Du lịch nông nghiệp - nông thôn cần một "cú hích"

QUỐC TUẤN 15/07/2021 07:17

Du lịch nông thôn gắn với phát triển nông thôn mới (NTM) đã được thúc đẩy và ít nhiều tạo được dấu ấn trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, để nâng tầm loại hình này trở thành thương hiệu du lịch đặc sắc, mang lại lợi ích cho các chủ thể thì vẫn còn chặng đường dài.

Cần thiết phải quy hoạch du lịch nông thôn đồng bộ với quy hoạch kinh tế xã hội ở địa phương. Ảnh: Q.T
Cần thiết phải quy hoạch du lịch nông thôn đồng bộ với quy hoạch kinh tế xã hội ở địa phương. Ảnh: Q.T

Chiều 14.7, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ VH-TT&DL tổ chức hội thảo trực tuyến về định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025. Chủ trì tại điểm cầu Trung ương có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đoàn Văn Việt; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu dự tại điểm cầu Quảng Nam.

Tiềm năng cần khai phóng

Dịch bệnh Covid-19 mở ra cơ hội tái cơ cấu ngành du lịch, mở ra xu hướng du lịch mới tạo cơ hội phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn. Thời gian qua xuất hiện một số xu hướng du lịch mới đáng chú ý như du lịch kết hợp làm việc từ xa, du lịch tại chỗ gần nơi du khách sống…

Tổ chức OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) mô tả du lịch nông thôn là “hoạt động du lịch diễn ra ở nông thôn”. Hiểu rộng hơn, du lịch nông thôn bao gồm các hoạt động, dịch vụ và tiện nghi được cung cấp bởi nông dân và nông thôn nhằm thu hút khách đến với khu vực của họ. Vì sao phải phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn?

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng: “Nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn là một nhiệm vụ rất quan trọng trong công cuộc xây dựng NTM. Các mô hình du lịch nông thôn không những mang lại lợi ích kinh tế, mà còn giúp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đảm bảo an sinh xã hội. Hiện có 37 sản phẩm du lịch cộng đồng được chấm 3 sao, 4 sao OCOP ở các địa phương. Ngoài ra còn hơn 370 mô hình du lịch cộng đồng ở các địa phương nên tiềm năng phát triển rất rộng mở”.

Ông Phan Đình Huê - Chủ tịch Công ty Dịch vụ du lịch Vòng Tròn Việt chia sẻ, cần mạnh dạn thúc đẩy loại hình này để thay đổi cách làm nông nghiệp kiểu cũ, chuyển hướng từ sản xuất sang làm kinh tế nông nghiệp và dịch vụ để thu được hiệu quả cao hơn. Loại hình du lịch này còn giúp thay đổi bộ mặt nông thôn từ đời sống vật chất đến lối sống văn minh.

Quảng Nam là địa phương duy nhất tại khu vực miền Trung tham gia hội thảo, điều này cho thấy du lịch của tỉnh đã bước đầu tiếp cận tích cực du lịch nông nghiệp - nông thôn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng, nổi bật nhất là “Dịch vụ trải nghiệm nông nghiệp bền vững hợp tác xã rau hữu cơ và du lịch Thanh Đông” (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) hiện đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và thường xuyên đón nhiều khách du lịch trải nghiệm, du lịch học tập.

Còn nhiều điểm nghẽn

Ông Phan Đình Huê cho rằng, hiện nay du khách thường liên tưởng du lịch nông thôn gắn với hình ảnh đi xem cây trồng, đồng ruộng. Nhưng nếu được phát triển chuyên nghiệp thì đó phải là kỳ nghỉ vùng quê. Ở đó, kỳ nghỉ sẽ bao gồm tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng… Vì vậy cần định vị thương hiệu du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với “kỳ nghỉ vùng quê” và có phiên bản tiếng Anh tương xứng.

Một nhà vườn ở xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành) thường xuyên thu hút khách tham quan. Ảnh: Q.T
Một nhà vườn ở xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành) thường xuyên thu hút khách tham quan. Ảnh: Q.T

Các vấn đề khúc mắc trong phát triển du lịch nông thôn ở hầu hết điểm đến đều bắt nguồn từ việc thiếu một tầm nhìn và cơ chế hợp tác dài lâu giữa các bên liên quan trong phát triển loại hình này.

Ông Dương Minh Bình - chuyên gia du lịch cộng đồng chia sẻ, ở các nước có nền du lịch phát triển, mỗi địa phương có một cơ quan gọi là “Tổ chức quản lý điểm đến”. Họ đưa ra các định hướng về giá trị và kế hoạch phát triển cho du lịch địa phương và là đầu mối đảm bảo các hoạt động hỗ trợ, đầu tư được tiến hành đúng mục đích. Trong khi đó, ở nước ta việc phụ trách trực tiếp điểm du lịch thường là phòng VHTT cấp huyện hoặc ban quản lý du lịch cộng đồng.

Theo bà Ngô Thị Thu Trang - đến từ Đại học Khoa học - xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh), cần thiết phải có những ưu đãi cho đầu tư phát triển dịch vụ du lịch ở khu vực nông thôn. Đặc biệt, phải có những cơ chế ưu đãi riêng thúc đẩy các mô hình du lịch trang trại farmstay, xây dựng nghị định về trang trại, trong đó có chính sách với trang trại du lịch.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch nhìn nhận, chưa có chính sách tổng thể phát triển du lịch nông thôn ở cấp quốc gia. Giai đoạn 2021 - 2025, cần phải quy hoạch du lịch nông thôn đồng bộ với quy hoạch kinh tế xã hội ở địa phương cũng như quy hoạch xây dựng NTM, cần chú trọng phát triển ở các điểm đến có thể kết nối với các tour tuyến điểm trong vùng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Du lịch nông nghiệp - nông thôn cần một "cú hích"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO