Du lịch Đà Nẵng tạo bứt phá mới

NGUYỄN THANH BÌNH 10/04/2023 07:51

Với triển vọng tích cực của nền kinh tế và thị trường bất động sản lấy lại nhịp phát triển, cùng sự tái xuất của lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, du lịch Đà Nẵng kỳ vọng bứt phá ngoạn mục trong thời gian tới.

Hoạt động chào mừng chuyến bay đầu tiên từ Viêng Chăn (Lào) đến Đà Nẵng vào tháng 3/2023. Ảnh: T.BÌNH
Hoạt động chào mừng chuyến bay đầu tiên từ Viêng Chăn (Lào) đến Đà Nẵng vào tháng 3/2023. Ảnh: T.BÌNH

Khách sạn thương hiệu quốc tế lên ngôi

Theo báo cáo ngày 4/4/2023 của Savills Việt Nam, kể từ khi mở cửa du lịch trở lại, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng đã lấy lại nhịp phát triển cùng sự cải thiện trong công suất thuê khách sạn, nguồn cung và sức hấp dẫn của biệt thự nghỉ dưỡng.

Nguồn cung khách sạn Đà Nẵng năm 2022 đạt 15.685 phòng từ 117 dự án, trong đó khách sạn 5 sao chiếm 61% số phòng; giá thuê khách sạn trung bình trong 6 tháng cuối năm 2022 là 1,8 triệu đồng/phòng/đêm. Tuy nhiên công suất cả năm ở mức 48%, vẫn thấp hơn 13 điểm phần trăm so với năm 2019.

Ở khía cạnh khác, khách sạn 4 - 5 sao mang thương hiệu quốc tế có giá trung bình cao hơn 40% và công suất thuê cao hơn 8 điểm phần trăm so với các thương hiệu trong nước. Tại Đà Nẵng, các đơn vị quản lý quốc tế vận hành 15 khách sạn 4 - 5 sao , trong đó Accor là đơn vị lớn nhất với các thương hiệu như Pullman, Novotel, Grand Mercure Danang.

Theo số liệu của Cục Thống kê Đà Nẵng, GRDP quý I/2023 của thành phố tăng 7,12% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đầu các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đứng thứ 2 trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương, xếp thứ 19 so với cả nước. Quy mô nền kinh tế trong quý I/2023 đạt hơn 30,7 nghìn tỷ đồng; trong đó lĩnh vực dịch vụ tăng thêm hơn 3,1 nghìn tỷ đồng... Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ của Đà Nẵng quý I/2023 tăng 11,5% so với cùng kỳ, tiếp tục là trụ đỡ chính thúc đẩy nền kinh tế thành phố phát triển theo hướng bền vững.

Năm 2022, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng là 18 dự án, tăng 49% theo năm và nguồn cung sơ cấp đạt mức cao nhất trong 12 năm qua. Điều này cải thiện tâm lý các chủ đầu tư sau 2 năm (2020, 2021) không có nguồn cung mới. Trong tương lai sẽ có 15 dự án biệt thự nghỉ dưỡng, trong đó quận Ngũ Hành Sơn chiếm 55% thị phần.

Số căn biệt thự nghỉ dưỡng bán trong 6 tháng cuối năm 2022 đạt mức cao nhất kể từ năm 2016. Giá bán sơ cấp trung bình 164 triệu đồng/m2, tăng 134% theo năm. Các thương hiệu quản lý như Furama, Accor, InterContinental Hotels Group (IHG), Hyatt và Fusion vẫn tiếp tục chiếm lĩnh phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng.

Từ năm 2018, giá thứ cấp trung bình biệt thự nghỉ dưỡng có thương hiệu tăng 14% mỗi năm, trong khi giá của các dự án không có thương hiệu tăng 10%.

Bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn của Savills Việt Nam nhận định: “Bất động sản có thương hiệu quốc tế sẽ giúp khả năng tiếp cận nhóm người mua lớn hơn. Các sản phẩm được nhà đầu tư chọn lựa thường có vị trí đẹp, sát biển là một lợi thế, chất lượng xây dựng tốt, pháp lý tốt, được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín và sở hữu đơn vị vận hành có tên tuổi”.

Phát triển theo hướng bền vững

Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho hay, dù phải xác định thay đổi cơ cấu kinh tế của thành phố, khu vực dịch vụ luôn là mũi nhọn quan trọng của Đà Nẵng, hiện chiếm tỷ trọng 70,5%; công nghiệp - xây dựng hơn 17,4%; thủy sản - nông lâm nghiệp 12,1%. Năm 2021 kinh tế Đà Nẵng dần hồi phục…

Đến năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Đà Nẵng đạt mức tăng trưởng 14%, đứng thứ 3 cả nước do giá trị xuất khẩu tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm và sự phục hồi du lịch.

Trong quý I/2023 Đà Nẵng đón hơn 1,424 nghìn lượt khách lưu trú; doanh thu lưu trú, ăn uống đạt 5.206 tỷ đồng. Riêng tháng 3/2023 doanh thu lữ hành và hỗ trợ đạt hơn 264 tỷ đồng. Tính chung, quý I/2023 lượng khách lữ hành đạt gần 208 nghìn lượt, gấp 20,5 lần cùng kỳ, trong đó khách quốc tế chiếm 23,3% (tương ứng 48,4 nghìn lượt).

