(QNO) - Phần lớn khu vực Nam Âu đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt với nhiệt độ nhiều nơi đạt mức cao kỷ lục. Nhiều điểm đến buộc phải đóng cửa giữa mùa cao điểm.
Một kỳ nghỉ hè bình dị trở thành cơn ác mộng sau khi hàng nghìn người phải sơ tán khỏi các hòn đảo của Hy Lạp vì cháy rừng bao vây.
Hàng ngàn người nằm chật cứng trong một nhà thi đấu thể thao cũng như la liệt khắp sân bay sau khi sơ tán khỏi thảm họa cháy rừng tại đảo Rhodes, nhiều chuyến bay hủy chuyến.
Hy Lạp thiết lập một khu vực đặc biệt tại sân bay Rhodes, cung cấp giường gấp cho các gia đình có trẻ em và người có nhu cầu đặc biệt.
Cuối tuần qua, nhiều du khách đi trong ngày trên đảo Rhodes không thể về khách sạn lấy hộ chiếu, tư trang....
Thành cổ Acropolis - điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng nhất của Hy Lạp phải đóng cửa trong những giờ nắng nhất trong ngày để bảo vệ du khách.
Tại Italia, chính quyền địa phương trên đảo Sardinia bất đắc dĩ yêu cầu khách du lịch phải ở trong nhà lưu trú để tránh say nắng khi nhiệt độ bên ngoài chạm mốc 47 - 48 độ C.
Bloomberg cho rằng thảm họa trên như "lời nhắc nhở mới nhất rằng ngành du lịch châu Âu cần phải đối mặt với thực tế của biến đổi khí hậu và thích nghi nhanh chóng".
Đây sẽ là một sự thay đổi mang tính kiến tạo đối với ngành du lịch và lữ hành của châu Âu vốn đóng góp 1,9 nghìn tỷ euro cho nền kinh tế khu vực vào năm 2022.
Dù ngành du lịch của châu Âu ước tính sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình hằng năm là 3,3% cho đến năm 2032, tần suất thời tiết cực đoan ở Nam Âu cũng như nhiều khu vực khác tại châu Âu có thể gây tổn thất cho ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế khu vực nói chung.
Một số nhà nghiên cứu lập mô hình các kịch bản cực đoan để đánh giá hậu quả đối với các bộ phận khác nhau của nền kinh tế. Sự thay đổi đó sẽ là một đòn giáng mạnh đối với các quốc gia phụ thuộc nhiều vào du khách để tăng trưởng kinh tế.
Ví như, ngành du lịch đóng góp 14,9% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hy Lạp vào năm 2021, hay đóng góp lần lượt là 9,1% và 8,5% cho Italia và Tây Ban Nha.
Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach viết trên Twitter rằng nắng nóng khắc nghiệt và một số điểm đến nghỉ dưỡng ở Nam Âu "sẽ không có tương lai trong dài hạn". Trong khi đó, Bộ trưởng Du lịch Italia Daniela Santanche nhấn mạnh, sự nóng lên toàn cầu đang ảnh hưởng đến toàn hành tinh chứ không chỉ một quốc gia nào.
Ông Eduardo Santander - Giám đốc điều hành của Ủy ban Du lịch châu Âu nhận định, sóng nhiệt ở châu Âu khiến du khách thay đổi thói quen du lịch. Nhiều du khách sẽ chọn các điểm đến mát mẻ hơn hoặc đi nghỉ vào mùa xuân hoặc mùa thu để tránh cái nóng khắc nghiệt. Điều kiện thời tiết có thể sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến sự lựa chọn của du khách trong tương lai.