Du lịch cộng đồng: Chậm rãi dọ hướng đi - Bài 1: Những ngày sôi động

QUỐC TUẤN - LÊ QUÂN 17/10/2022 08:01

Lợi thế, tiềm năng cả về cảnh quan lẫn văn hóa là điều kiện để Quảng Nam lựa chọn phát triển du lịch cộng đồng. Đã có nhiều ngôi làng bừng thức với hướng đổi thay tích cực. Nhưng cần thiết phải có chính sách hỗ trợ, cách làm khoa học và tư duy mới mẻ để du lịch cộng đồng trở thành mô hình phát triền bền vững của địa phương…

Làng rau Trà Quế là điểm đến quan trọng tạo dựng thương hiệu du lịch cộng đồng cho Quảng Nam từ rất sớm. Ảnh: H.T
Làng rau Trà Quế là điểm đến quan trọng tạo dựng thương hiệu du lịch cộng đồng cho Quảng Nam từ rất sớm. Ảnh: H.T

BÀI 1: NHỮNG NGÀY SÔI ĐỘNG

Quảng Nam gần như là địa phương đầu tiên cả nước đưa du khách xuống đồng, cưỡi trâu, trồng rau và làm lúa. Đây là hoạt động mở đầu cho một chuỗi khám phá về làng của du khách, bên cạnh sự bỡ ngỡ đón khách của nông dân, với tên gọi du lịch cộng đồng…

Du lịch về làng

Chúng tôi trò chuyện cùng ông Đinh Hài - nguyên Giám đốc Sở VHTT&DL giai đoạn 2008 - 2018. Câu chuyện như được kéo giãn về quãng thời gian đầy sôi động của ngành du lịch Quảng Nam, với những điều đầu tiên. Những người nông dân đầu tiên tham gia làm du lịch ở Trà Quế, Cẩm Thanh, Kim Bồng (Hội An).

Thử làm một cuộc tìm kiếm trên thanh công cụ Google, với từ khóa “nông dân làm du lịch”, kiên nhẫn lướt qua khoảng chục trang, phần lớn đều nhắc đến những người dân sống ở vùng vệ tinh của di sản Hội An - những nông dân đầu tiên dạm chân vào “sân chơi” du lịch.

Du khách đến Quảng Nam được xuống đồng, cưỡi trâu, trồng rau và làm lúa. Ảnh: H.T
Du khách đến Quảng Nam được xuống đồng, cưỡi trâu, trồng rau và làm lúa. Ảnh: H.T

Năm 2009, thuật ngữ du lịch cộng đồng (DLCĐ) xuất hiện trên báo chí khá phổ biến và thường được nhắc đến cùng với vùng đất Quảng Nam. Câu chuyện đưa du lịch về làng lúc này chỉ mạnh mẽ ở những khu vực ven Hội An, bắt đầu từ việc chia sẻ áp lực đón khách cho khu vực vùng lõi phố cổ.

Khởi đi từ những ngôi làng là “vùng đệm” di sản Hội An, DLCĐ của Quảng Nam bắt đầu manh nha. Nếu năm 2013, chỉ có 6 điểm DLCĐ hoạt động thì đến nay Quảng Nam có 20 điểm DLCĐ đón khách, trong đó 6 điểm có ban quản lý, 12 điểm thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã. Tiếng vang của DLCĐ Quảng Nam có những thời điểm đã vươn xa khi được vinh danh tại Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN năm 2017 cho làng DLCĐ Triêm Tây, năm 2019 cho làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu Nam Giang hay giải thưởng Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) đối với cộng đồng làng chài ven biển An Bàng...

Bên cạnh các tour trải nghiệm vùng quê và các hoạt động nông nghiệp như trồng rau, cấy lúa… đã hình thành từ nhiều năm nay ở làng Trà Quế, các khu vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Hội An cũng tập tành kể câu chuyện làm du lịch.

Ông Phạm Mèo - làng rau hữu cơ Thanh Đông (xã Cẩm Thanh) cho biết, những năm 2012 - 2016, mỗi năm làng rau đón 450 - 700 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Việc vận động người dân làm rau hữu cơ để đồng thời phục vụ du lịch, như “một mũi tên trúng hai đích” của chính quyền đô thị lúc bấy giờ.

“Sau khi được vận động tham gia chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ từ các dự án, người dân Thanh Đông mở cửa nhà đón khách.

Phần lớn khách du lịch đến đây là người nước ngoài đi theo tour, không chỉ tham quan các vườn rau quả mà họ còn cùng với chúng tôi làm đất, gieo trồng, bón phân, thu hoạch nông sản.

Mỗi năm chúng tôi thu được 17 - 28 triệu đồng từ tiền bán vé, góp thêm vào việc đầu tư xây dựng nhà sơ chế rau, tu sửa hệ thống thủy lợi và giàn lưới…” - ông Phạm Mèo nói.

Xa hơn một chút, khi cây cầu Cẩm Kim vừa nối nhịp đôi bờ thì ngôi làng Triêm Tây sôi động hẳn lên. Qua khỏi cầu rẽ phải, đi loanh quanh trong các xóm nhỏ là những con đường xanh uốn mình theo hàng cau thoang thoảng hương quê.