Đặc biệt, Nhà ga quốc tế Đà Nẵng vừa được Tổ chức vận tải hàng không quốc tế - SkyTrax xếp hạng tiêu chuẩn 4 sao quốc tế năm 2023. Sân bay quốc tế Đà Nẵng cũng là đại diện đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được SkyTrax vinh danh trong tháng 3/2023 với 2 hạng mục: sân bay cải tiến nhất thế giới (hạng 3) và sân bay tốt nhất khu vực châu Á (hạng 10).

Trong năm 2022 Đà Nẵng đón 3,69 triệu lượt khách du lịch, tăng 3,1 lần so với năm 2021; trong đó có 483 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 4,6 lần so với năm 2021. Doanh thu lưu trú, lữ hành của Đà Nẵng đạt gần 8.900 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với năm 2021.

Đặc biệt, thu hút khách du lịch gắn với bảo vệ môi trường luôn là quan điểm nhất quán của lãnh đạo TP.Đà Nẵng trong những năm qua. Đó cũng là trách nhiệm, thói quen của từng người dân, sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị thành phố. Nổi bật, ngày 2/4/2021 UBND TP.Đà Nẵng đã ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030 với tổng kinh phí 15.546 tỷ đồng.

“Triển khai đề án này, thành phố đã tổ chức 15 hội thảo trực tuyến quốc tế và cấp quốc gia, xúc tiến 9 dự án hỗ trợ về môi trường, biến đổi khí hậu. Đồng thời mỗi năm huy động hơn 100 nghìn lượt người tham gia vệ sinh môi trường, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, duy trì nền nếp nhiều hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.

Nhờ đó, hai năm liên tục (2021 - 2022) Đà Nẵng đứng đầu trong 63 tỉnh, thành phố cả nước về thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả môi trường - PEPI” - ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng chia sẻ.

Kỳ vọng bứt phá mới

Bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng chia sẻ, thị trường du lịch đã mở nhưng nguồn khách nội địa và thị trường khách Hàn Quốc vẫn là hai nguồn cung chính khôi phục du lịch của Đà Nẵng.

Năm 2023, ngành đặt mục tiêu tập trung khôi phục phát triển thị trường khách quốc tế, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch hướng đến chuẩn chất lượng cao, thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá, cập nhật xu hướng thị trường, đảm bảo an ninh, an toàn điểm đến; phấn đấu số lượng khách lưu trú phục vụ tăng 15 - 20% so với năm 2022. Động lực quan trọng là sự trở lại của du khách Trung Quốc từ ngày 15/3/2023, mang đến triển vọng tích cực cho thành phố biển.

Trong thời gian qua, ngành đã tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến du lịch MICE; xây dựng kế hoạch phát triển thị trường khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng giai đoạn 2023 - 2025; phối hợp với Hãng hàng không Singapore Airline đón đoàn famtrip lữ hành Nam Phi đến khảo sát hạ tầng, dịch vụ du lịch tại Đà Nẵng và miền Trung; chương trình hỗ trợ khách quốc tế du lịch đám cưới đến Đà Nẵng năm 2023...

Bên cạnh đó, hàng loạt đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng mở lại tạo cú hích mang lượng lớn du khách đến thành phố. Hiện có 24 đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng, bao gồm 15 chặng bay quốc tế và 9 chặng bay nội địa. Chỉ trong tháng 2/2023, tổng số chuyến bay đến Đà Nẵng đạt 3.126 chuyến với 450 nghìn lượt khách, trong đó có 1.137 chuyến bay quốc tế với gần 188 nghìn lượt khách đến từ những thị trường du lịch trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ,...

Năm nay, thành phố sẽ dành hơn 400 tỷ đồng đầu tư dự án “Dòng sông ánh sáng”, trang bị và cải tạo ánh sáng từ cầu Thuận Phước đến cầu Tiên Sơn. Đồng thời tôn tạo cảnh quan hai bờ sông Hàn, ánh sáng trên núi Sơn Trà tạo hiệu ứng mới cho du khách, phát triển kinh tế đêm. Thành phố lên kế hoạch phát triển 7 tuyến du lịch đường thủy nội địa đến năm 2025; xây dựng đội tàu cao tốc, du thuyền, nhà hàng - khách sạn nổi sử dụng công nghệ xanh.

Điểm nhấn là sau 3 năm tạm ngưng, lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng sẽ tái xuất vào đầu tháng 6 tới. Cùng với đó, Đà Nẵng đăng cai Đại hội Thể dục Thể thao sinh viên châu Á và Liên hoan phim châu Á lần 1. Đây là những cơ hội lớn để Đà Nẵng bứt phá đạt được những dấu ấn tăng trưởng ngoạn mục ở giai đoạn hậu đại dịch COVID-19, góp phần hồi sinh du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Du lịch Đà Nẵng tạo bứt phá mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO