Năm 2014, dù gặp nhiều bất lợi do các yếu tố khách quan tác động từ bên ngoài nhưng ngành du lịch Quảng Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực.
Duy trì tăng trưởng
Năm 2014, du lịch Quảng Nam chứng kiến sự sụt giảm khách tương đối rõ rệt, nhất là trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10. Tuy vậy, du lịch Quảng Nam vẫn về đích với những kết quả ấn tượng khi đón gần 3,7 triệu lượt khách đến tham quan, lưu trú, vượt hơn 7% so với năm 2013. Doanh thu du lịch năm 2014 ước đạt 2.200 tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 5.170 tỷ đồng. Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL, trong tình hình khó khăn về lượng khách, nhất là những sự kiện khách quan từ bên ngoài tác động vào nhưng du lịch Quảng Nam vẫn đạt được kết quả tích cực trên là nhờ biết cách duy trì ổn định nguồn khách truyền thống (khách châu Âu) trong những tháng đầu năm, cùng với đó lượng khách Nhật cũng đã tăng gấp đôi so với năm trước cộng với nguồn khách nội địa những tháng hè đã phần nào thay thế sự sụt giảm của khách Trung Quốc tại Quảng Nam.
Du khách thăm quan tháp Mỹ Sơn. Ảnh LÊ TRỌNG KHANG |
Năm qua, du lịch Quảng Nam cũng đã tạo dấu ấn với nhiều sản phẩm mới như phát triển hiệu quả các cơ sở lưu trú homestay; khai trương Bảo tàng nhà cổ và Trạm dừng chân Vinahouse (Điện Bàn), Trạm dừng chân trong khu phố cổ Hội An, Cù Lao Chàm; tái hiện đường Hồ Chí Minh tại Nam Giang.... dù đây chỉ là tiếp nối công việc của năm 2013 nhưng đã đánh dấu sự bắt đầu của những sản phẩm du lịch cụ thể phục vụ du khách. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm mang tính cộng đồng vẫn tiếp tục khẳng định thương hiệu và được khách đánh giá cao như du lịch sinh thái làng quê; Một ngày làm cư dân phố cổ; Một ngày làm nông dân; Trải nghiệm cùng ngư dân; Du lịch cộng đồng Triêm Tây; Khám phá văn hóa Cơ tu tại Bhơ Hôồng, Đhrôồng… Tuy nhiên, thành công nhất phải kể đến việc UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền núi và hải đảo đến năm 2020, tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy hoạt động du lịch tại những nơi này phát triển. “Tôi cho rằng việc phối hợp giữa ngành chức năng của tỉnh, chính quyền địa phương và cộng đồng đã giúp tạo thêm một số sản phẩm mới, trong đó có việc hình thành các bãi biển với quy cách, hạ tầng rõ ràng cùng đầy đủ chức năng cứu hộ, vệ sinh tốt… để trở thành điểm nhấn thu hút khách như hiện nay”- ông Hài nhìn nhận. Thực tế, du lịch biển đảo đã đóng vai trò rất lớn khi hút khoảng 40% lượng khách tham quan lưu trú tại Hội An, góp phần giúp du lịch Quảng Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng như thời gian qua để trở thành một trung tâm du lịch của miền Trung vượt xa các tỉnh Thừa Thiên Huế và Nha Trang.
Cải tiến sản phẩm du lịch
Hội An luôn là trung tâm trong chiến lược phát triển du lịch Quảng Nam thời gian qua và những năm đến nhằm tạo sự lan tỏa ra các vùng, địa phương khác của tỉnh. Bà Đinh Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Thương mại và du lịch Hội An cho rằng, dù Hội An đã trở thành thương hiệu với du khách trong và ngoài nước nhưng không phải vì vậy mà thành phố thỏa mãn với kết quả đạt được. Việc đầu tư xây dựng sản phẩm và đổi mới, nâng cao chất lượng điểm đến, nhất là các sản phẩm mang tính cộng đồng, trải nghiệm văn hóa sinh thái luôn là hướng đi ưu tiên trong chiến lược phát triển du lịch của thành phố. “Năm 2015 thành phố sẽ tiếp tục tập trung đầu tư cho những điểm đến ngoại vi có lợi thế du lịch như những làng nghề, Cù Lao Chàm, làng rau An Mỹ (Cẩm Châu)… Đặc biệt, sẽ xúc tiến, kêu gọi đầu tư cho các sản phẩm du lịch dịch vụ sông nước như thuyền ăn uống, nhà hàng nổi…”- bà Thủy nói.
Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL, việc cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm luôn đóng vai trò quan trọng đối với một điểm đến vì du lịch phải có sự thay đổi. Cụ thể, sẽ làm đậm hơn nét văn hóa xứ Quảng, văn hóa Hội An, văn hóa Mỹ Sơn và văn hóa các dân tộc Quảng Nam… trong hoạt động giới thiệu, quảng bá; tăng cường thêm những sản phẩm du lịch từ các giá trị văn hóa phi vật thể, bao gồm cả cải tiến và làm mới những tác phẩm nghệ thuật có xuất xứ từ dân gian, kể cả những nơi du khách đến xem biểu diễn nghệ thuật cũng phải có sự thay đổi. “Định hướng năm 2015 ngành du lịch sẽ tập trung vào cải tiến những sản phẩm, đúng hơn là làm mới các sản phẩm đã có vì du lịch phải luôn có sự thay đổi, tăng dần sự khác biệt của du lịch Quảng Nam với các tỉnh lân cận, khi đó mới có thể duy trì được hiệu quả và khả năng đón khách”- ông Hài khẳng định.
VĨNH LỘC