Du kích làm binh vận (Tiếp theo và hết)

PHẠM THÔNG 10/10/2019 10:22

Tập kết xong vũ khí, đêm 26 tháng 4 năm 1974, tất cả 30 quả mìn và cơ số lựu đạn được đội du kích cẩn trọng men từng bước trong đêm đưa đến gài chung quanh nguồn nước Hố Dơi, dọc đường lấy nước, trên sườn yên ngựa Dương Bằng. Công việc tiến hành xong, tất cả rút êm về phía bên này sông Khe Cải. Không một giây chợp mắt, ngay trong đêm toàn đội cấp tốc bố trí đặt một khẩu đại liên, một khẩu cối 81 tại vườn ông Trách là điểm cao nhất của sống ngựa Gò Dài do Phạm Ngọc Mương và tổ 3 người phụ trách.

Phía bên kia sông Khe Cải đối diện với Gò Dài là xóm Xuân Sơn, dân đã bỏ chạy xuống các khu dồn, địa hình gấp gãy với nhiều vật cản. Xóm này lại đối diện Hố Dơi qua một cánh đồng rộng trên 100m. Hai tổ du kích phải nhanh chóng lội trở lại Khe Cải, sang chiếm lĩnh Xuân Sơn. Với đội hình bố trí như vậy, nếu địch liều mạng tiến qua cánh đồng truy kích ta, lập tức bị đại liên và cối 81 đặt ở vườn ông Trách sát phạt, cùng lúc 6 tay súng AK có trang bị kèm cối cá nhân trụ trong các vườn hoang xóm Xuân Sơn sẽ tới tấp nhả đạn tiêu diệt. Phương án cơ bản là vậy, nhưng khi chiến sự nổ ra thì tùy cơ ứng biến, đó là kinh nghiệm nằm lòng của du kích Sơn Lãnh đã được tôi luyện cả chục năm nay tại chiến trường quê xứ.

Trời vừa sáng, hai tốp lính từ ở hai đầu Dương Bằng cùng lúc xuống Hố Dơi lấy nước. Mìn bất ngờ nổ tung, cối 81 và đại liên của ta nhắm hướng Hố Dơi bắn tới tấp, nhiều tên địch ngã gục tại chỗ, số còn lại quay đầu chạy lên dốc vướng mìn gài hai bên đường nổ vang trời. Mìn nổ, cối nổ, đại liên nổ loạn xạ, địch trên hai chốt điểm không thể định vị tiếng nổ nào phát ra từ đâu để phản ứng. Khi chúng phát hiện được hỏa lực chính của ta đặt phía bên kia Gò Dài phản pháo thì ta vận động đến địa điểm khác đã chuẩn bị trước. Địch cho quân xuống lấy thi thể, khiêng thương, các tay súng của ta từ xóm Xuân Sơn bắn rát sang Hố Dơi, chúng hoảng hồn tản ra rừng chạy lên dốc lại vướng mìn, lựu đạn nổ tung tóe.

Trong hai ngày 28, 29 tháng 4, chỉ huy thúc ép lính mò xuống lấy thi thể chiến hữu, vướng mìn thương vong quá đỗi, ta lại phát loa dọa nạt liên tục. Chịu không nổi áp lực, ngày 30 tháng 4 năm 1974, địch bỏ Dương Bằng rút về Trà Đình, cách mấy cây số về phía đông nam. Trước khi rút quân, 8 binh sĩ từ Dương Bằng lần theo hướng có đèn dầu đến xóm đập Ồ Ồ, Xuân Quê vào vườn nhà ông Chánh xin đầu hàng cách mạng.

Liên tục chiến dịch, du kích Sơn Lãnh tiến xuống đánh địch cắt đường từ Cấm Dơi, quận lỵ Quế Sơn lên Cầu Liêu, phát loa kêu gọi binh lính. Trong hàng ngũ binh lính có nhiều người muốn bỏ ngũ, nhưng đất lạ không biết manh mối để ra hàng, họ đành ôm súng Mỹ chờ thời.

