Du lịch Hội An: Đối mặt những thách thức

VĨNH LỘC 16/03/2017 08:39

Những điều tưởng chừng như xưa cũ nhưng bao năm qua vẫn không có giải pháp chấn chỉnh khiến môi trường du lịch Hội An ngày càng vượt tầm kiểm soát.

Từ phố…

Đến Hội An trong hai đêm diễn ra sự kiện “Những ngày văn hóa Hàn Quốc tại Hội An” mới thấy được sự chật chội và bức bối nơi đây. Hầu hết tuyến phố cổ dòng người chen lấn nhau nhích từng bước chậm chạp, nhẫn nại. Từ Chùa Cầu qua vườn tượng An Hội quãng đường chỉ khoảng 100m nhưng thời gian di chuyển cũng mất gần 10 phút đi bộ. Còn dưới sông Hoài, cơ man nào thuyền ghe chở khách xuôi ngược, tiếng gọi mời, tranh giành khách í ới. Cùng với đó, giá cả cũng vô chừng không theo một quy định nào, tùy khách mà có thể dao động 60 -100 nghìn đồng cho một chuyến đi hơn 5 phút ngắn ngủi trên sông.

Đã đến lúc cấm ô tô chở khách có trọng tải lớn vào nội thị Hội An. Ảnh: V.LỘC
Đã đến lúc cấm ô tô chở khách có trọng tải lớn vào nội thị Hội An. Ảnh: V.LỘC

Bên ngoài phố trên các tuyến đường Phan Châu Trinh, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Cao Hồng Lãnh, Đào Duy Từ… tình hình cũng không khá hơn khi nhiều ô tô, taxi đón, đổ khách khiến tình trạng kẹt xe diễn ra nghiêm trọng. Tại bãi đổ xe Quảng trường Sông Hoài và cầu Quảng Trường việc nhiều xe trọng tải lớn hơn 45 chỗ ngồi ra vào, đậu đỗ khách vô tình tạo nên  những “hòn núi” chặn kín lối đi, bắt buộc xe máy phải leo lên lề chen lấn với người đi bộ để tìm đường thoát ra ngoài; tiếng la lối, còi xe inh ỏi càng làm cho không gian thêm hỗn loạn. 

Đó là tình trạng diễn ra khá thường xuyên tại Hội An nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn cứ loay hoay chưa có giải pháp khắc phục. Nhiều du khách cho rằng, đã đến lúc nên cấm mọi ô tô, kể cả taxi vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm, nhất là dịp cuối tuần và  thời gian diễn ra các lễ hội. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, vấn đề này một mình thành phố khó có thể thực hiện, vì nếu cấm xe ô tô vào nội thị bắt buộc phải xây dựng bãi đổ bên ngoài sau đó trung chuyển khách vào. Trong khi việc quy hoạch xây dựng bãi đậu đổ xe cần có quỹ đất, kể cả khi đã có quy hoạch và quỹ đất tỉnh giao như khu vực nhà máy nước (2ha) nhưng bao năm nay vẫn không thể triển khai do đơn vị quản lý không chịu bàn giao. “Khu vực nội thị thì nhỏ mà lượng khách quá đông, có lúc hơn 10 nghìn người nên dẫn đến quá tải, kẹt xe là không tránh khỏi. Chưa nói, lâu nay hầu hết xe chở khách từ Đà Nẵng ra vô phố chỉ có duy nhất một đường Hai Bà Trưng. Hiện tại, thành phố đang giải tỏa đền bù khu vực tại phường Thanh Hà để xây dựng bãi xe nơi đây; giải tỏa, khai thông đường 18 tháng 8 (khu vực chùa Viên Giác, Cẩm Phô) nối qua đường ĐT607, dự kiến hoàn thành trong năm nay, lúc đó xe chở khách chỉ vào một đường ra một đường nên sẽ hạn chế được tình trạng kẹt xe” - ông Sơn cho biết.

… đến làng

Tương tự ở phố, du lịch các vùng ven Hội An cũng đang đối diện với sự tăng trưởng “nóng” chưa từng thấy. Từ Cù Lao Chàm đến Cẩm Thanh, nơi đâu cũng có “chuyện”, nguyên do thiếu sâu sát và buông lỏng quản lý của các cấp ngành ở địa phương. Tại khu rừng dừa Cẩm Thanh tình trạng phát triển tự phát, mạnh ai nấy làm đã đẩy môi trường du lịch nơi đây vào nguy cơ vỡ vụn. Theo ông Trần Văn Khoa - Giám đốc Công ty Jack Tran Tours - du lịch rừng dừa nước Cẩm Thanh bây giờ không khác gì một cái chợ vì quá nhố nhăng, lố bịch, ồn ào. Trong khi quy mô rừng dừa ngày càng bị thu hẹp lại do các công trình hạ tầng, giao thông tác động. Theo đà này chỉ vài ba năm nữa Cẩm Thanh sẽ “chết” nếu ngay từ bây giờ không có giải pháp khắc chế. Ở Cù Lao Chàm, ngoài áp lực gia tăng khách, môi trường sinh thái bị tàn phá, hệ động thực vật bị tận diệt thì hạ tầng cầu cảng, ý thức của doanh nghiệp cũng là điều đáng lo ngại. Ông Trần Hưng -  Chủ tịch Ban vận động Hội du lịch Cù Lao Chàm thừa nhận, trong số 40 doanh nghiệp đang hoạt động tuyến du lịch Cửa Đại - Cù Lao Chàm, có khoảng 30 công ty chưa ý thức được về văn hóa kinh doanh cũng như ứng xử về du lịch. Còn chính quyền địa phương thì sự hợp tác công tư không rõ ràng minh bạch, nhất là trong việc cung cấp dịch vụ vệ sinh tại chỗ, phí thu nhiều nhưng chất lượng không đảm bảo, khiến doanh nghiệp và du khách bức xúc.

Mới đây, trong buổi làm việc giữa Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh với các công ty lữ hành Hội An, hầu hết doanh nghiệp đều bày tỏ sự quan ngại trước thực trạng du lịch Hội An, đồng thời đề nghị tỉnh nhanh chóng có giải pháp “cứu” du lịch Hội An nếu không muốn mất Cù Lao Chàm, mất rừng dừa Cẩm Thanh, thậm chí mất danh hiệu di sản văn hóa khu phố cổ. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, du lịch Hội An đang đối diện với nhiều thách thức do chưa có quy hoạch chi tiết. Chính xác là công tác quy hoạch, quản lý nhà nước luôn chạy sau phát triển. Nếu có quy hoạch du lịch  cũng chỉ quy hoạch về mặt không gian, chưa quy hoạch về mặt quản lý và ít tham vấn cộng đồng. Đã đến lúc cần rà soát toàn diện những quy hoạch, thậm chí có thể thuê chuyên gia nước ngoài quy hoạch du lịch Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung. “Với tình trạng như hiện nay chỉ 3 năm nữa thôi Cù Lao Chàm sẽ mất trên bản đồ du lịch Việt Nam. Còn khu rừng dừa nước Cẩm Thanh thì không phải chờ đến 3 năm như anh Khoa nói mà hiện nay đã “chết” rồi. Cẩm Thanh đã không còn là Cẩm Thanh mà đó là sự chia cắt manh mún, loang lổ, khiến không gian sinh thái, lịch sử không còn nguyên vẹn” - ông Lê Trí Thanh cảnh báo.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Du lịch Hội An: Đối mặt những thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO