Sau nhiều năm biến động thị trường khách du lịch, nhiều người cho rằng, Hội An còn phụ thuộc quá nhiều vào các tuyến trung gian. Đến bao giờ cộng đồng doanh nghiệp và cư dân làm du lịch địa phương tự tiếp cận được thị trường khách, vừa có lợi nhuận cao, vừa chủ động được dòng khách, không phụ thuộc vào tuyến trung gian này?
Thay đổi dòng khách
Nhìn lại quá trình phát triển du lịch Hội An trong gần 20 năm nay, có thể thấy, giai đoạn đầu, Hội An là điểm đến của thị trường khách Âu, Mỹ, gọi chung là phương Tây. Đây có thể nói là dòng khách có chi tiêu cao, giúp du lịch dịch vụ Hội An phát triển nở rộ, định hình nhiều loại hình kinh tế bền vững, có tốc độ tăng trưởng nhanh và khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Đơn cử như nghề may và nghề làm đèn lồng của Hội An. Có thể nói trong giai đoạn đầu, lượng khách phương Tây đến Hội An với lựa chọn các dịch vụ này đã góp phần làm nên tên tuổi cho nhiều lĩnh vực kinh tế phát triển cho đến hôm nay.
Song, mấy năm trở lại đây, cơ cấu thị trường khách đến Hội An thay đổi rõ rệt, lượng khách phương Tây có dấu hiệu giảm sút. Trong khi đó, lượng khách nội địa và khách Đông Bắc Á lại tăng lên đáng kể. Vài ba năm nay, khách đến từ Trung Quốc, sau đó là khách Hàn Quốc tăng vượt trội. Nhiều thời điểm trong phố cổ Hội An và các làng nghề truyền thống, rừng dừa nước Cẩm Thanh, ngoài lượng khách nội địa, phần lớn du khách tham quan đều đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Thế nhưng trong vài tháng trở lại đây, dòng khách này đã bước đầu chuyển hướng đến các địa chỉ du lịch khác.
Là người trực tiếp thực hiện các hoạt động tiếp đón, hướng dẫn tham quan tại Hội An, bà Nguyễn Thị Hương Giang - Trưởng Văn phòng Hướng dẫn tham quan (Trung tâm VH-TT & TT-TH TP.Hội An) thông tin: “Khách Hàn Quốc mấy năm trở lại đây tăng cao nhưng vài tháng gần đây đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại, còn khách trong nước thì lại có nhu cầu tham quan ở nước ngoài, đến các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Vì vậy lượng khách trong nước đến tham quan phố cổ Hội An cũng giảm mạnh so với thời điểm này năm ngoái”.
Phụ thuộc
Sự chuyển dịch cơ cấu dòng khách ở nhiều thời điểm được cho là phù hợp với xu hướng, mong muốn thay đổi điểm đến của người đi du lịch nhưng một phần là do Hội An còn phụ thuộc nhiều vào tuyến trung gian, cụ thể ở đây là các công ty lữ hành và đội ngũ hướng dẫn viên tự do, hướng dẫn viên của các công ty du lịch. Trên thực tế, hiện nay, nhiều chủ thể du lịch ở Hội An còn bị động trong việc nắm bắt và điều tiết thị trường khách. Cư dân địa phương làm du lịch theo hướng cộng đồng, có khách đến thì phục vụ, khi khách chuyển thị trường thì phần nhiều vẫn chưa thể tiếp cận để thu hút dòng khách mới về Hội An. Một số doanh nghiệp cũng đã chủ động được thị trường khách nhưng việc tiếp cận cũng chỉ mới dừng ở phạm vi riêng từng doanh nghiệp. Các cơ sở lưu trú hiện nay phần lớn chỉ sử dụng phương thức đăng tải thông tin phòng lưu trú trên các trang du lịch đặt phòng, đều phải trích lại lợi nhuận khi có khách đặt. Việc tự chủ động liên kết và kéo khách về cho doanh nghiệp nói riêng và cho điểm đến Hội An nói chung vẫn còn hạn chế, mới chỉ có một số ít doanh nghiệp thực hiện được.
Là người có hàng chục năm làm du lịch, tự kết nối trực tiếp với khách đưa về xã Cẩm Thanh, từ khi du lịch rừng dừa Bảy Mẫu còn chưa phát triển như hiện nay, anh Trần Lưu Bình (thôn Thanh Tam, xã Cẩm Thanh) nhận định, sự thay đổi thị trường khách tại Hội An chủ yếu do còn phụ thuộc vào các nhân vật trung gian. Anh Bình nói: “Thành phố đã quảng bá rất mạnh nhưng người dân và một số cơ sở dịch vụ du lịch ở đây chưa thể tiếp cận trực tiếp, chưa nói chuyện hoặc làm việc trực tiếp với khách, toàn phải qua công ty lữ hành ở Đà Nẵng, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Các công ty này muốn thay đổi dòng khách một cái là ở đây mình mất hẳn dòng khách hiện tại, trì trệ liền, lại phải chạy theo. Cho nên có thể nói là còn phụ thuộc. Hầu như ở đây rất ít người tiếp cận được, chưa thể vươn ra tự kéo khách về, ví dụ như khách phương Tây chi tiêu cao, trên thực tế vẫn đi du lịch rất nhiều nhưng các công ty lữ hành chuyển thị trường khác, không đưa về Hội An, không về Việt Nam thì sẽ không có dòng khách này”.
Gần đây, tại các diễn đàn của thành phố, nhiều người cho rằng Hội An đang dần “thất thoát” dòng khách truyền thống có mức chi tiêu cao. Khách đến vẫn tăng nhưng việc mua sắm, tiêu dùng, lưu trú chưa nhiều. Một số sản phẩm truyền thống dần giảm khách sử dụng. Đơn cử như thị trường may nóng Hội An. Chưa có con số thống kê cụ thể nhưng nhiều đơn vị trước đây may mặc có tên tuổi, thương hiệu nổi tiếng trên thế giới giờ cũng đã giảm đơn đặt hàng, giảm lượng khách phương Tây ra vào may đo. Dịch vụ “may nóng” và vải vóc Hội An gần đây dần chuyển sang hàng may sẵn, với giá cả phải chăng, chủ yếu phục vụ nhu cầu du lịch bình dân, số đông. Dòng khách thượng lưu đặt hàng như nhiều năm trước đang có dấu hiệu giảm sút. Nắm bắt được sự chuyển dịch này, cộng đồng cư dân và doanh nghiệp du lịch địa phương cũng có sự chuyển hướng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của du khách với những sản phẩm có giá cả phải chăng nhưng không bình thường hóa sản phẩm. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng du lịch cộng đồng, giúp cho nhiều thành phần cư dân có nguồn thu từ du lịch. Tuy nhiên, thị trường khách du lịch Hội An vẫn có những biến động thường xuyên, cũng đặt ra những thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp và cư dân địa phương trong việc tạo ra sản phẩm phù hợp với các dòng khách mới. Vì vậy, việc chủ động tiếp cận, nắm bắt, dẫn dắt khách về Hội An, nhất là dòng khách có chi tiêu cao là việc rất cần thiết. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc sẽ hạn chế sự phụ thuộc vào tuyến trung gian trong du lịch, mang lại thu nhập cao, thu nhập trực tiếp cho bản thân doanh nghiệp và cộng đồng cư dân làm du lịch tại Hội An.