Du lịch Cù Lao Chàm: Rối rắm từ... trong bờ

VĨNH LỘC 25/07/2017 09:52

Du lịch Cù Lao Chàm càng tăng trưởng càng phát sinh nhiều vấn đề lo ngại, đó không chỉ là áp lực của lượng khách lên đảo mà còn từ phía đầu bến và trong nội tại các doanh nghiệp đang kinh doanh, vận tải nơi đây.   

Doanh nghiệp vận chuyển khách ra Cù Lao Chàm. Ảnh: V.L
Doanh nghiệp vận chuyển khách ra Cù Lao Chàm. Ảnh: V.L

Từ chuyện “chặt chém” giữ xe…

Sau gần 5 tháng, Ban Quản lý Bến thủy bộ Hội An di dời nhà giữ xe máy ra bên ngoài cổng nhằm đảm bảo văn minh trật tự tại bến, hoạt động đón khách nhìn chung đã trở nên ngăn nắp hơn. Tuy nhiên, việc thiếu giám sát, kiểm tra từ các cơ quan quản lý, nhất là không công khai bảng giá tại bãi xe đã dẫn đến tình trạng chặt chém du khách. Hiện tại, khách muốn gửi xe ra đảo nhân viên ở đây đều thu mức phí 10 nghìn đồng/xe. Nếu ai “cự cãi” lại thì mức phí giảm xuống 5 nghìn đồng với câu trả lời “đắt thì 5 nghìn cũng được”.

Sự nhập nhằng này đã khiến rất nhiều du khách phải móc túi trả tiền với mức cao hơn quy định của UBND tỉnh về phí giữ xe máy tại điểm tham quan du lịch (chỉ 4 nghìn đồng/xe). Theo ông Lê Anh Truyền - Giám đốc Ban Quản lý Bến thủy bộ Hội An, trước đây việc quản lý bến bãi do phường Cửa Đại đảm nhận, nhưng từ ngày 1.1.2017 bến đã được bàn giao về ban quản lý và đơn vị đã giao cho tư nhân thầu giữ nên việc kiểm tra chưa được sâu sát. “Nếu có chuyện thu phí xe máy 10 nghìn đồng thì mình sẽ kiểm tra chấn chỉnh lại. Tuy nhiên, vì các đơn vị họ nhận giữ nên đôi lúc dù mình có quy định mức thu nhưng họ vẫn làm sai quy định, chúng tôi sẽ kiểm tra chấn chỉnh lại ngay” - ông Truyền nói.

Không chỉ thu phí giữ xe vượt quy định, việc đưa vào hoạt động điểm bán vé lẻ tập trung không phải tất cả đơn vị đều đồng tình, dù đây là bước cải tiến nhằm chấm dứt tình trạng cò mồi, phá giá bán tour của một vài đơn vị. Ông Phan Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Ngân Hà cho rằng, dù so với năm ngoái mức giá năm nay cao hơn nhưng thực tế vẫn có công ty không tuân thủ mức giá này. Chưa kể, giá lên nhưng phí bảo tồn tăng, ăn uống tăng… nên đâu cũng lại vào đấy. Đưa vào bán vé một cửa sẽ xảy ra những chuyện phức tạp.

…đến bất đồng trong hiệp hội

Tính đến thời điểm hiện tại có 36 doanh nghiệp với 120 tàu hoạt động đưa khách ra đảo Cù Lao Chàm. Trong đó, 35 doanh nghiệp đã tự nguyện tham gia vào Ban vận động Hiệp hội Du lịch Cù Lao Chàm, ngoại trừ Công ty TNHH Ngân Hà không vào. Bà Nguyễn Thị Hường Em - Chủ tịch Ban vận động Hiệp hội Du lịch Cù Lao Chàm cho biết, từ khi hiệp hội ra đời hoạt động đưa đón khách tham quan Cù Lao Chàm của các doanh nghiệp cơ bản đi vào nền nếp, nhất là thời gian gần đây hiệp hội triển khai một số giải pháp như: thực hiện cấm quay đầu, bán vé lẻ, chia sẻ khách, nâng giá tour tương xứng, đưa ra khỏi thực đơn bán khách những hải sản quý hiếm đang có nguy cơ cạn kiệt như bào ngư, ốc nón… Trong đó, việc chia sẻ khách cho các đơn vị theo tỷ lệ 3/7 đã nhận được nhiều ủng hộ từ phía doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ lẻ.

