Du lịch nông thôn cần làn gió mới

QUỐC TUẤN 17/11/2023 08:26

Du lịch nông thôn đang được nhìn nhận là một “kho báu” giá trị để ngành du lịch khai phóng. Dù vậy, xu thế du lịch mới đòi hỏi tư duy tiếp cận và cách làm phải đổi mới để khai thác hiệu quả lĩnh vực này. Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia du lịch tại hội nghị “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững” vừa diễn ra.

Du lịch nông thôn có dư địa lớn nhưng cần đổi mới tư duy tiếp cận trong cách vận hành, tạo sản phẩm. Ảnh: Q.T
Du lịch nông thôn có dư địa lớn nhưng cần đổi mới tư duy tiếp cận trong cách vận hành, tạo sản phẩm. Ảnh: Q.T

Nắm bắt cơ hội

Theo Sở VH-TT&DL, khi đánh giá về du lịch Quảng Nam, các chuyên gia du lịch cho rằng cần phát triển điểm đến vệ tinh để chia sẻ lượng khách du lịch từ các trung tâm du lịch lớn đang quá tải.

Du lịch nông thôn được nhận định là lối mở triển vọng nhất để khai thác tài nguyên du lịch, hỗ trợ mở rộng sinh kế cho cư dân, đồng thời cải thiện kết cấu hạ tầng du lịch tại các điểm đến vệ tinh.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng một quán cà phê trên cánh đồng chưa thể gọi là du lịch nông nghiệp. Một vườn hoa bán vé cho khách vào “check-in” chưa đủ để gọi là du lịch nông nghiệp. Cần phải dùng nông nghiệp thu hút khách du lịch và du khách là đối tượng thị trường để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cần có sự kết nối đầu vào và đầu ra giữa hai lĩnh vực này.

“Nếu chúng ta tạo ra không gian cho khách đến chỉ để chụp hình check-in thì cả đời du khách chỉ đến với chúng ta một lần. Còn nếu chúng ta có sản phẩm tốt thì có thể khách đến một lần nhưng sử dụng sản phẩm của chúng ta cả đời” - bà Lê Thị Thanh Nga (chủ thương hiệu “Lò gạch cũ Farmstay” ở Duy Vinh, Duy Xuyên) nhận định.

Mô hình của bà Lê Thị Thanh Nga đang vận hành đang thay đổi trong cách tiếp cận. Đó là việc thay đổi từ trồng lúa trắng sang trồng lúa tím than, thay đổi phương thức canh tác truyền thống sang canh tác hữu cơ và thay đổi luôn phương thức bán sản phẩm. Một số hộ nông dân liên kết với mô hình của bà Nga thay vì trồng lúa bán thô thì kết hợp sản xuất và du lịch.

“Nông nghiệp kết hợp với sản xuất là chìa khóa để nâng cao giá trị nông sản. Còn nông nghiệp kết hợp với du lịch là chìa khóa để xuất khẩu nông sản tại chỗ. Hiện nay, nông sản được sản xuất từ “Lò gạch cũ” gần như được xuất khẩu mỗi ngày” - bà Nga chia sẻ.

Dự án “Làng củi lũ” (xã Cẩm Hà, TP.Hội An) cũng tạo được dấu ấn khi ông Lê Ngọc Thuận - người sáng lập dự án vừa được vinh danh vào tốp 100 nghệ nhân, thợ giỏi lĩnh vực thủ công mỹ nghệ toàn quốc năm 2023; còn các tác phẩm nghệ thuật của dự án đã lan tỏa đi nhiều nơi trên thế giới.

Ông Thuận chia sẻ rằng, cơ hội để nâng tầm dự án còn rất lớn nhưng bản thân không thể kham hết được việc tạo tour tuyến. Do đó rất cần và sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kỹ năng nghề cho đồng bào Cơ Tu có đam mê phát triển du lịch nông thôn để trong tương lai chính người làng của họ có thể tự vận hành được điểm đến và phát triển sản phẩm từ củi lũ, tạo thành chuỗi điểm đến xuyên suốt từ trên nguồn xuống biển.

Nhìn lại tư duy tiếp cận

Làng rau Trà Quế và làng mộc Kim Bồng từng là 2 điểm đến du lịch nông nghiệp - nông thôn kiểu mẫu, tạo được tiếng vang lớn ngay từ thời kỳ đầu TP.Hội An phát triển du lịch. Nhưng càng về sau thì hai điểm đến này càng “đuối”, số lượng vé tham quan bán ra giảm dần qua các năm.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, du lịch nông nghiệp làng nghề phải cải tiến sản phẩm, thích ứng với xu thế mới để làng nghề tồn tại, người dân sống được với nghề bản địa.

Lối mở là rất nhiều, đơn cử như có thời kỳ các chuyên gia Nhật Bản sang giúp làng rau Trà Quế chế biến các loại bánh từ rau rất ngon nhưng rất tiếc đến nay không có ai ở làng theo đuổi, nâng tầm nó thành sản phẩm hàng hóa gắn với hoạt động du lịch.

Theo các chuyên gia du lịch, sản phẩm du lịch, nhất là du lịch nông nghiệp - nông thôn có vòng đời của nó và cần liên tục tái tạo, sáng tạo nếu không sẽ rơi vào tụt hậu. Sẽ rất khó nếu du lịch nông nghiệp chỗ nào cũng bắt cá, cưỡi trâu…, trong khi cả nước hiện có gần 500 mô hình du lịch nông nghiệp.

Tháng 7/2023, Hội An đã phê duyệt dự án phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn giá trị văn hóa bản địa và hệ sinh thái tự nhiên tại làng mộc Kim Bồng thuộc chương trình thí điểm của quốc gia về phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tới đây, TP.Hội An cũng có kế hoạch lập dự án phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp hữu cơ và nghề truyền thống tại xã Cẩm Hà. Đây là những động thái được kỳ vọng sẽ thổi luồng sinh khí mới cho du lịch nông nghiệp tại địa phương.

Tại hội nghị “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra ngày 15/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, du lịch nông thôn không cần những mô hình hoành tráng, lớn lao mà chỉ cần chăm chút lại không gian tự nhiên và sắp xếp các câu chuyện đặc trưng bản địa thì du khách có thể thu hút du khách khám phá nhiều ngày.

Sắp tới, hai Bộ NN&PTNT và VH-TT&DL sẽ sắp xếp chủ trì hội nghị để cụ thể hóa Quyết định 922 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch nông nghiệp để thực sự mở ra vận hội mới, với kỳ vọng vẽ thêm được một bản đồ du lịch Việt Nam khác, bản đồ riêng về du lịch nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Du lịch nông thôn cần làn gió mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO