(QNO) - Đón trên 2,6 triệu lượt khách tham quan (tăng 17,92% so với năm 2015), cùng với thương mại, dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế chủ đạo của Hội An khi chiếm gần 70% tỷ trọng. Tuy vậy, năm qua du lịch Hội An cũng đối diện với nhiều thách thức và áp lực cần khắc phục.
Khó khăn tồn đọng
Là trung tâm du lịch của tỉnh, năm 2016 Hội An chứng kiến số lượng khách tăng kỷ lục vượt ngưỡng con số 2,6 triệu lượt, riêng khách mua vé tham quan phố cổ đạt gần 1,6 triệu lượt, doanh thu trên 172,5 tỷ đồng. Du lịch phát triển đã tạo áp lực mạnh mẽ lên phố, nhất là trong công tác quản lý. Bên cạnh những vấn đề liên quan đến môi trường du lịch (chèo kéo, cò mồi, hàng rong, chặt chém, phá giá, cạnh tranh không lành mạnh…) do công tác quản lý của một số phòng ban thành phố không theo kịp thì tình trạng sạt lở bờ biển, bồi lấp Cửa Đại hay phát triển nóng du lịch tại Cẩm Thanh và Cù Lao Chàm đã trở thành thách thức lớn mà Hội An chưa thể giải quyết dứt điểm. Tại Cù Lao Chàm, năm 2016 gần 440 nghìn lượt khách đến tham quan đảo, đi cùng với đó là áp lực về môi trường, an ninh, an toàn khách. Đặc biệt, vấn đề y tế và an toàn giao thông đường thủy nội địa cũng xuất hiện nhiều bất cập, nhất là trong phân tuyến phân luồng phương tiện ra vào dẫn đến chồng lấn, không theo quy định rõ ràng. Riêng vấn đề y tế đã trở thành nỗi lo cho du khách khi hạ tầng thiết bị tại đảo sơ sài, thiếu y, bác sĩ, kể cả đội ngũ y, bác sĩ tại chỗ…
![]() |
Không gian du lịch sẽ mở ra ngoài phố. Ảnh: V.L |
Ông Trần Hưng - Chủ tịch Ban vận động Hiệp hội Du lịch Cù Lao Chàm nhìn nhận, Cù Lao Chàm hiện nay như một túi chứa do tại đây chưa có một quy hoạch, phân vùng cụ thể chi tiết nào, nên dù thành phố có khống chế lượng khách 3.000 người ra đảo mỗi ngày cũng khiến Cù Lao Chàm “oằn mình” vì quá tải. “Cù Lao Chàm phải tổ chức du lịch theo hướng sinh thái, bền vững, do đó tôi nghĩ không nên đặt chỉ tiêu tăng trưởng khách hàng năm mà chú trọng về chất lượng và hiệu quả doanh thu. Ngoài ra, cũng phải nhanh chóng tiến hành triển khai các quy hoạch tại đảo, nếu không đến năm 2025 tình trạng quá tải vẫn còn xảy ra” - ông Hưng chia sẻ.
Thực tế, không chỉ du lịch Cù Lao Chàm bộc lộ những hạn chế khi phát triển nóng mà hầu hết các điểm du lịch tại Hội An trong năm qua cũng xuất hiện nhiều vấn đề tồn tại, nhất là hạ tầng giao thông. Tình trạng kẹt xe đã trở nên thường xuyên hơn do phương tiện gia tăng, đường phố chật hẹp và thiếu bãi đổ xe bên ngoài phố. Theo ông Trần Lực - Phó Giám đốc Saigontourist, Chi nhánh Đà Nẵng, với tốc độ tăng trưởng nóng du lịch như hiện nay, hạ tầng giao thông sẽ là thách thức lớn nhất của Hội An nếu ngay từ bây giờ không tiến hành triển khai các quy hoạch về hạ tầng giao thông, kể cả đường thủy, bộ và các phương tiện công cộng phù hợp. “Công ty chúng tôi chủ yếu đón khách tàu biển với mỗi chuyến trên 1.000 khách ghé cảng, trong đó gần 70% đi tham quan phố cổ nhưng do không gian du lịch hạn chế, nhất là thiếu bãi đổ xe và phương tiện vận chuyển giá cả phù hợp nên dù Hội An được đánh giá tốt nhưng qua sự phát triển nóng cũng ảnh hưởng đến tâm lý khách” - ông Lực nói.
Mở không gian du lịch
Thừa nhận những tồn tại hiện nay, tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, bên cạnh một số vấn đề nằm trong tầm giải quyết của thành thành phố thì không ít vấn đề lại phụ thuộc vào các ngành chuyên môn của tỉnh và trung ương. Trong đó, vấn đề hạ tầng giao thông là một trở ngại lớn do liên quan đến các cơ quan cấp trên. “Hai con đường vào Hội An là ĐT608 và ĐT607 bao năm nay vẫn chưa triển khai được. Trong đó, ngoài ĐT608 đoạn từ Lai Nghi lên Vĩnh Điện không biết bao giờ mới làm thì đường ĐT607 hơn 10 năm nay vẫn dậm chân tại chỗ, nếu vướng từ phía Điện Bàn thì sao không làm từ Hội An ra để cảnh quan đáp ứng nhu cầu du lịch. Rồi việc quy hoạch bãi đổ xe một số điểm bên ngoài phố vẫn gặp nhiều vướng mắc chưa tháo gỡ được” - ông Sơn cho biết.
![]() |
Môi trường du lịch tại Cẩm Thanh vẫn còn nhiều tồn tại cần chấn chỉnh. Ảnh: V.L |
Cũng theo ông Sơn, diện tích Hội An chỉ khoảng 60km2, trong đó biển đảo chiếm gần 16km2 nên không gian phố chật chội là tất yếu và điều này cũng khiến công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ, vui chơi giải trí tầm cỡ phục vụ du khách gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục những tồn tại này, thời gian tới bên cạnh triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hội An đến năm 2020 và triển khai phương án mở rộng không gian phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ gắn với sắp xếp lại hoạt động buôn bán hàng rong trong khu phố cổ, thành phố cũng sẽ tổ chức khai trương tuyến tham quan quanh đảo Cù Lao Chàm; đưa khu du lịch dịch vụ làng quê Cẩm Thanh và khu bãi tắm An Bàng theo quy hoạch mở rộng vào hoạt động. Nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm du lịch xanh, mang tính trải nghiệm; các sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao nhằm đa dạng thị trường khách. Đặc biệt, sẽ khảo sát, hình thành một số bãi tắm mới, dần thay thế cho bãi tắm Cửa Đại. Phối hợp với Sở VH-TT&DL lập quy hoạch mạng lưới cơ sở lưu trú trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý hoạt động lưu trú; khuyến khích, kêu gọi đầu tư phát triển mạnh các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, các sản phẩm du lịch mới mang tính đặc trưng của địa phương; hoàn thành và triển khai đề án số hóa bán vé tham quan khu phố cổ và đảo Cù Lao Chàm, tạo sự thuận tiện, thoải mái cho du khách….
“Rất nhiều khó khăn và thách thức hiện nay mà thành phố phải khắc phục chấn chỉnh lại, từ môi trường du lịch đến sạt lở, bồi lấp bãi biển… Do đó, một trong những giải pháp chủ đạo sẽ vẫn là tiếp tục tập trung triển khai mở rộng không gian phát triển du lịch cộng đồng tại các vùng quê, làng nghề, nông thôn, hải đảo. Đặc biệt, sẽ xúc tiến triển khai hai đề án chuyên đề về xã Cẩm Kim và Tân Hiệp nếu HĐND thông qua nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và kinh tế du lịch nói riêng tại 2 địa phương này. Đồng thời cũng sẽ giúp mở rộng không gian du lịch ra bên ngoài di sản, nếu không phố cổ sẽ quá tải” - ông Sơn cho biết thêm.
VĨNH LỘC