Hai bên đường, hàng rào bằng rặng chè tàu xanh mơn mởn được cắt tỉa đẹp đẽ, gọn gàng. Và hơn thế, nhiều người dân ở đây giao tiếp bằng tiếng Anh chuyên nghiệp như dân làm du lịch ở Hội An.

Cùng với không gian làng quê yên bình, du khách đến Triêm Tây còn có thể tìm hiểu nghề dệt chiếu cói, nấu mỳ Quảng, chăm sóc cây cảnh, làm rau hữu cơ hay đi thăm hai ngôi nhà cổ của dòng tộc Võ Thị và Võ Đại ngót 300 năm tuổi…

Không chỉ về làng, DLCĐ cũng đã “vượt biển” đến với Cù Lao Chàm để làm “đổi đời” xã đảo một thời gian khó này, giúp xã Tân Hiệp không còn hộ nghèo. Điều đáng mừng là DLCĐ đã góp phần kích thích người dân, doanh nghiệp, chính quyền và các đơn vị liên quan phối hợp hình thành nền tảng, phương thức vận hành bền vững cho hệ sinh thái địa phương.

Người dân thôn Bãi Hương được giao quyền quản lý, bảo vệ, khai thác hơn 19km2 mặt nước biển trong khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Chủ các homestay chủ động tuyên truyền lối sống sinh thái đến du khách. Cư dân tuân thủ bộ quy tắc về khai thác có trách nhiệm cua đá… Dường như mỗi góc nhỏ Cù Lao Chàm đều chứa đựng những mẩu chuyện đặc trưng để kể cho du khách.

Làng DLCĐ Đại Bình có nhiều nét mới thu hút du khách trong năm 2022. Ảnh: H.T
Làng DLCĐ Đại Bình có nhiều nét mới thu hút du khách trong năm 2022. Ảnh: H.T

PGS-TS. Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch) cho hay: “Khi bàn về người dân ở đâu tham gia phát triển DLCĐ tốt nhất trong các bài giảng du lịch của mình ở khắp nơi thì tôi luôn nói về người dân Hội An và Quảng Nam. Không ở đâu người dân cởi mở, thân thiện và tạo được ấn tượng sâu sắc với du khách, nhất là khách quốc tế như vậy”.

Mạnh mẽ ban hành chính sách

Quảng Nam có khá nhiều chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, trong đó có DLCĐ. Nhiều năm qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định về cơ chế, chính sách để trợ lực du lịch, nhất là DLCĐ phát triển.

Có thể kể đến Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy năm 2016 về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định 1222 của UBND tỉnh phê duyệt đề án phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020; Quyết định 4143 về ban hành đề án hỗ trợ đầu tư cấp thiết hạ tầng du lịch tại các khu, điểm du lịch giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch số 6425 của UBND tỉnh về đào tạo bồi dưỡng lao động du lịch Quảng Nam đến năm 2020; đăng ký làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh và làng Đại Bình tham gia thí điểm chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025…

Năm 2019, hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp nông thôn tại Quảng Nam đã thu hút hơn 700 hộ gia đình tham gia, khoảng 1.200 lao động trực tiếp và 2.500 lao động gián tiếp. Mức doanh thu từ DLCĐ năm 2019 đạt gần 60 tỷ đồng - đây cũng là mức thu nhập tăng thêm từ khu vực nông nghiệp nông thôn.

Một số địa phương cũng có những động thái tiếp sức DLCĐ. Hội An với du lịch là ngành kinh tế chủ đạo tất nhiên tích cực nhất với một loạt chương trình, kế hoạch, đề án - phần lớn đang còn hiệu lực như: đề án phát triển bền vững xã Tân Hiệp trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An giai đoạn 2017 - 2025; đề án xây dựng làng quê - làng nghề sinh thái Cẩm Kim giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025; phương án mở rộng tuyến tham quan rừng dừa Bảy Mẫu và nội vùng xã Cẩm Thanh…

Huyện Tiên Phước có đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025...

Nhận thấy tiềm năng, cơ hội cải thiện sinh kế từ du lịch cũng như khát khao tiếp cận của người dân, các tổ chức quốc tế cũng ưu tiên nguồn lực, dự án hỗ trợ DLCĐ ở Quảng Nam.

Tiêu biểu có thể kể đến dự án “Phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững tại Quảng Nam, giai đoạn 2014 - 2015” do UNESCO và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tư vấn, tài trợ cho làng Triêm Tây (Điện Bàn); dự án “du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu huyện Nam Giang” do Tổ chức Cứu trợ/Phát triển quốc tế (FIDR) Nhật Bản đồng hành trong suốt thời gian qua…

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay, những chính sách hỗ trợ toàn diện ở hầu khắp lĩnh vực đã góp phần quan trọng tạo ra “làn gió mới” cho các làng DLCĐ.

Nhìn chung DLCĐ trên địa bàn tỉnh đã phát triển theo đúng định hướng và quy hoạch của tỉnh, bước đầu có hiệu quả trong việc mở rộng không gian du lịch, thu hút du khách, quy tụ nhiều thành phần kinh tế tham gia, vai trò chủ thể của người dân ngày càng được đề cao.

----------------------------------------

Bài 2: Dừng ở... điểm dừng chân

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Du lịch cộng đồng: Chậm rãi dọ hướng đi - Bài 1: Những ngày sôi động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO