Tìm giải pháp kết nối và không để “giẫm chân” nhau là nội dung trọng tâm trong hội thảo “Liên kết khai thác du lịch nông nghiệp, văn hóa, sinh thái dựa vào cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” diễn ra cuối tuần qua tại TP.Tam Kỳ.
Đánh thức “kho báu”
Tham dự hội thảo, PGS-TS. Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, thành viên Nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung cho rằng: “Trong giai đoạn vừa qua có thể nhận diện hai đặc điểm phát triển kinh tế nổi bật của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT) là nỗ lực phát triển thông qua liên kết vùng dù cơ sở cho sự liên kết phát triển kinh tế là rất thiếu, các điều kiện thực hiện liên kết rất khó khăn và chọn ngành du lịch để tập trung phát triển, coi đây là lĩnh vực chính để thực hiện liên kết phát triển Vùng”.
Thời gian qua, du lịch miền Trung đã có một bước tiến dài và xây dựng được thương hiệu trong đó có dấu ấn đáng kể của lĩnh vực du lịch nông nghiệp, văn hóa, sinh thái. Nhiều điểm đến, sản phẩm trong Vùng KTTĐMT thu hút được một lượng lớn du khách cũng như tạo ra sinh kế bền vững cho nông thôn, nông dân như: làng gốm Phước Tích, làng nón lá Dạ Lê… (Thừa Thiên Huế); thôn Tà Lang - Giàn Bí (Đà Nẵng); rừng dừa nước Bảy Mẫu, làng rau Trà Quế, làng cây trái Đại Bình, làng gốm Thanh Hà… (Quảng Nam); làng Gò Cỏ, miệt vườn Tân Lập… (Quảng Ngãi).
Theo PGS-TS. Phạm Trung Lương - Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam (VITEA): “Có hai phương thức để phát huy tốt nhất giá trị tài nguyên du lịch để phát triển du lịch cộng đồng bao gồm khai thác để xây dựng các sản phẩm du lịch và phát huy các giá trị di sản văn hóa, sinh thái và nông nghiệp thông qua hoạt động xúc tiến quảng bá hình ảnh nông thôn mới gắn liền với phát triển du lịch cộng đồng”.
Theo thống kê của Sở VH-TT&DL Quảng Nam, doanh thu từ các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh thời gian qua tăng khá nhanh từ mức chỉ 2,1 tỷ đồng (năm 2013) lên 39,4 tỷ đồng (năm 2018) chứng tỏ xu hướng du lịch trải nghiệm làng quê ở Quảng Nam nói riêng cũng như Vùng KTTĐMT ngày càng phổ biến và cần sớm đẩy mạnh khai thác một cách hợp lý.
Theo đại diện Tập đoàn Thiên Minh miền Trung, cơ hội để khai thác du lịch nông nghiệp, văn hóa, sinh thái dựa vào cộng đồng ở Quảng Nam cũng như các tỉnh lân cận là rất lớn. Không phải đến bây giờ mà từ năm 2009 đơn vị đã có những chuyến khảo sát ở vùng cao Quảng Nam để tìm kiếm cơ hội nhưng rào cản về hạ tầng, dịch vụ cho du khách còn hạn chế khiến “tiềm năng vẫn ngủ yên” cho đến nay.
Kết nối tạo điểm nhấn mới
Quảng Nam hiện có 2 di sản văn hóa thế giới, 1 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 4 di tích quốc gia đặc biệt, 46/63 di tích cấp quốc gia và 300/350 di tích cấp tỉnh nằm ở khu vực nông thôn, 10 di sản văn hóa phi vật thể, hơn 70 lễ hội truyền thống, 34 làng nghề tiêu biểu và nhiều hình thái di sản văn hóa phi vật thể hầu hết nằm ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch dựa vào cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo ra bộ mặt mới cho vùng nông thôn xứ Quảng.
Cần nhận thức rằng sự phát triển của du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn không chỉ thúc đẩy hoạt động kinh tế nông thôn, thúc đẩy phát triển du lịch mà còn góp phần hoàn thành các mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên tính trùng lặp của hầu hết sản phẩm du lịch cộng đồng ở Vùng KTTĐMT khiến sản phẩm du lịch nông nghiệp, văn hóa sinh thái chưa tạo được sức bật lớn. Nhiều đại biểu cùng có chung nhìn nhận, du khách sẽ rất nhàm chán khi đến nhiều tỉnh, thành trong khu vực nhưng các làng rau, làng gốm, hô hát bài chòi, dệt thổ cẩm… đều chung một kịch bản như nhau.
Theo đại diện Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành, liên vùng do vậy không nên quan điểm địa giới hành chính giữa các địa phương mà là một khối thống nhất, một điểm đến trong đó có liên kết nhiều địa phương.
Trong khi đó bà Nguyễn Thị Phương Nhung - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FVG phụ trách truyền thông - marketing cho rằng: “Nếu có chiến lược phát triển hợp lý, các doanh nghiệp du lịch lớn và người dân làm du lịch cộng đồng không những không cạnh tranh với nhau thậm chí có thể kết nối với nhau để hài hòa lợi ích để đôi bên cùng có lợi”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, khai thác du lịch nông nghiệp, nông thôn là nội dung quan trọng trong liên kết vùng và cần nhìn nhận đúng mức để khai thác tối đa giá trị ở từng địa bàn từ đó liên kết với nhau tạo thành dòng sản phẩm mới, sản phẩm du lịch trải nghiệm từng gắn kết với các khu du lịch lớn đã và đang dần hình thành trong vùng.