Du lịch đi qua trắc trở

QUỐC TUẤN 04/07/2023 06:55

Trong tình cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, du lịch Quảng Nam đã trải qua nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đầy trắc trở trên hành trình hướng đến mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Khách quốc tế tham quan Khu phố cổ Hội An. Ảnh: Q.T
Khách quốc tế tham quan Khu phố cổ Hội An. Ảnh: Q.T

Lỡ đà vì COVID-19

Ở thời điểm chuẩn bị lên kịch bản phát triển giai đoạn 2020 - 2025, du lịch Quảng Nam hội tụ quá nhiều điều kiện thuận lợi để bứt phá với nhiều chỉ số đã lọt vào tốp đầu du lịch Việt Nam. Rủi ro từ dịch COVID-19 là không thể lường trước và khiến mọi hoạch định bị đổ vỡ.

Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL, năm 2022 Quảng Nam đón gần 4,8 triệu lượt khách, doanh thu du lịch ước đạt gần 3.800 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023 Quảng Nam đón gần 4,6 triệu lượt khách, doanh thu du lịch ước đạt 4.600 tỷ đồng. Theo nhận định của lãnh đạo Sở VH-TT&DL, du lịch Quảng Nam sẽ hoàn thành và vượt mục tiêu đón 7 triệu lượt khách đề ra trong cả năm 2023.

Theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XXII, đến năm 2025 Quảng Nam sẽ đón khoảng 12 triệu lượt khách du lịch. Dù vậy báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XXII của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh nhận định, khả năng sẽ khó đạt mục tiêu này bởi dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp đến các chỉ tiêu tăng trưởng về du lịch địa phương. Dự kiến trong bối cảnh mới, đến năm 2025 Quảng Nam sẽ thu hút được khoảng 10 triệu lượt khách.

Thực trạng này cũng gián tiếp ảnh hưởng đến các chỉ tiêu đã được nhìn nhận là khó đạt theo Nghị quyết Đại hội XXII của tỉnh như tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm, thu nhập bình quân đầu người tính theo thu nhập thực tế hay cơ cấu GRDP ở lĩnh vực dịch vụ…

Hiệu ứng tích cực mà đại dịch COVID-19 mang lại với du lịch Quảng Nam có lẽ nằm ở việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn định hướng cũng như tiến trình phát triển du lịch xanh đã được tỉnh khởi động vào giai đoạn 2018 - 2019. Qua nửa nhiệm kỳ, Quảng Nam đã trở thành địa phương tiên phong thực hiện hành động để thực hành phát triển xu thế du lịch xanh.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay, từ thời điểm dịch COVID-19 lắng xuống, du lịch Quảng Nam phục hồi cơ bản tốt, tất nhiên là chưa thể quay lại như trước năm 2019. Có thể nói đại dịch COVID-19 đã khiến ngành du lịch Quảng Nam phải khởi động lại vào năm 2021 nên kịch bản xây dựng trong giai đoạn 2020 - 2025 nếu không đạt thì cũng là điều dễ hiểu, nhưng xét riêng kết quả trong năm 2022 thì vẫn thu được nhiều chỉ số tích cực.

Ông Nguyễn Thanh Hồng thông tin thêm, ở thời điểm hoàng kim của ngành du lịch Quảng Nam, cơ cấu khách quốc tế chiếm 60%, khách nội địa 40% nên nguồn thu từ du lịch rất tốt. Nhưng trong giai đoạn này do nhiều nguyên nhân mà cơ cấu khách nội địa chiếm đến gần 70% nên về lợi ích kinh tế từ du lịch thì chưa thể so sánh với trước đây.

Tháo những “nút thắt”

Cuối tháng 6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, thời hạn tạm trú đối với công dân của nước ngoài được Việt Nam đơn phương miễn thị thực thay đổi từ 15 ngày lên 45 ngày so với trước đây. Đây là tín hiệu rất tích cực, bởi “nút thắt” này đã được những người làm du lịch băn khoăn, đề cập từ rất lâu.

Theo ông Lê Quốc Việt - Giám đốc Khách sạn Santa Sea Hội An Villa, điều này rõ ràng sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành du lịch, trong đó du lịch Quảng Nam sẽ hưởng lợi lớn bởi lâu nay khách quốc tế chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu khách. Với thời hạn miễn thị thực tăng thêm 30 ngày, du lịch Quảng Nam có thể dễ dàng hơn trong việc thu hút các thị trường xa, có sở thích nghỉ dưỡng, lưu trú dài ngày tại Hội An.

Tuy đạt được những dấu ấn bước đầu, nhưng phải nhìn nhận qua 2 năm thực hiện Kế hoạch 5177 về phát triển du lịch xanh, mấu chốt khiến hướng đi này chưa thể nhân rộng là chưa có chính sách hỗ trợ để làm đòn bẩy.

Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, nguồn lực hỗ trợ từ các dự án quốc tế có giới hạn nhất định và “ăn đong” theo dự án. Chính quyền địa phương cũng đã nhận thấy vấn đề này và cần đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu, ban hành chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh.

Từ năm 2016, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 08 xác định mở rộng không gian phát triển du lịch về phía nam, phía tây của tỉnh. Đến đầu nhiệm kỳ Đại hội XXII, Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Nghị quyết số 13 về Phát triển thương mại, du lịch Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó mục tiêu tổng quát tiếp tục xác định chú trọng phát triển du lịch về phía nam và phía tây của tỉnh.

Dù vậy, hầu hết huyện miền núi tây bắc lẫn tây nam vẫn liên tục kêu khó vì hạ tầng phục vụ du lịch, nhất là hạ tầng giao thông. Từ quốc lộ 14G qua Đông Giang, Tây Giang; quốc lộ 40B qua Bắc Trà My, Nam Trà My hay tuyến ĐT609 từ Đại Lộc đi Đông Giang (qua Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang)… là những cung đường gian nan với du khách và cũng đều có kế hoạch nâng cấp, mở rộng nhưng chưa triển khai.

Những vướng mắc phía trên, có điểm đã được gỡ “nút thắt” và chờ chuyển động, lại có những khó khăn chưa biết khi nào sẽ được tháo gỡ. Với một nửa nhiệm kỳ còn lại, du lịch Quảng Nam chưa hẳn đã khép lại cơ hội đạt được mục tiêu như Đại hội XXII đã đề ra nếu được tiếp sức bằng những cơ chế, chính sách cụ thể cũng như kỳ vọng về sự “ấm lên” nhanh chóng của thị trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Du lịch đi qua trắc trở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO