn Thị Ngọ áp sát Dương Bằng kêu gọi binh lính địch, tại Gò Tạo, Lê Y, Mai Xuân Hương, Phạm Ngọc Mương, Phạm Duy Tâm trực tiếp cưa bom lấy thuốc làm mìn; mở mỏ vịt lựu đạn, rút kíp nổ cắt bớt dây cháy chậm biến thành “mìn nổ không giây”; dùng kíp chữ T, chữ Y đặt vào canh nông lép hoặc khối thuốc nổ lấy từ bom lép tạo thành mìn... Đây là công việc nguy hiểm, sơ suất là tan xác.
Trinh sát chuẩn bị chiến trường xong, toàn đội du kích gồm Mai Xuân Hương, Phạm Ngọc Mương, Phạm Duy Tâm, Phạm Duy Anh, Võ Đình Chiến, Đặng Hữu Quyền, Nguyễn Duy Đề, Nguyễn Dương Đính... và bản thân Bí thư xã Trần Sâm Banh tập trung khiêng vác, tập kết vũ khí đến Gò Dài nằm phía bên này sông Khe Cải, đối diện xóm Xuân Sơn, cách Dương Bằng độ 700m phía bên kia sông.
(Còn nữa)