Du lịch không rác thải nhựa được xác định sẽ là xu hướng trong tương lai, với sự đồng thuận từ chính các doanh nghiệp, hãng lữ hành, du khách, người dân và chính quyền địa phương.
Hội thảo “Phát triển du lịch bền vững Quảng Nam 2019 - Du lịch không rác thải nhựa” diễn ra hôm qua (9.9) tại Hội An với thông điệp xây dựng môi trường du lịch phát triển bền vững, thúc đẩy giải pháp phát triển sản phẩm du lịch xanh, dễ tiếp cận trong chuỗi giá trị du lịch. Đồng thời, hội thảo đưa ra các giải pháp tạo môi trường khởi nghiệp đổi mới và thiết kế sáng tạo trong du lịch, cam kết chung tay hành động của Hiệp hội Du lịch Quảng Nam với chính quyền về “Môi trường du lịch không rác thải nhựa”. Hội thảo thu hút hơn 200 đại biểu trong nước, quốc tế và có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chứng kiến lễ ký kết chương trình không rác thải nhựa giữa các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành cũng như chính quyền nhiều địa phương của Quảng Nam.
Nguy cơ rác thải nhựa
Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, hiện nay có đến 629 cơ sở lưu trú cùng 77 đơn vị lữ hành hoạt động trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2018, khối lượng rác thải phát sinh trong sinh hoạt lên đến khoảng 240 nghìn tấn, trung bình một ngày có hơn 92 tấn rác được thải ra môi trường. Riêng các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ du lịch, chế biến, chế tạo xây dựng tại Hội An thải ra hơn 33,5 nghìn tấn rác/năm. Tuy nhiên, một tín hiệu vui là trong tổng số lượng rác thải ra môi trường hằng năm tại Hội An hiện nay có đến 65 - 70% rác thải dễ phân hủy.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chia sẻ, trong hơn 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng của Mỹ Sơn và Hội An hằng năm chiếm 25%, dự kiến đến năm 2020, Quảng Nam sẽ đón 8 triệu lượt khách. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là khi khách đông, trong bối cảnh nhận thức và hành vi chưa thay đổi, việc sử dụng vật liệu khó phân hủy phục vụ du lịch còn rất nhiều thì lượng rác thải nhựa ra môi trường sẽ tăng lên. “Nguy cơ thải rác ra bên ngoài lấn chiếm hết các tiềm năng về du lịch. Trong vấn đề phát triển sẽ gặp trở ngại vì chính sự không khai thác hết tiềm năng này. Trong khi đó, chất thải có nguồn gốc hữu cơ sẽ giảm được áp lực lên các vùng phát triển và giúp khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế vùng đất” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Trần Việt Thúy - Giám đốc Công ty Pacific World cho rằng, Hội An và Quảng Nam đang có môi trường du lịch thuận lợi và việc cố gắng hạn chế sử dụng rác thải nhựa trong tương lai sẽ thu hút du khách. “Chúng tôi có gần 200 tiêu chí phát triển bền vững. Tuy nhiên việc yêu cầu khách hàng cùng tham gia vào các nguyên tắc này thì chỉ có 60 - 70% khách hàng tạm thời chấp nhận. “Zero plastic” (không rác thải nhựa) chưa được quan tâm nhiều. Phần lớn các công ty du lịch nội địa khó chấp nhận thay đổi. Trong khi đó, các khách sạn 4, 5 sao thường có phần thích thú với các tiêu chí này. Do đó, chúng tôi cần nhiều thời gian để thuyết phục khách hàng về đường hướng phát triển bền vững này” - bà Trần Việt Thúy nói.
Cần sự đồng thuận
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, có thể biến những sản phẩm rác thải thành sản phẩm du lịch nếu thật sự sáng tạo. “Có thể để du khách tham gia trải nghiệm biến sản phẩm rác thải thành du lịch. Xu hướng du lịch nói chung hiện nay đang nói không với rác thải nhựa, tiết giảm rác thải ra môi trường cũng như thân thiện và có trách nhiệm với môi trường sống” - ông Thanh nói. Với tinh thần này, hiện nay, Quảng Nam đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình “Chống rác thải nhựa”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chia sẻ thêm, chương trình chống rác thải nhựa này sẽ thông qua các cơ quan truyền thông để tăng cường nhận thức cộng đồng. Trước hết Quảng Nam sẽ vừa tạo sự nhận thức trong nhân dân vừa cùng nhà sản xuất nghiên cứu các sản phẩm thay thế để đến tay người sử dụng. Cùng với đó, đưa vào các chương trình giáo dục của nhà trường, để ngay từ nhỏ các em hiểu được tầm quan trọng của việc giảm thiểu rác thải nhựa. Đồng thời, thời gian tới, Quảng Nam sẽ tạo điều kiện cho các hiệp hội có trách nhiệm vận động và tổ chức ký kết các chương trình hành động cụ thể hưởng ứng chống rác thải nhựa…
Trong khi đó, ông Michael Croft - đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, cần sự đồng thuận từ cộng đồng địa phương đến chính quyền, doanh nghiệp và cả từ Trung ương xuống. “Các bạn đã được ghi danh là Di sản văn hóa thế giới, những kinh nghiệm thành công trong quá khứ sẽ được các quốc gia khác học hỏi. Hiện nay bối cảnh thế giới đã khác. Quy trình phát triển cũng cần phải khác. Việc giảm rác thải nhựa ở một khía cạnh nào đó rất quan trọng, và cần phải được đặt lên vị trí xứng đáng trong quy trình mới” - ông Michael Croft nói. Cùng với đó, nhiều đại biểu cũng cho rằng định vị sự phát triển của du lịch bền vững cần sự gắn kết với di sản và bản sắc văn hóa, trong đó con người chính là giá trị cốt lõi. “Người ta đến phố cổ quá đông mà ngủ qua đêm thì quá ít, vậy làm thế nào để thuyết phục du khách lưu trú tại Hội An? Cần phải tạo ra sự khác biệt, không chỉ vì phong cảnh, di tích. Nhiều năm làm ngoại giao, tôi biết, thế mạnh của chúng ta với thế giới chính là con người Việt Nam. Phải có khuyến khích để cộng đồng, người dân có sáng kiến đóng góp, người dân vừa thụ hưởng lợi ích vừa đồng thời đóng góp triển khai chiến lược phát triển bền vững một cách hiệu quả. Tổng thể chiến lược đó phải dựa trên con người - chính là lợi thế tạo nên sự khác biệt” - bà Tôn Nữ Thị Ninh (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội) chia sẻ.