Theo thỏa thuận, tất cả đơn vị sẽ phải điều tiết lại 30% lượng khách để chia sẻ cho những đơn vị không có khách hoặc không có khả năng kiếm khách, hướng đến mục tiêu xây dựng tour du lịch Cù Lao Chàm bền vững. “Chúng tôi làm một chương trình phần mềm, mỗi buổi tối tất cả công ty nhận khách đều phải đăng ký lên đó. Trên phần mềm sẽ hiện rõ tổng lượng khách của hiệp hội và trong 35 doanh nghiệp này tôi chia thành 6 nhóm theo các nguyên tắc như có khách ăn uống cùng bãi; có lữ hành quốc tế, lữ hành nội địa; nhóm cùng cụm với nhau… nên khi nhận khách về dù doanh nghiệp có bao nhiêu khách cũng phải trích 30% vào một quỹ chung để phân bố lại cho những đơn vị yếu nhất (khoảng 7 đơn vị), nếu còn dư số khách này sẽ chia ngược lại cho các đơn vị trong hiệp hội theo tỷ lệ 10%, sự hỗ trợ này nhằm ngăn không cho các đơn vị yếu bán hạ giá, tránh xáo trộn về giá” - bà Hường Em cho biết.

Tuy nhiên, ông Phan Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Ngân Hà khẳng định sẽ không vào hiệp hội vì không tin tưởng việc chia khách và quy định giá. “Khách của mình, mình bỏ tiền ra đi sell nay tự nhiên chia cho hiệp hội. Nếu vô hợp tác xã lấy tổng thu nhập từ khách sau khi trừ thuế trừ chi phí ra chia đều thì được chứ như bây giờ tôi thấy cách làm này không minh bạch vì biết đâu giá quy định là 550 nghìn đồng nhưng doanh nghiệp bán 500 nghìn thì ai biết, ai quản lý” - ông Hưng nói. Bà Hường Em cho rằng, việc Công ty Ngân Hà đứng ngoài cuộc vì muốn hưởng lợi cao hơn. “Thứ nhất, ông Hưng có thể bắt khách giá thấp hơn 550 nghìn nên khách sẽ nhiều. Thứ hai, trong này hàng ngày mình phải chia sẻ khách thì công ty ông Hưng không phải chia sẻ khách cho ai. Việc vô hiệp hội là tự nguyện của doanh nghiệp nên cũng chỉ vận động” - bà Hường Em nói.

Trước tình trạng này, nhiều doanh nghiệp cũng muốn ra khỏi hiệp hội. Ông Huỳnh Kim Ba - Giám đốc Công ty Phú Hội cho rằng, nội tại hiệp hội đang tồn tại nhiều vấn đề, một số doanh nghiệp bằng mặt nhưng không bằng lòng. Trong đó, một vài doanh nghiệp không vì cái chung nên dẫn tới khó quản lý điều hành, mặc dù thời gian qua rất nhiều cái lợi hiệp hội đã mang đến cho doanh nghiệp. Chỉ riêng việc chia 30% khách cũng khiến không ít doanh nghiệp bực bội vì kẻ thì vất vả đi kiếm khách còn người ngồi ở nhà chờ chia. “Một phần nguyên nhân cũng vì thành phố khi cho doanh nghiệp ra quá dễ dàng, có người chỉ 1 đến 2 tàu cũng cho ra đón khách dẫn đến xuất hiện những doanh nghiệp không có năng lực chỉ ngồi không chờ khách làm sao các doanh nghiệp lớn khác không la làng được. Mùa cao điểm khách nhiều thì được chứ vài bữa nữa đến mùa thấp điểm sẽ có vấn đề rắc rối lắm” - ông Ba bộc bạch.

Tuy vậy, theo bà Hường Em, vấn đề quan trọng nhất của hiệp hội hiện tại chính là “không ai phục ai” khiến bà chán nản. “Hiệp hội quản lý 35 thành viên là 35 doanh nghiệp, trong đó ai cũng là giám đốc nên ai cũng muốn ý tưởng họ được chấp nhận nên khó có tiếng nói chung. Chưa kể, một số người không muốn cách làm việc bài bản chuyên nghiệp, họ muốn được tự do làm những điều trái chương trình, trái những cái quy trình của mình đề ra… Nói chung cũng chỉ vì quyền lợi cá nhân thôi” - bà Hường Em chia sẻ.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Du lịch Cù Lao Chàm: Rối rắm từ... trong bờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO