Cuối tuần qua, Sở VH-TT&DL tổ chức tọa đàm tham vấn xây dựng chương trình du lịch kết nối các điểm du lịch nông thôn Quảng Nam. Du lịch nông thôn Quảng Nam có tiềm năng lớn và đang được khuyến khích phát triển mạnh mẽ nhưng cần chiến lược phát triển hợp lý để tránh thất bại.
Tăng tour tuyến về nông thôn
Nông thôn Quảng Nam trải rộng, đa sắc màu văn hóa đã được nhìn nhận là có tiềm năng bậc nhất trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên để thúc đẩy du lịch nông thôn. Du lịch nông thôn đi liền với các loại hình chủ lực như: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và du lịch canh nông.
Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay: “Thời gian qua Quảng Nam đã ban hành, triển khai nhiều kế hoạch về phát triển du lịch nông nghiệp và đã ghi nhận những kết quả tích cực.
Các sản phẩm du lịch nông nghiệp của tỉnh đã góp phần tạo việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao động ở khu vực nông thôn, góp phần bảo tồn, lan tỏa các giá trị văn hóa thiên nhiên đặc sắc và bảo vệ môi trường tại các vùng quê có hoạt động du lịch”.
Dù vậy qua đánh giá chung, liên kết giữa các bên liên quan còn khá rời rạc chính là lực cản trong việc thúc đẩy du lịch nông thôn đi vào chiều sâu.
Theo ông Vũ Quốc Tuyển - đại diện Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ Amber, hiện CLB Điểm đến Quảng Nam gìn giữ giá trị bản địa đã xây dựng nhiều tuyến, điểm du lịch xuất phát từ Hội An.
Điều quan trọng là phải có liên kết giữa các điểm đến để thu hút khách. Việc xây dựng mạng lưới liên kết để phát triển du lịch nông thôn cần có sự chia sẻ giữa các bên để hướng tới thiết lập quan hệ đối tác, chia sẻ kiến thức và kỹ năng, tạo ra cơ hội hợp tác cũng như xác định lợi ích chung.
Còn ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch - dịch vụ Hoa Hồng cho rằng, du lịch nông thôn ở Quảng Nam đã có từ 20 năm trước nhưng nhìn chung không bật lên được. Ngành du lịch địa phương cần xác định được “nhân tố nổi bật” của loại hình này để đầu tư mạnh làm mô hình điểm, tạo chuỗi sản phẩm có sức hút về hình ảnh để xúc tiến du lịch tại các hội chợ quốc tế.
Ông Phạm Thanh Tùng - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và du lịch nông nghiệp nhận định, cần có hành động, giải pháp để tăng số lượng tour, điểm đến du lịch nông thôn ở Quảng Nam.
Số lượng tour và điểm đến du lịch nông thôn chiếm trên 30% tổng số sản phẩm du lịch của tỉnh là con số lý tưởng để thúc đẩy loại hình này phát triển. Hiện thực hóa được điều này chính là giải pháp để chuyển dịch, giảm tải bớt lượng khách đang tập trung vào hai di sản thế giới Hội An, Mỹ Sơn.
Du lịch nông thôn không thể “ăn xổi”
Theo đánh giá chung, du lịch nông thôn đang ở thời điểm lý tưởng để khai phá, tạo ra mũi đột phá mới cho ngành du lịch không chỉ Quảng Nam mà trên phạm vi toàn quốc. Dù vậy, loại hình này cũng đòi hỏi chiến lược phát triển bài bản chứ không thể “ăn xổi”.
Theo bà Lê Thị Thanh Nga - chủ thương hiệu “Lò gạch cũ farmstay”, có 7 sai lầm mà người tiếp cận lĩnh vực du lịch nông nghiệp hay mắc phải và bản thân “Lò gạch cũ” cũng từng trải qua đó là thành lập điểm đến chỉ để thu hút khách; du lịch nông nghiệp là xu hướng thu lợi nhanh; không cần thiết kế; dễ làm; không cần chiến lược; sao chép ý tưởng; thu nhập từ hoạt động nông nghiệp ít ỏi.
“Cần cố gắng cân đối nguồn thu cân bằng giữa hoạt động nông nghiệp và hoạt động dịch vụ và phải xây dựng được kịch bản trải nghiệm ấn tượng cho khách thì điểm đến mới duy trì bền vững” - bà Nga chia sẻ.
Làm theo phong trào, sao chép ý tưởng, tìm mọi cách sớm thu hút tối đa du khách là lo ngại chung của nhiều đơn vị du lịch khi đề cập câu chuyện thúc đẩy du lịch nông thôn. Đã có những “bài học” về sự “sớm nở chóng tàn” của du lịch nông thôn ngay chính tại Quảng Nam trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Giám đốc Công viên “Ký ức Hội An” cho biết: “Để có được sản phẩm tốt thì cần thời gian, chí ít thì điểm đến cần 2 - 3 năm chấp nhận lượng khách thấp để tạo ra sự khác biệt. Xây dựng câu chuyện trong du lịch nông thôn rất quan trọng và du khách phải trải nghiệm trực tiếp câu chuyện đó chứ không chỉ là nghe kể lại trên hành trình tham quan”.
Theo bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa & xã hội HĐND tỉnh, việc phát triển du lịch nông thôn cần có sự hài hòa, minh bạch trong phân chia lợi nhuận và chia sẻ rủi ro. Cần tối đa tránh việc làm tự phát mà phải có sự định hướng của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Và quan trọng nhất là vẫn phải hướng về người dân bản địa bởi họ là chủ thể của nông thôn.
“Nếu người dân không tự nguyện tham gia và hưởng lợi ích từ du lịch nông thôn thì các điểm đến khó tồn tại lâu dài. Và một khi điểm đến bị thất bại thì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho các bên liên quan” - bà Thu nói.