(QNO) - Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh và các sở, ban ngành với chính quyền xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) vào sáng nay 4.10, về các vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc chấn chỉnh tình trạng bát nháo ở rừng dừa Bảy Mẫu.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: MINH HẢI |
Ông Nguyễn Hùng Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh thông tin, tỷ trọng các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của xã giảm; tỷ trọng ngành du lịch và thương mại, dịch vụ lại tăng cao, chiếm 74% cơ cấu kinh tế.
Lượng du khách đến với khu du lịch rừng dừa Bảy Mẫu tăng đột biến nên thu nhập bình quân đầu người của xã trong những năm gần đây cũng tăng cao, hơn 35 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo rất thấp, toàn xã chỉ có 12 hộ thuộc diện bảo trợ xã hội.
Ông Linh cũng thông tin một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, lĩnh vực kinh tế du lịch tuy có sự phát triển đột biến, lượng khách tham quan tăng cao nhưng áp lực do lượng khách tăng đặt ra nhiều thách thức cần giải quyết.
Đầu năm 2017, số lượng thuyền thúng của người dân phục vụ du khách chỉ hơn 300 cái; đến tháng 3.2018, tăng lên hơn 900 cái. Du khách đến tham quan khu du lịch sinh thái rừng dừa Bảy Mẫu hơn 1.500 lượt mỗi này. Chủ yếu là dòng khách có thị hiếu nghe nhạc mạnh nên nhiều hộ dân đã chở loa di động trên thúng.
Vào thời điểm trước tháng 9.2018, đã có khoảng 200 loa di động hoạt động tại khu vực rừng dừa gây ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng xây đến hình ảnh du lịch địa phương. Tuy nhiên, tình trạng này đã được chấn chỉnh sau khi nhiều cơ quan báo chí phản ánh và theo công văn chỉ đạo của UBND tỉnh.
Ông Nguyễn Hùng Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MINH HẢI |
Ông Lê Thanh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh đề nghị UBND tỉnh và UBND TP.Hội An cho phép chủ trương được lập quy hoạch không gian, phân khu chức năng xã Cẩm Thanh để phục vụ cho sự phát triển thay cho quy hoạch nông thôn mới năm 2013 - đã không còn phù hợp với thực tế địa phương hiện nay. UBND xã mong muốn cấp trên cho cơ chế để lại nguồn phí tham quan khu du lịch sinh thái rừng dừa Bảy Mẫu để tập trung đầu tư cho hạ tầng phát triển, đặc biệt là du lịch.
Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, xã Cẩm Thanh có nhiều lợi thế để phát triển du lịch và địa phương đã tận dụng tốt những lợi thế đó trong thời gian qua. Tuy nhiên, tốc độ phát triển du lịch quá nhanh cũng xuất hiện nhiều vấn đề tiêu cực kéo theo.
Theo ông Tường, thời gian tới UBND xã Cẩm Thanh cần có việc phân khu bố trí các dòng khách để tránh xung đột không đáng có và tránh sự quá tải tại khu du lịch trong một thời điểm. Giá 30 nghìn đồng cho một lượt tham quan là nguồn thu tốt cho xã đầu tư phát triển, nhưng thời gian đến cũng cần nghiên cứu thêm phí dịch vụ vào tiền vé như dịch vụ di chuyển, trò chơi...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MINH HẢI |
Ông Trần Thanh An - Phó Giám đốc Sở GTVT cho rằng, từ lúc cầu Cửa Đại và tuyến đường 129 đưa vào sử dụng thì việc đi lại, cũng như tình hình kinh tế - xã hội của TP.Hội An và xã Cẩm Thanh đã có nhiều thuận lợi. Các phương tiện thuyền gia dụng, nhất là thuyền thúng nhiều nhưng vẫn chưa có sự quản lý và khai thác một cách có tổ chức. Thời gian tới, TP.Hội An và xã Cẩm Thanh cần phải nghiên cứu giải pháp để thực hiện tốt việc phát triển du lịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền xã Cẩm Thanh trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là vấn đề du lịch ở địa phương thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập, hạn chế nổi lên như tình trạng tiếng ồn và tranh giành du khách trong khu du lịch rừng dừa. Dù UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo nhưng việc xử lý các vấn đề này cũng còn khá chậm.
Du lịch sinh thái là định hướng tại Cẩm Thanh trong thời gian đến. Ảnh: MINH HẢI |
“Xã Cẩm Thanh cần tăng cường quản lý tốt công tác môi trường du lịch, đặc biệt là tiếng ồn và rác thải. Bởi du lịch sinh thái của Cẩm Thanh nói riêng và Hội An nói chung là phải yên bình, tĩnh lặng chứ không thể để người dân mở nhạc rồi hát hò ầm ĩ. Du lịch xã Cẩm Thanh phải là du lịch sinh thái. Cho nên phải làm tốt công tác dân vận, vận động nhân dân để họ hiểu được vấn đề du lịch bền vững” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chỉ đạo.
Đồng chí Trần Văn Tân gợi mở, việc thay thế tiếng loa bằng nghệ thuật hát bài chòi hoặc hò khoan là một hướng đi cần lưu ý khai thác. Không cần đông về số lượng du khách mà nên chú trọng chất lượng. Nếu biết phát huy tốt thì mới mong muốn có được sản phẩm du lịch hiệu quả và bền vững, mang lại nguồn thu nhập cho người dân và ngân sách địa phương.
PHAN VINH