Một hôm có tên lính từ Cầu Liêu bí mật đi ngược sông Ly Ly lên ngã ba sông Lĩnh - Khe Cải, nằm chờ người của ta. Hắn ta thấy một bộ đội đi ngang, khi đi anh ấy cầm súng AK trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, hắn nằm yên trong bụi rậm. Khi anh bộ đội quay trở lại khoác súng trên vai, hắn lần ra cầm miếng vải trắng ra hiệu đầu hàng. Anh bộ đội giương súng xáp lại, hắn cúi đầu chào và hô to xin hàng, chỉ trong bụi có giấu khẩu đại liên. Anh bộ đội lập tức vô hiệu hóa khẩu đại liên, đưa tên lính cùng súng về đơn vị. Binh sĩ ấy tên là Dương Văn An, quê Cà Mau, được bộ đội ta đối xử tử tế, đưa lên căn cứ học tập cải tạo đôi ba ngày và tự giác gia nhập quân giải phóng chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam.

Được đà, Trần Sâm Banh tự mình xông ra phía trước tuyên truyền, kêu gọi binh lính. Một hôm ông cùng 3 du kích Mương, Thọ, Tân kéo nhau xuống đồi Đá Trú, đối diện Dốc Mởn. Cách nhau một khe nước, nhưng địch từ Dốc Đỏ tiến theo đường 105 tới đây phải khựng lại, bởi ta trụ phía Đá Trú, xáp mặt đẩy lui. Khe nhỏ này trở thành nơi giằng co, giành giật quyết liệt giữa ta và địch suốt hơn một năm trời, kể từ khi Hiệp định Pari được ký kết. Lúc nào cũng vậy, một binh vận áp sát địch luôn kèm theo ít nhất 3 du kích, không như thế địch sẽ xông lên bắt sống ngay. Bốn người lựa thế, nằm ngay trên một đồi cao cách đường 105 độ 100m phóng loa kêu gọi binh sĩ địch phía bên kia Dốc Mởn. Đồn Dốc Đỏ đóng phía sau Dốc Mởn lập tức dội pháo tới tấp, triệt đường rút lui của ta. Không thể trụ nổi, nhưng chạy lui trúng pháo. Bốn ông liều mạng tụt dốc, chạy ngang qua cánh đồng phía trước, xông thẳng ra đường 105, nơi bọn địch có thể vượt khe Mởn truy kích. Bốn ông phóng thẳng lên mặt đường, chạy về Sơn Khánh tạt qua Gò Tạo. Ông Banh tự an ủi: “Ừ đánh địch cũng như làm binh vận vậy, có lúc được lúc thua. Hôm sau mình lại đi tiếp...”.

Từ khi quân Mỹ rút khỏi miền Nam, quân ngụy không thể là đối thủ của bộ đội giải phóng. Đại binh của quân ngụy liên tục bị dồn vào thế tử trên khắp các chiến trường thì sá chi vài trung đoàn đóng ở vùng trung Quế Sơn. Tháng 6 năm 1974, Sư đoàn 2 của ông Nguyễn Chơn đồng loạt tiến công đánh bứt các đồn Hòn Chiêng, Dương Trúc, Dương Là, Cầu Liêu, Trà Đình... Nhân cơ hội đó, đêm 31 tháng 7 năm 1974 du kích Sơn Lãnh tiến công giải phóng khu đồn Nhà Tằm, kêu gọi hàng chục tên lính ra hàng trở về với nhân dân.

Đến thời điểm này trên đất Sơn Lãnh hầu như không còn chốt điểm nào của địch, dân trở về làng cũ, du kích đã xóa được cái thế “mồ côi dân”. Tuy vậy, du kích Sơn Lãnh vẫn không ngừng cảnh giác, tăng cường quân số, vũ khí, giữ vững vùng giải phóng cho đến ngày toàn thắng.

Ngày nay, những du kích Sơn Lãnh đều đã cập kề tuổi bảy mươi, chiêm nghiệm lại thăng trầm thời cuộc họ có quyền mãn nguyện, bởi hai lẽ: Một là họ đã tự giác dũng cảm hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc; hai là họ luôn rộng lòng nhân hậu đối với những người lầm đường lạc lối, biết nhận ra lẽ phải. Thực tế cuộc sống đã chứng minh về tấm lòng nhân hậu đó, bởi họ là người thực hiện trước tiên, trung thực nhất chính sách 10 điểm hòa giải hòa hợp dân tộc của cách mạng trong chiến tranh và ngay cả trong thời bình. Hiện giờ có những đồng chí du kích đã làm sui với người phía bên kia, quên đi thân phận của mỗi người trong quá khứ. Ý nghĩa sự hy sinh của những du kích năm xưa đang được nhân đôi bằng những hành động đẹp, hành động hòa hợp dòng máu Việt thật sự, thật tâm cho hôm nay và mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Du kích làm binh vận (Tiếp theo và hết)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO