Du lịch Hội An đang chịu tác động bất lợi do tình hình chính trị phức tạp ở Thái Lan và căng thẳng trên biển Đông. Vì vậy, lãnh đạo thành phố xác định phải nhanh chóng chuyển hướng để phát triển bền vững.
Khách nội địa và du lịch biển là hướng chú trọng tập trung mới của du lịch Hội An. |
Dấu hiệu sụt giảm
Tính trong 6 tháng đầu năm, lượng khách đến tham quan tại Hội An có tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước với hơn 931 nghìn lượt, tăng 2,71%. Trong đó khách quốc tế tăng gần 10%, khách Việt Nam giảm gần 3,6%. Lượng khách lưu trú đạt gần 422 nghìn lượt, tăng xấp xỉ 4,3%, trong đó khách quốc tế tăng 7,8% và khách Việt Nam giảm 9,1%. Đạt được kết quả này là nhờ công tác chỉ đạo điều hành thực hiện các hoạt động du lịch dịch vụ, thương mại của lãnh đạo thành phố khá linh hoạt, nhất là việc tổ chức tour, tuyến du lịch, dịch vụ mới gắn với phát huy tiềm năng du lịch biển đảo kịp thời.
Nhìn chung, thị trường khách du lịch quốc tế có tăng so với cùng kỳ, trong đó thị trường khách Mỹ tăng 17,7%, Đức tăng 10,1%, Tây Ban Nha tăng 31%, Phần Lan tăng 18,1%, Nhật tăng 16,3%, Singapore tăng 48,6%. Tuy nhiên, từ tháng 5 đến nay một số thị trường truyền thống có dấu hiệu sụt giảm, nhiều nhất là du khách Nga giảm hơn 21,9%, Bồ Đào Nha giảm 17,4%, du khách các nước Pháp, Australia, Thụy Điển và Mỹ đều giảm dưới 14%. Đáng chú ý lượng khách Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan giảm mạnh, tổng số phòng bị hủy lên đến 4.230 phòng.
Nguyên nhân của tình trạng sụt giảm lượng khách ở thị trường truyền thống chủ yếu là ảnh hưởng tình hình chính trị ở Thái Lan và tác động của những căng thẳng trên biển Đông trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển, thềm lục địa Việt Nam. Bên cạnh đó cũng cần thấy các sản phẩm du lịch ở Hội An thời gian gần đây chậm đổi mới, thiếu sức hút lâu dài đối với du khách. Theo ý kiến phản ánh của du khách, các sản phẩm và dịch vụ từ du lịch biển Cửa Đại, Cù Lao Chàm còn hạn chế và chưa thật sự hấp dẫn. Gắn với các sản phẩm lưu niệm và dịch vụ mua sắm, các nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ, nghề truyền thống từng tạo được thương hiệu riêng trong thời gian qua tuy có đầu tư cải tiến về hình thức, mẫu mã nhưng sức cạnh tranh còn kém so với các sản phẩm cùng loại từ các địa phương khác nên chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ du lịch. Thậm chí, ông Nguyễn Văn Lanh, Trưởng phòng VH-TT thành phố còn cho rằng tình trạng làm hàng kém chất lượng, sản xuất cẩu thả trong nghề “may nóng”, làm da giày, lồng đèn... cho du khách vẫn còn diễn ra, ảnh hưởng uy tín của ngành du lịch địa phương.
“Trồng cây để hái quả”
Tình hình mới đặt ra yêu cầu cấp bách phải điều chỉnh định hướng du lịch Hội An phù hợp để thu hút nguồn khách có chất lượng, đảm bảo sự phát triển bền vững. Theo đó, du lịch Hội An được tập trung phát triển theo hướng đa dạng hóa thành phần khách, trong đó tập trung khai thác khách nội địa (nhất là khách đến từ TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội). Bà Đinh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Thương mại - du lịch TP.Hội An nói: “Từ tín hiệu khả quan của du lịch Cù Lao Chàm trong những năm gần đây, cần tiếp tục phát huy, tạo ra thị trường riêng, ổn định trong tương lai”.
Các tour tham quan biển đảo được ngành du lịch Hội An chú trọng phát triển, đồng thời liên kết mở thêm các tuyến tham quan làng nghề truyền thống, làng quê sinh thái, vùng phụ cận. Đặc biệt triển khai nhanh và có hiệu quả các chương trình phát triển du lịch tại xã đảo Tân Hiệp gắn với bảo tồn, phát huy giá trị Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và kết hợp khai thác hợp lý các bãi tắm biển trên địa bàn. Lãnh đạo thành phố cũng đã tạm dừng cho phép mới các cơ sở homestay để chấn chỉnh và tăng cường quản lý hoạt động nhằm đảm bảo phát triển đúng định hướng. Qua đó kết hợp thúc đẩy loại hình du lịch trải nghiệm dành cho du khách thông qua việc phát huy vai trò của cộng đồng dân cư. Chính quyền thành phố cũng tích cực tạo điều kiện, hỗ trợ về mọi mặt cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển, mở rộng quy mô, làm ra sản phẩm, dịch vụ mới phục vụ nhu cầu du khách. “Du lịch Hội An phải chuyển theo hướng “trồng cây để hái quả” chứ không phải hưởng lợi từ những cái có sẵn. Phải xác định rõ nhận thức trong tư tưởng lãnh đạo, trong công tác quản lý đến cộng đồng các doanh nghiệp và nhân dân. Mở rộng các loại hình dịch vụ để phục vụ du lịch, cả trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và ngư nghiệp. Du lịch Hội An không phụ thuộc một thị trường khách nào mà đa thị trường, đồng thời chú trọng tập trung hơn cho biển đảo, các làng nghề, làng quê bằng những chương trình thiết thực lồng ghép với xây dựng nông thôn mới để tạo ra đời sống mới có điều kiện vật chất tốt hơn cho nông dân và nông thôn” - ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An nói.
Gắn với Năm di sản và môi trường, nhân kỷ niệm 15 năm khu phố cổ Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (4.12.1999 - 4.12.2014) và các sự kiện văn hóa - chính trị - xã hội khác, Hội An còn tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, phát huy thương hiệu du lịch thông qua các chương trình giao lưu, hợp tác quốc tế và các hoạt động lễ hội tại chỗ nhằm tạo mối đồng cảm và sự hưởng ứng cao độ của cộng đồng nhân dân.
ĐỖ HUẤN