(VHQN) - Hệ thống bảo tàng ở Việt Nam khá đa dạng về loại hình, trong đó bảo tàng lịch sử - văn hóa có mặt ở khắp các địa phương, nhiều tỉnh và ngành có các bảo tàng chuyên đề, bảo tàng danh nhân... Hệ thống bảo tàng này phục vụ nhiều đối tượng, ưu tiên và phổ biến nhất là khách theo các tour du lịch.
1. Hiện nay nội dung trưng bày của các bảo tàng lịch sử - văn hóa từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh thường theo tiến trình lịch sử. Trong đó luôn có nội dung về thời tiền sử mà hiện vật trưng bày chủ yếu có từ các cuộc khai quật khảo cổ học.
Tuy nhiên, hình thức trưng bày nội dung này chưa có sự khác biệt với các nội dung khác (là những tủ hiện vật, hình ảnh, chú thích tên di tích, loại hiện vật, thuộc văn hóa khảo cổ nào...). Điều này hạn chế sự hấp dẫn và tiếp nhận thông tin từ di tích, di vật khảo cổ.
Mặt khác, khảo cổ học ngày nay không chỉ có đối tượng là các di chỉ, di tích dưới lòng đất mà đã mở rộng ra nhiều loại hình khác: di tích tàu đắm dưới sông biển, các phế tích, di tích kiến trúc còn tồn tại trên mặt đất... đến các di tích đô thị và công nghiệp cách nay chỉ trên dưới trăm năm...
Tất cả loại hình hiện vật, di tích trưng bày tại bảo tàng nếu được tiếp cận từ cách thức khảo cổ học sẽ hấp dẫn du khách nhiều hơn, đồng thời chuyển tải tốt hơn giá trị của những di sản văn hóa.
Du lịch bảo tàng theo lối khảo cổ học đầu tiên là mang lại cho du khách sự hiểu biết và trải nghiệm cách thức mà khảo cổ học khám phá ra di tích, di vật. Các bảo tàng thường có không gian đón tiếp du khách, tại đó chiếu những bộ phim, clip giới thiệu về khảo cổ học và các nội dung khác.
Du khách được biết một cách khái quát cuộc khai quật khảo cổ, cách thức bảo quản, trưng bày trong bảo tàng, các công việc khảo cổ nói riêng và bảo tàng nói chung. Việc này mang lại sự thân thiện giữa bảo tàng và công chúng, tạo tâm lý thuận lợi để du khách đi vào hành trình tham quan trải nghiệm.
2. Bắt đầu từ việc tạo “sân chơi” cho trẻ em, nhiều bảo tàng trên thế giới đã tạo ra “di tích khảo cổ học” trong bảo tàng. Thường là một hố cát nhỏ chừng 4-10m2, trong đó có những di vật khảo cổ là mảnh gốm hay đồ đá (hoặc nhiều hiện vật phục chế). Trẻ em có thể xuống hố “khai quật” dưới sự hướng dẫn của nhân viên bảo tàng: đào từng lớp đất, phát hiện và xử lý hiện vật cẩn thận...
Không chỉ học “khai quật”, các em còn được tập làm việc nhận biết và phân loại hiện vật theo chất liệu, chức năng, học cách “gắn chắp” những mảnh vỡ để thành một hiện vật “lành lặn”, học vẽ lại hiện vật bằng tay và bằng máy vi tính...
Cách thức “học mà chơi, chơi mà học” cho trẻ em cũng hấp dẫn người lớn không kém, nhiều phụ huynh cùng trải nghiệm với con em, từ đó nhận biết giá trị, nội dung hiện vật sâu sắc hơn.
Hiện nay có rất nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại ứng dụng vào việc giới thiệu, trưng bày tại bảo tàng, trong đó việc sử dụng công nghệ số hóa di tích, di vật trở nên hữu ích và ngày càng quan trọng.
Việc phục dựng bằng công nghệ 3D cho phép nhà nghiên cứu và công chúng hình dung được “nguyên gốc” các di tích khảo cổ, di tích kiến trúc và di vật của nó. Nhiều công trình hiện hữu trong các đô thị cũng nhờ cách này mà công chúng được “tham quan” nhìn ngắm cụ thể.
Không chỉ vậy, các công nghệ hiện đại của khảo cổ học như sự ứng dụng tia Laser, định vị toàn cầu, Radar xuyên đất, ảnh vệ tinh, không ảnh, dữ liệu LiDAR... đã cho phép các nhà khảo cổ học “phát hiện và khai quật” ngoài thực địa, giúp phát hiện và chuyển tải thông tin khoa học nhanh hơn, chính xác hơn đến nhà nghiên cứu và với công chúng. Thậm chí còn có thể sử dụng trong “không gian tương tác” của bảo tàng để công chúng có thể tự mình “phát hiện và khai quật ảo” trên màn hình máy tính.
3. Tham quan bảo tàng là cách thức nhanh nhất để có được sự hiểu biết cơ bản về một nơi chốn, một quốc gia... đồng thời cũng là phương thức quan trọng để thu nhận thêm nhiều kiến thức bổ ích.
Hiện nay, tính chất hiện đại hóa trong trưng bày là yếu tố rất quan trọng để thu hút khách tham quan, học tập tại bảo tàng, nhất là với nội dung trưng bày về khảo cổ học.
Đó là do những địa điểm khảo cổ học thường là cấu trúc từng bị hoang phế được khôi phục; những vết tích đủ các loại (cả ở những di chỉ dưới đất và dưới nước) cũng như các vật liệu văn hóa gắn với các di tích đó; những công trình được khai quật lộ thiên...
Đây được xem là nguồn văn hóa mong manh và không tái sinh được, do khi khai quật khảo cổ cũng là quá trình di tích không còn tồn tại trên thực địa, chỉ còn lưu lại bảo tàng bằng các loại hình tài liệu khác nhau.
Cách thức khảo cổ học còn ứng dụng trong các bảo tàng nghệ thuật: phục dựng quá trình vẽ một bức tranh của họa sĩ, chế tác một bức tượng của nhà điêu khắc, quá trình dệt vải, may một bộ trang phục hay cách làm ra một sản phẩm thủ công, nhất là khi nghề thủ công truyền thông đang bị mai một. Qua đó người xem hiểu hơn không chỉ về tác phẩm mà còn về cá nhân người sáng tác, về bối cảnh xã hội của tác phẩm.
Di vật, cổ vật và nhiều hiện vật trong bảo tàng cần được “kể lại câu chuyện của mình” bằng cách phục dựng quá trình hình thành, sáng tác. Các cách thức “khảo cổ” trong bảo tàng góp phần tăng thêm sự hấp dẫn cho trưng bày, giá trị văn hóa - lịch sử và hàm lượng khoa học của bảo tàng. Đồng thời và quan trọng hơn là tri thức được hình thành từ cộng đồng thì cần được phổ biến một cách cụ thể và dễ hiểu cho cộng đồng.