Ít nhiều hụt hẫng trước thông tin Trung Quốc chưa mở cửa cho khách du lịch đến Việt Nam, dù vậy Quảng Nam không bị ảnh hưởng quá lớn bởi đây chưa phải là dòng khách chủ lực của du lịch địa phương.
Ít tác động nhờ khác biệt cơ cấu khách
Đầu tháng 2, Trung Quốc cho phép các doanh nghiệp nước này được nối lại hoạt động đưa khách theo nhóm đi du lịch nước ngoài tới 20 quốc gia, nhưng không có Việt Nam.
Thông tin này khiến một số tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch trên toàn quốc có cơ cấu khách Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn lâu nay hụt hẫng. Đây là điều dễ hiểu khi ở thời điểm năm 2019, Trung Quốc là thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến hơn 32% tổng cơ cấu khách quốc tế đến nước ta.
Điều tích cực là với cơ cấu khách tương đối đa dạng, Quảng Nam lâu nay không phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Năm 2019, Trung Quốc tuy đứng thứ 6 trong tốp 10 thị trường khách quốc tế lớn nhất của Quảng Nam với lượng khách tham quan, lưu trú đạt hơn 83 nghìn lượt nhưng chỉ chiếm chưa đến 5% cơ cấu khách quốc tế của tỉnh.
Thống kê cho thấy, có gần 200 nghìn lượt du khách lưu trú tại Quảng Nam trong tháng 1/2023 (tăng gần 10% so với tháng 12/2022). Dấu hiệu cho thấy đà phục hồi vẫn đang được duy trì.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay, dù thiếu vắng thị trường khách Trung Quốc nhưng du lịch Quảng Nam vẫn đang trên đà phục hồi khá ổn.
Điều này có được nhờ vào lượng khách từ các thị trường lớn trước dịch COVID-19 của tỉnh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, châu Âu cùng một vài thị trường mới nổi như Ấn Độ đều đang phục hồi rất khá.
Tất nhiên là không ít đơn vị du lịch cũng khó thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng. Đơn cử như Hoiana, vốn có dòng sản phẩm dịch vụ - giải trí định hướng khách Trung Quốc là một trong số thị trường chính.
Thời gian qua, Hoiana cũng đã đưa vào vận hành mới 1 nhà hàng chuyên về ẩm thực Trung Quốc và 1 nhà hàng món Á mang cảm hứng ẩm thực Trung Hoa cũng như bồi dưỡng năng lực giao tiếp tiếng Trung cho đội ngũ nhân viên để kỳ vọng đón đầu “làn sóng” khách Trung Quốc trở lại sau 3 năm vắng bóng.
Đại diện quản lý Hoiana cho biết, đơn vị rất tiếc khi chưa thể đón khách từ thị trường này. Dù vậy, cũng đã có vài tín hiệu tích cực về việc đặt dịch vụ từ các đại lý về thị trường khách Trung Quốc, Hoiana kỳ vọng thị trường này sẽ phục hồi nhanh trong mùa hè tới đây.
Chờ đợi và chuyển động
Hồi tháng 1/2023, trước thông tin thị trường Trung Quốc rục rịch mở cửa, Quảng Nam cũng đã chủ động lên kế hoạch về xúc tiến du lịch tại thị trường này. Bao gồm các hoạt động đón đoàn famtrip, KOL từ thị trường Trung Quốc, tham gia gian hàng quảng bá tại các hội chợ du lịch ở Trung Quốc, chủ động tiếp cận thị trường này thông qua các chiến dịch marketing online trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc…
Ông Nguyễn Thanh Hồng cũng cho hay, ngành du lịch xác định ở thời điểm này không chỉ thị trường Trung Quốc mà Quảng Nam phải đẩy mạnh xúc tiến nhiều thị trường khách quốc tế khác để đón đầu cơ hội phục hồi. Sở đang hoàn thiện kế hoạch và các giải pháp đón khách quốc tế đến Quảng Nam trong bối cảnh mới, đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan.
“Riêng về dòng khách Trung Quốc, ngành cũng luôn chủ động phương án cần thiết để khi Trung Quốc mở cửa du lịch khách đoàn đến Việt Nam thì Quảng Nam sẵn sàng thu hút và có sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách, nhất là về loại hình khách tham quan và tham gia các dịch vụ giải trí có thưởng” - ông Hồng nói.
Theo đại diện Vinpearl Nam Hội An, thị trường Trung Quốc không phải là thị trường thế mạnh của Quảng Nam. Nếu tỉnh thực sự muốn đẩy mạnh xúc tiến thị trường này thì cần động thái mạnh mẽ hơn ở thời điểm hiện tại bởi đây là lúc thị trường này sắp quay trở lại sau thời gian dài “đóng băng”.
Du khách sẽ ưu tiên những địa điểm cuốn hút, có chính sách thông thoáng, linh động. Hệ thống Vinpearl cũng đã có kế hoạch quảng bá thị trường này từ tháng 3 với ngân sách quảng bá, xúc tiến khá lớn. Dù vậy, để tối ưu hóa hiệu quả mang lại từ công tác xúc tiến thì không phải là câu chuyện của riêng doanh nghiệp mà rất cần sự cộng hưởng từ các chủ thể liên quan đến ngành du lịch.