Du lịch Mỹ Sơn thiếu gì?

VĨNH LỘC 31/01/2015 10:09

Một cuộc gặp mặt với các doanh nghiệp lữ hành trong nước và quốc tế vừa được Ban quản lý Di tích và du lịch Mỹ Sơn lần đầu tiên tổ chức để tham vấn ý kiến và tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Du lịch Mỹ Sơn hiện thiếu gì ?

Báo cáo của Ban quản lý Di tích và du lịch Mỹ Sơn cho biết, năm 2014 Khu di tích Mỹ Sơn đón hơn 230 lượt khách, doanh thu gần 21 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 7 tỷ đồng. Bên cạnh một số sản phẩm quen thuộc như văn nghệ Chăm, hướng dẫn, hàng lưu niệm… năm 2015 du lịch Mỹ Sơn sẽ thực hiện một số thay đổi với việc tập trung vào hạ tầng như nâng cấp tuyến đường từ cầu Khe Thẻ vào tháp; trung chuyển xe điện; xây dựng bến xe, nhà khách; thực hiện hình thức bán vé điện tử; cải thiện một số dịch vụ mua sắm; xây dựng các sản phẩm phi vật thể… hướng đến nâng cao chất lượng phục vụ du khách nhằm kéo dài thời gian của du khách tại Mỹ Sơn. Theo ông Phan Hộ - Trưởng ban Quản lý Di tích và du lịch Mỹ Sơn, dù thời gian qua Mỹ Sơn đã có nhiều nỗ lực trong phát triển du lịch, giữ tăng trưởng ổn định hàng năm nhưng vẫn chưa tương xứng với giá trị của di sản. “Cái thiếu nhất của Mỹ Sơn hiện giờ là hạ tầng chưa tốt, dịch vụ chưa phong phú, mà trong du lịch thì hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ phải đa dạng hấp dẫn” - ông Hộ thừa nhận.

Năm 2015 sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ tại Mỹ Sơn.
Năm 2015 sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ tại Mỹ Sơn.

Tại buổi gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp lữ hành vừa diễn ra tại Mỹ Sơn mới đây, vấn đề sản phẩm, dịch vụ, thông tin quảng bá vẫn là câu chuyện được mổ xẻ nhiều nhất. Theo đại diện Công ty TNHH Du lịch lữ hành An Phú (Hội An), không phủ nhận những công việc Mỹ Sơn làm được trong thời gian qua, nhất là việc mở cửa tham quan nhóm tháp G. Điều này đã giúp du khách không chỉ được chiêm ngưỡng thêm một công trình kiến trúc mà còn tạo điều kiện để du khách cảm nhận được những kỹ thuật và giải pháp trùng tu mới áp dụng vào Mỹ Sơn. Tuy nhiên, du lịch Mỹ Sơn cũng có những hạn chế cần khắc phục như cơ sở hạ tầng xuống cấp; thông tin quảng bá còn kém; công tác quản lý các nhóm tháp chưa đồng bộ… “Tại sao mình không làm một số tập gấp về Mỹ Sơn phát cho khách tại quầy vé vì quảng bá truyền miệng rất quan trọng. Rồi tại nhà biểu diễn nếu trang bị 2 màn hình chiếu  phim tư liệu về Mỹ Sơn để khách xem trong quá trình chờ biểu diễn văn nghệ nhằm giúp họ hiểu hơn về khu đền tháp?” - vị đại diện Công ty An Phú đặt câu hỏi.    

Còn theo phản ánh của ông Trần Lực - Phó Giám đốc Chi nhánh Saigontourist tại Đà Nẵng, thời gian khách vào Mỹ Sơn còn dư rất nhiều nhưng không có dịch vụ nào để giải trí, trải nghiệm, kể cả muốn nghỉ ngơi uống nước cũng không có, điều này vừa gây nhàm chán cho khách, Ban quản lý lại mất nguồn thu từ việc cung cấp dịch vụ. “Vấn đề là chúng ta không có dịch vụ, mà nhiều ý tưởng tôi thấy rất hấp dẫn như cho khách cưỡi ngựa, cưỡi voi chẳng hạn. Chúng ta luôn nằm trong cái vòng luẩn quẩn với câu hỏi là đầu tư ra có khách hay không, nhưng cần hiểu rằng đầu tư phải có rủi ro, thời gian đầu đương nhiên người ta chưa biết nhiều nhưng nếu sản phẩm mình độc đáo thì sẽ có khách thôi” - ông Lực nói.

Ông Phan Hộ cho rằng, phát triển du lịch Mỹ Sơn rất khác biệt so với nhiều nơi khác vì mọi đầu tư vào khu di tích đều phải có ý kiến của Bộ VH-TT&DL nên các ý tưởng dù hấp dẫn cũng cần được nghiên cứu kỹ để vừa giúp nâng cao chất lượng dịch vụ Mỹ Sơn nhưng không vi phạm Luật Di sản khi triển khai. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Dũng - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, phát triển du lịch Mỹ Sơn hiện tại không chỉ tập trung vào quần thể di tích mà phải liên vùng nhằm hướng đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện sau giai đoạn 2020. Vì vậy, năm 2015 ngoài việc hoàn thiện hạ tầng, xây dựng các thị tứ, thị trấn, kiến thiết những điểm du lịch, cũng sẽ tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch tại Mỹ Sơn, hiện công việc đã chuẩn bị sẵn sàng để sau Tết âm lịch sẽ bắt tay triển khai.

Thực tế, thời gian qua cũng đã có nhiều dự án đầu tư vào bên ngoài Mỹ Sơn với số vốn lên hàng nghìn tỷ nhưng do năng lực doanh nghiệp yếu kém dẫn đến sự trì trệ. Trong đó, dự án xây dựng khu du lịch ngoài cầu Khe Thẻ, diện tích 1.700ha với số vốn đầu tư dự kiến trên nghìn tỷ đồng nhưng sau đó giảm xuống còn 170ha rồi 30ha, kết quả huyện đã quyết định cho dừng dự án. “Có nhiều yếu tố khiến việc cải thiện sản phẩm du lịch Mỹ Sơn trì trệ nhiều năm, trong đó có vấn đề về nguồn vốn. Bây giờ Nhà nước phải quyết định đầu tư một số hạng mục thiết yếu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển dịch vụ một cách lâu dài, tránh manh mún. Năm 2015 sẽ là năm khởi đầu để tiến tới nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển du lịch ở Mỹ Sơn” - ông Dũng khẳng định.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Du lịch Mỹ Sơn thiếu gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO