Nhiều bạn có dịp đi du lịch nước ngoài về kể chuyện làm du lịch nông nghiệp đang là trào lưu rất mạnh trên thế giới. Sản phẩm từ nông nghiệp ngay ở những nước phát triển có nền công nghiệp công nghệ cao như Mỹ, Nhật... đã được đa dạng hóa, phong phú tới mức dẫn dụ du khách liên tục bất ngờ, trải nghiệm hết sự thú vị này tới điểm hấp dẫn khác.
Một thí dụ sinh động như Hawaii. Đây là một quần đảo thuộc Hoa Kỳ, nhưng nằm giữa Thái Bình Dương nên có các tộc người bản địa của Á châu trong hệ Polyneasean, vốn gắn bó văn minh nông nghiệp nhiệt đới có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Đến nơi này, du khách người Việt sẽ bất ngờ khi thấy rất nhiều loại trái cây tưởng là bản địa của mình nhưng hiện diện ở đây lâu rồi. Chẳng hạn như các loại xoài, cốc, ổi, mãng cầu gai, thơm (dứa), chuối, đu đủ..., hay ngỡ mình lạc vào Bến Tre khi đi đâu cũng thấy bóng dừa. Điều lạ là có nhiều loại trái cây như vậy nhưng cư dân Hawaii không chú trọng việc xuất khẩu thô, mà chế biến ra nhiều sản phẩm trước hết phục vụ du lịch của nơi được mệnh danh là “xứ sở thần tiên”, “đảo thiên đường”. Lẩy ra câu chuyện cụ thể hơn, có thể kể về trái thơm (dứa, khóm), có những nông trại rộng lớn trồng thơm bạt ngàn. Ở đó, họ tạo ra một quần thể sinh cảnh độc đáo, cho du khách đi tàu điện chạy vòng quanh ngắm các quả đồi và cánh đồng mênh mông, thấy từ nơi cây thơm mới trồng đến khi ra hoa, kết quả và thu hoạch, đủ màu sắc. Ở đó, du khách có thể tản bộ để chụp hình lưu niệm với các tác phẩm điêu khắc, hoặc kiến trúc mô phỏng trái dứa, cây dứa; được tận mục sở thị loại dứa đỏ đẹp mắt, rồi thưởng thức những quả dứa tươi, kem dứa, sinh tố thập cẩm khéo léo đựng trong quả dứa... Cuối cùng cho tour tham quan nông trại thơm, du khách ghé vào cửa hàng với vô số chủng loại thực phẩm và hàng lưu niệm làm từ thơm có thể mua về làm quà. Nhận xét tóm gọn là họ đã biết khéo léo níu kéo bước chân du khách, không những thu phí du lịch mà còn bán được sản phẩm đa dạng từ trái dứa có giá trị giá tăng gấp nhiều lần.
Nhìn người rồi nghĩ đến ta, loại hình du lịch nông nghiệp cũng không còn xa lạ ở xứ Việt nhưng việc đa dạng hóa sản phẩm, kết hợp sản phẩm nông nghiệp với du lịch còn là chuyện dài. Như ở xứ Quảng, kể về cây thơm có lạ gì, đã từng có những nông trại dứa ở Chiên Đàn, Đức Bố, hay như vùng đồi trung du Đại Lộc, nhưng sau khi nhà máy chế biến thất bại, thì sản phẩm chủ yếu bây giờ vẫn là trái bán tươi để ăn chơi và... kho cá, nấu canh chua. Đặc sản như trái lòn bon, phần lớn nhà vườn hiện nay bán trái tươi, mới dùng một ít chế biến rượu, sản phẩm nghèo nàn vậy thì đưa đến vườn lòn bon tham quan chốc lát là xong, thu nhập được mấy đồng? Thử nghĩ thêm những sản phẩm đa dạng từ trái lòn bon, như rượu, nước giải khát, kẹo, bánh, vật phẩm lưu niệm... rồi xây dựng sinh cảnh để trải nghiệm các nhà vườn, nông trại, kết hợp phục dựng lễ hội mùa “xả trái” (như ở Hội Khách - Đại Sơn, Đại Lộc từng làm), lễ cung tiến Nam Trân (trái cây quý ở phương Nam, mỹ danh vua triều Nguyễn dành cho trái lòn bon). Có như vậy mới có thể hấp dẫn du khách được, đồng thời làm tăng thu nhập cho nhà vườn.
Dự là du lịch nông nghiệp sẽ phát triển mạnh hơn nữa. Tiềm năng để biến sản phẩm nông nghiệp phục vụ du lịch là vô cùng lớn cho xứ Quảng nói riêng, Việt Nam nói chung. Nhưng không thể “ăn xổi ở thì” làm chỉ đủ phủi lủm qua ngày với tầm nhìn ngắn hạn. Tạo sinh cảnh xanh đẹp, sản phẩm đa dạng, ẩm thực với màu sắc bản địa nhưng đảm bảo an toàn, là những điều cẩn đầu tư bài bản. Và làm nhiều hơn, thực chất hơn, chứ đừng hô hào nghị quyết suông “ăn bằng truyền thống, sống bằng tiềm năng”.